Module tác chiến của hệ thống Palma có ký hiệu 3R-99E hoạt động hoàn toàn tự động, mỗi module tác chiến gồm 8 tên lửa Sosna-R. Tên lửa Sosna-R được lắp sẵn trong ống phóng cùng với 2 bệ pháo 6 nòng tự động cỡ 30 mm AO-18KD (với 1.500 viên đạn).
Pháo AO-18KD có thể bắn 10.000 viên đạn trong 1 phút hoặc 180 viên/giây, đủ sức hạ các loại tên lửa đang lao đến tàu chiến.
Thiết kế này tương tự như hệ thống Kashtan - phiên bản trước của Palma, tuy nhiên pháo và tên lửa nhận lệnh từ hệ thống điều khiển hỏa lực quang điện đa kênh 3V-89.
Hệ thống điều khiển hỏa lực quang điện 3V-89 bao gồm kênh truyền hình và ảnh nhiệt cùng máy đo xa và kênh điều khiển laser. Mỗi module tác chiến 3R-99E có trọng lượng 6.900 kg. Một hệ thống phòng không Palma hoàn chỉnh bao gồm 4 module chiến đấu.
Thông số kỹ thuật của Palma: chống tên lửa diệt hạm, tên lửa hành trình ở khoảng cách xa đến 10 km và ở độ cao đến 5 km, pháo bắn nhanh hạ mục tiêu ở xa đến 4 km và tầm cao 3 km.
Hệ thống này điều khiển tự động, thời gian phản ứng tác chiến chỉ 3 - 5 giây. Hệ thống Palma hiện được trang bị cho một số tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ Molniya của Hải quân Nga và được trang bị cho các tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 của Hải quân Việt Nam.
Với những gì được công khai cho thấy, Palma xứng đáng là hệ thống vũ khí tầm gần mẫu mực trên chiến hạm. Tuy nhiên, nếu so với tổ hợp pháo - tên lửa Pantsir-M, tầm bắn của Palma chỉ bằng một nửa.
Tổ hợp pháo - tên lửa Pantsir-M được Nga phát triển dựa tổ hợp phòng không mặt đất Pantsir-S1, tuy nhiên nó lại được trang bị hai pháo tự động 6 nòng GSh-6-30K 30mm hoặc AO-18KD 30mm tương tự như trên tổ hợp phòng không trên hạm Kasthtan CIWS.
Trong khi đó, hệ thống vũ khí chính của tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 lại là hai pháo tự động 2A38M 30 mm (một nòng).
Về tên lửa, khả năng cao tổ hợp Pantsir-M vẫn sử dụng các đạn 57E6 vốn đang trang bị trên Pantsir-S1. Đạn 57E6 đạt tầm bắn 20 km, độ cao hạ mục tiêu 15 km, dẫn đường bằng lệnh vô tuyến.
Ưu điểm của hệ thống phòng không Pantsir là nó kết hợp giữa hai loại vũ khí pháo và tên lửa, tạo ra khả năng chiến đấu tuyệt vời khi đối đầu với các mục tiêu trên không.
Trong khi đó, Pantsir-M có thể phá hủy một tên lửa đang bay ở quỹ đạo quán tính bằng một loạt bắn tốc độ rất cao, ngay cả khi mục tiêu đang ở điểm xa nhất trong phạm vi tấn công của nó.
Qua hình ảnh được công bố thì Pantsir-M tích hợp radar và tổ hợp trinh sát quang - điện tử ngay trên tháp pháo. Số tên lửa có thể rút xuống chỉ còn 8 (4 mỗi bên) thay vì 12 như trên biến thể mặt đất.
Hiện nay, Pantsir-M vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và theo kế hoạch, Hải quân Nga sẽ nhận hệ thống pháo - tên lửa phòng thủ tầm gần Pantsir-M sớm nhất vào năm 2016.