Dằn mặt phương Tây
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 17/3 tuyên bố sứ mệnh của Moskva ở Syria đã thành công, song nhấn mạnh Điện Kremlin có khả năng tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực này trong vòng "vài giờ" nếu cần.
Phát biểu trong buổi trao tặng huân chương cho các quân nhân vừa chiến đấu ở Syria, Tổng thống Putin tuyên bố Nga không muốn phải hành động như vậy và leo thang quân sự không phải là sự lựa chọn của Nga.
Ông Putin nêu rõ quyết định rút một phần lực lượng Nga khỏi Syria đã được thống nhất với Tổng thống nước chủ nhà Bashar al-Assad.
Theo ông Putin, Nga sẽ để lại hệ thống tên lửa phòng không S-400 ở Syria và giúp quân đội nước này tăng cường hệ thống phòng không.
Tổng thống Nga trao Huân chương Dũng cảm cho một quân nhân trở về từ Syria
Ngoài ra, Nga sẽ tiếp tục giám sát lệnh ngừng bắn ở Syria, tiếp tục ủng hộ chính quyền Syria trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Mặt trận Al-Nursa - một nhánh của tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaeda.
Tổng thống Putin cũng cho biết Bộ Quốc phòng Nga đã chi khoảng 33 tỷ ruble trong chiến dịch không kích ở Syria.
Sau khi Tổng thống Putin bất ngờ ra lệnh rút phần lớn lực lượng của Nga về nước, phương Tây nhận định rằng việc rút quân khỏi Syria là để giảm bớt gánh nặng cho nền kinh tế đang chật vật của Nga và nhấn mạnh rằng “việc thiếu ngân sách” là một trong những lý do đằng sau hành động rút quân của Nga.
Máy bay chiến đấu Nga trở về từ Syria
Là một trong những nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, Nga đang thực sự đối mặt trước sức ép từ việc giá dầu sụt giảm. Tuy nhiên, “tiền” không hẳn là lý do chính của việc Nga rút quân, mà lý do chính là Moskva đã đạt được các mục tiêu đề ra.
Nói chung, các ý kiến đều thống nhất rằng Nga đã giúp Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại vị và buộc Washington và các đối tác khác phải ngồi vào bàn đàm phán.
Quyết định của ông Putin có thể khiến một số bất ngờ, nhưng trong mắt của giới phân tích, “hành động nhanh chóng” không hiếm khi xảy ra trong lịch sử quân đội Nga.
Một ví dụ là trong Chiến tranh Kosovo, Nga đã bất ngờ điều động binh sĩ đến Pristina. Năm 2008, nước này cũng bất ngờ điều động binh sĩ đến Georgia. Đó là phong cách của Nga.
Nga mất bao nhiêu tiền?
Trước khi Tổng thống Putin chính thức thông báo về chi phí của Nga cho các hoạt động quân sự ở Syria, giới phân tích cũng đã đưa ra con số dự đoán gần như chính xác.
Trang mạng RBK ngày 16/3 dẫn đánh giá của các chuyên gia cho biết có thể Nga đã chi ít nhất 38 tỷ ruble cho chiến dịch này.
Nghiên cứu mang tên "Nga chi bao nhiêu cho chiến dịch quân sự ở Syria", dựa trên các số liệu của Bộ Quốc phòng Nga, cho biết tính tới cuối tháng 10/2015, chi phí một ngày hoạt động của Nga tại Syria là gần 156,3 triệu ruble (2,5 triệu USD theo tỷ giá thời điểm đó).
Các tính toán này dựa trên chi phí cho các chuyến xuất kích, tiền lương và tiền duy trì hoạt động hàng ngày cho quân đội, chi phí giao hàng cũng như vận chuyển.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự, số lượng máy bay của lực lượng Nga tại Syria đã tăng lên 50 - 70 chiếc.
