Một đoàn tàu chiến Trung Quốc 4 chiếc, bơi một đoạn đường dài 1.800km, dẫn đầu là tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn đã tới bãi đá James Shoal – cách phố biển Bintulu của Malaysia khoảng 80km, cách Brunei chưa đầy 200km, nghênh ngang tuyên bố chủ quyền.
Dư luận thế giới và ngay cả chuyên gia người Anh cũng sửng sốt, ngạc nhiên trước hành xử “chưa bao giờ” như vậy của Trung Quốc, nhưng Việt Nam thì không.
Nếu có điều gì đó khiến Việt Nam ngạc nhiên thì điều đó là, tại sao hành động này của Trung Quốc đến bây giờ mới xảy ra mà thôi.
Ngay từ đầu năm 2011, khi vấn đề Biển Đông đang căng thẳng và chuẩn bị dấy lên một mức độ cao của bối cảnh Trung Quốc chuẩn bị cho chiến lược hợp lý hóa bản đồ đường 9 khúc (đường lưỡi bò) thì Indonexia đã cùng Trung Quốc lên kế hoạch “tuần tra chung”.
Tuần tra chung chỉ khi 2 quốc gia có vùng biển chung như Trung Quốc với Việt Nam, với Philipines, Nhật Bản…nhưng với Indonesia hoặc Malaysia, Bruney thì giữa họ có vùng biển chung không? Rõ ràng là không có. Vậy thì tại sao?
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, với hình thức tuần tiễu hải quân hỗn hợp này, “một khi tàu đánh cá Trung Quốc lạc vào vùng biển của Indonesia, họ sẽ được nhắc nhở để quay trở ra”, rằng, “giúp tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh tại khu vực Biển Đông, nguồn gốc nhiều mối bận tâm của các nước trong khu vực”.
Té ra chỉ với hải quân Indonesia thì Hải quân Trung Quốc xông lên tuyến đầu để cản tàu cá của họ đừng đi vào vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia khác, còn đối với Mỹ, Nhật Bản, Philipines và Việt Nam thì không như vậy, tàu cá phải xông lên tuyến đầu…là một sách lược hợp lý, khoa học không có gì là mâu thuẫn của các nhà chiến lược Trung Quốc.
Thứ nhất là chiến thuật biển người không thể thực hiện với một khoảng cách quá xa và thứ hai là chiếm chủ quyền với khẳng định chủ quyền là 2 vấn đề khác nhau rất lớn.
Sự “hợp tác” này (được thống nhất ngày 24/5/2011), chẳng khác nào việc Indonesia dâng hải đồ lên để Trung Quốc “đánh dấu sơ bộ” cực nam của mình. Sự hợp tác này, người Việt Nam và những ai hiểu Trung Quốc đều chắc chắn rằng, Indonesia đã “cho sói để một chân trong nhà”, hậu quả sẽ khôn lường.
Năm 2012, chiến lược thực thi hóa “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc bắt đầu ráo riết với rất nhiều thủ đoạn, bị Việt Nam, Philipines và dư luận tiến bộ trên thế giới kể cả Mỹ, phản đối rất quyết liệt, trong khi đó một số quốc gia trong khu vực thì “dĩ hòa vi quý”, họ cho là không liên quan hoặc liên quan ít đến mình.
Và, cái gì đến đã đến, ngày 26/3/2013, một đoàn tàu chiến Trung Quốc 4 chiếc, dẫn đầu là tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn đã tới bãi đá James Shoal – cách phố biển Bintulu của Malaysia khoảng 80km, cách Brunei chưa đầy 200km nhưng cách bờ biển Trung Quốc 1.800km, nghênh ngang tuyên bố chủ quyền. Tin của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc hẳn hoi.
Vài ngày sau, Malaysia tỏ ra ngạc nhiên và cho rằng đó là “tin vịt” vì không thấy cái gọi là đoàn tàu chiến nào như Trung Quốc đưa tin cách họ 80 km.
Tuy nhiên, việc Malaysia có cho rằng đó là “tin vịt” hay là gì để chứng tỏ điều gì với dư luận trong nước và thế giới, không quan trọng vì Trung Quốc xong việc Trung Quốc về, bãi cạn James vẫn còn đó. Nhưng, với Trung Quốc quan trọng là đánh dấu cụ thể cực nam Trung Quốc và thông báo với toàn thế giới biết. Đường lưỡi bò không còn là “ảo” như bị phê phán nữa, nó đã có điểm cực nam. Thế thôi.
Tại sao ư? “Cháo nóng húp quanh”, Trung Quốc chẳng dại gì “húp” một chỗ trong khi biết rằng chỗ đó “cực nóng” và chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ giảm “độ nóng”.
