Hãng thông tấn AFP đưa tin, Bộ Quốc phòng Đức hôm 30/9 đã tuyên bố đình chỉ các đợt chuyển giao tiêm kích Eurofighter Typhoon cho Không quân Đức, sau khi phát hiện một lỗi sản xuất trên máy bay.
Theo AFP, thông tin trên là một đòn giáng mạnh vào chương trình máy bay chiến đấu tốn kém và nhiều vấn đề của châu Âu, đồng thời gây quan ngại về việc sử dụng các tiêm kích này.
Theo Bộ Quốc phòng Đức, lỗi sản xuất bị phát hiện trên phần thân sau của loại máy bay chiến đấu đa nhiệm 2 động cơ.
Do đó, ngoài việc đình chỉ các đợt chuyển giao máy bay mới, Berlin đã quyết định cắt giảm số giờ bay của các tiêm kích Eurofighter đang hoạt động xuống còn một nửa mỗi năm, từ 3.000 giờ xuống còn 1.500 giờ.
Typhoon có chiều dài 15,96m, sải cánh 10,95m, cao 5,28m, trọng lượng cất cánh tối đa 23,5 tấn.
Trang mạng Spiegel Online cho hay, trong tình huống xấu nhất, lỗi sản xuất này có thể khiến thân máy bay mất ổn định.
Hôm 1/10, một số nguồn tin cho biết không quân Hoàng gia Anh là bên đầu tiên phát hiện ra vấn đề và đã quyết định giảm một nửa số giờ bay hàng năm để các tiêm kích Eurofighter không bị quá tải.
Tuy nhiên, Defense News ngày 2/10 cho hay, Anh tuyên bố không đình chỉ chuyển giao mà vẫn tiếp nhận các tiêm kích Eurofighter. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Anh cho biết hoạt động của các tiêm kích Eurofighter không bị ảnh hưởng bởi sự cố trên.
Cũng theo Defense News, ngoài Đức, các đợt chuyển giao tiêm kích Eurofighter Typhoon cho Italia và Tây Ban Nha cũng đã bị đình chỉ, trong đó, các đợt chuyển giao cho Tây Ban Nha tạm dừng để chờ kết quả từ các cuộc đàm phán chi tiết liên quan đến một số yếu tố thương mại sau khi phát hiện lỗi sản xuất, còn không quân Italia đang đợi kết quả kiểm tra từ phía nhà sản xuất để xác định mức độ ảnh hưởng.
Một bức thư do Bộ Quốc phòng Đức gửi tới Ủy ban Ngân sách Quốc phòng nước này cho hay khoảng 418 trong tổng số 571 chiếc máy bay được các quốc gia châu Âu đặt hàng và xuất khẩu sang các nước khác như Saudi Arabia, Áo và Oman đã được chuyển giao. Tất cả các máy bay được cung cấp cho đến nay đều xuất hiện cùng một vấn đề.
Typhoon có khả năng đạt vận tốc tối đa 2.124km/h ở trần bay cao, tầm bay 2.900km, trần bay 16.765m.
Alberto Gutierrez, Giám đốc điều hành Eurofighter lên tiếng xoa dịu những đồn đoán của truyền thông Đức rằng lỗi sản xuất trên máy bay có thể dẫn tới nhiều vấn đề về an toàn bay và ảnh hưởng tới các hoạt động quân sự.
“Chúng tôi muốn làm rõ rằng vấn đề này không ảnh hưởng tới an toàn bay, cũng không ảnh hưởng tới các phi đội đang hoạt động hay giới hạn hoạt động của họ” – Gutierrez nói.
Hiện mỗi nước Đức và Anh có hơn 100 máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon trong biên chế. Theo trang Spiegel, Không quân Đức đang vận hành khoảng 109 máy bay loại này.
Hồi tháng Sáu năm nay, một chiếc Eurofighter của quân đội Tây Ban Nha đã bị rơi khi đang nỗ lực hạ cánh xuống một căn cứ không quân sử dụng chung với Mỹ ở gần thành phố Seville, khiến phi công 30 tuổi thiệt mạng. Đây là vụ tai nạn thứ 3 liên quan đến máy bay chiến đấu Eurofighter tại Tây ban Nha trong một thập kỷ qua. Nguyên nhân vụ tai nạn không được tiết lộ.