Tại sân bay Hmeymim, Nga đã triển khai tiêm kích đa năng Su-35 cũng như các đơn vị phòng không, trong đó có tổ hợp tên lửa S-400, làm tăng chi phí hoạt động mỗi ngày lên khoảng 230 triệu ruble (3,3 triệu USD theo tỷ giá trung bình kể từ khi bắt đầu chiến dịch).
Tổng chi phí của Nga ở Syria có thể lên tới 38,4 tỷ ruble (khoảng 546 triệu USD).
Hồi tháng 12/2015, Bloomberg dẫn một nguồn tin chính phủ cho biết năm 2016, Moskva sẽ chi cho hoạt động quân sự ở Syria không dưới 1,2 tỷ USD (3,28 triệu USD/ngày).
Nga công khai vẫn để lại S-400 ở Syria
Các nhà phân tích thuộc ngân hàng ING trong báo cáo ngày 15/3 ước tính rằng chi phí cho hoạt động quân sự của Nga ở Syria vào khoảng 30 tỷ ruble. Phần lớn chi tiêu của Nga được dành cho các chuyến xuất kích.
Tổng cộng, các máy bay Nga, trong đó có tiêm kích Su-35, máy bay ném bom Su-34; Su-24 và Su-25 đã thực hiện 8.659 lượt xuất kích (theo dữ liệu Bộ Quốc phòng ngày 27/2), chi phí cho chúng có thể lên tới 33,7 tỷ ruble.
Ở Syria, các chuyến xuất kích được chia làm 3 loại theo bán kính tác chiến tính từ căn cứ không quân: gần, trung và xa.
Theo báo cáo, khoảng 80% số chuyến bay được thực hiện trong phạm vi ngắn (chưa tới 40 phút), số còn lại xuất kích ở khoảng cách trung bình và xa chiếm không quá 20% (thời gian bay từ 1 - 1,5 giờ).
Các chuyên gia RBK ước tính chi phí xuất kích trong phạm vi ngắn là 3,5 triệu ruble, xa là 5,5 triệu ruble.
Phần chi phí lớn thứ hai là phóng tên lửa hành trình. Tổng cộng Nga đã phóng 48 tên lửa hành trình Kaliber vào các mục tiêu ở Syria. Chi phí cho mỗi quả tên lửa, mà các chuyên gia so sánh với loại tên lửa Tomahawk của Mỹ, ít nhất là 750.000 USD.
Do đó, việc sử dụng loại tên lửa mới nhất có thể khiến Bộ Quốc phòng Nga tiêu tốn 36 triệu USD, tương đương 2,4 tỷ ruble (dựa trên tỷ giá ngày phóng tên lửa).
Một góc phố Aleppo, Syria ngày 5/3
Trong chiến dịch quân sự ở Syria, quân đội Nga mất 3 binh sĩ: một phi công lái máy bay Su-24 bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, một lính thủy đánh bộ trong chiến dịch cứu hộ và một cố vấn quân sự bị thiệt mạng do trúng đạn cối.
Khoản thanh toán cho một quân nhân bị thiệt mạng lên tới 3 triệu ruble. Ngoài ra còn có các phương tiện bị phá hủy như máy bay ném bom Su-24, trực thăng Mi-8.
Con số chính xác binh lính Nga ở Syria không được tiết lộ. Tính đến cuối tháng 10/2015, hai nguồn tin gần gũi với Bộ Quốc phòng Nga cho biết số binh sĩ Nga tại Syria vào khoảng 1.600 người.
Nga cũng phải chi gần 1 tỷ ruble cho hoạt động vận chuyển, ước tính trong số đó có chi phí cho các chuyến bay hàng ngày bằng máy bay IL-76, AN-124 từ Mozdok tới Latakia, cũng như việc sử dụng tàu hàng để cung cấp hàng hóa bằng đường biển.
Chi phí rút quân khỏi căn cứ Hmeymim khó xác định hơn vì vẫn chưa rõ những lực lượng nào còn ở lại sân bay Latakia, những lực lượng nào được rút về nước. Cũng chưa rõ số phận các hệ thống phòng không được triển khai.