Nhưng, một cái nhưng to tướng mà các quốc gia trong khu vực (ASEAN) cần hiểu: Trong chiến lược để Trung Quốc vươn tới thành cường quốc biển thì cái gọi là “đường lưỡi bò” mới chỉ là một nội dung gạch đầu dòng mà thôi.
Quốc gia nào án ngữ “đường sinh mệnh” của Trung Quốc?
Trung Quốc coi Biển Đông là “đường sinh mệnh” vì 70% dầu lửa đều được đi qua đó, nhưng eo biển Malacca mới là cửa chính, yết hầu, tử lộ của Trung Quốc.
Nếu như trước đây, bành trướng trên lãnh thổ thì Việt Nam được coi như quốc gia án ngữ phía Nam của Trung Quốc. Nhưng ngày nay, tình thế đã khác, để trở thành bá chủ thế giới trước hết phải là cường quốc biển.
Trung Quốc dù có được 80% Biển Đông như bản đồ “đường lưỡi bò” thì cũng chỉ mới tạo ra được bàn đạp quân sự, chiếm lĩnh một ít tài nguyên chưa được đánh giá trên Biển Đông, nhưng huyệt chính là eo biển Malacca mà chưa được “giải” thì không giải quyết được vấn đề then chốt. Do đó, không khó để nhận thấy các quốc gia ven eo biển Malacca chính là các quốc gia án ngữ “đường sinh mệnh” của Trung Quốc.
Đó chính là các quốc gia thân Mỹ và sẽ trở thành đồng minh với Mỹ bất cứ lúc nào quanh eo biển Malacca gồm Malaysia, Indonesia, Bruney, Singapore và cả Úc. Nếu mà chưa “bóc vỏ” được hay chưa buộc họ phải lựa chọn chỉ Trung Quốc chứ không phải Mỹ thì không thể mang tính đột phá cho chiến lược cường quốc biển.
Đến đây, đã đến lúc Indonesia, Malaysia, Bruney và Singapo phải tỉnh táo để nhận ra rằng, (Indonesia mới phản đối đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc mới đây, sau vụ ngày 26/3/2013) đường lưỡi bò không chỉ là gay gắt với Việt Nam, Philipines mà giờ đã hiện hữu, cụ thể hơn và sẽ gay gắt hơn tại Malaysia, Indonesia và Bruney trong thời gian tới khi mà Mỹ bị Trung Quốc cho rằng đã có dấu hiệu hụt hơi, bạc nhược, trong chiến lược trở lại châu Á-TBD. Trung Quốc nắm cơ hội đó hành động.
Vì vậy, quan hệ với Trung Quốc, thậm chí dù đã có tâm niệm rằng “hãy coi Trung Quốc làm chứ không nghe Trung Quốc nói” đi nữa thì cũng không có ý nghĩa, bây giờ chỉ là cảnh giác và tăng cường cảnh giác.
Trung Quốc chỉ có thể lợi dụng được các quốc gia nhỏ chứ các quốc gia nhỏ thì không thể lợi dụng được Trung Quốc hoặc chỉ có thể lầm tưởng mình lợi dụng được Trung Quốc mà thôi.
Trường Sa Việt Nam và Việt Nam được các thế thế lực mang nặng tư tưởng dân tộc cực đoan, võ biền, cay cú, ở Trung Quốc cứ cho rằng Việt Nam án ngữ “con đường sinh mệnh” của Trung Quốc…nhưng không phải như vậy.
Các nhà thông thái Trung Quốc thừa biết Việt Nam có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông chỉ một lí do duy nhất là chủ quyền, ngoài ra không vì mục đích quân sự. Thừa biết Việt Nam không có ý tưởng và chưa đủ khả năng để khống chế eo biển Malacca khi cần. Thừa biết Việt Nam muốn là bạn với Trung Quốc… Cho nên Việt Nam, vị trí Việt Nam trên Biển Đông chưa phải là quốc gia án ngữ “con đường sinh mệnh” của Trung Quốc.
Lịch sử chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam, truyền thống dân tộc Việt và một lối tư duy mới về thế giới… thì Việt Nam, trong chiến lược trở thành cường quốc biển, có thể là một nước cờ cuối mà Trung Quốc sẽ đi.
Trong một ván cờ lớn, sẽ như thế nào nếu như lấy nước cuối để đi vào nước đầu tiên?
Chiến lược trở thành cường quốc biển của Trung Quốc như một cơn bão lớn tràn vào các quốc gia ven biển châu Á-TBD. Nếu không nắm chặt tay nhau thì lần lượt bị tàn phá, nhưng ngược lại thì không sợ. Cơn bão đó buộc phải đổi hướng hoặc chỉ còn là vùng áp thấp.