Những vũ khí cảm tử ít được biết đến của Nhật (I)
3. Thuyền Renraku-tei
Ngoài Shinyo, Hải quân Nhật Bản còn phát triển thêm một loại thuyền vũ trang khác từ tháng 3 năm 1944 mang tên Renraku-tei. Về mặt lý thuyết, những con thuyền này mang theo hai thiết bị nổ nặng 120 kg, chúng sẽ tiếp cận tàu Mỹ, thả thiết bị nổ xuống, cho hẹn giờ và tẩu thoát bằng tốc độ tối đa hơn 55km/h. Tuy nhiên, trên thực tế, Renraku-tei cũng được dùng như thuyền tấn công cảm tử.
Các Renraku-tei về cơ bản khá giống Shinyo. Trong ảnh: một chiếc Shinyo Type 1 (trái) và Shinyo Type 5 (bên phải)
Quá trình thử nghiệm tại cảng Tokyo bắt đầu từ tháng 6/1944. Các con thuyền này được che đậy dưới những tên gọi như Renraku-tei (thuyền liên lạc) hoặc Maru-ni (thuyền lớn). Chúng tập hợp thành các trung đoàn đột kích được gọi là Akatsuki (Bình minh). Các Renraku-tei về cơ bản khá giống Shinyo. Trung đoàn đầu tiên thành lập tháng 9 năm 1944. Lái thuyền là các học viên trẻ của các trường quân đội, tuổi từ 16-17. Sau khi làm xong nhiệm vụ, họ sẽ được truy phong hàm trung úy. Mỗi trung đoàn gồm 3 trung đội với tổng cộng 100 thuyền.
Cũng giống như Kaiten, các Shinyo hay Renraku-tei bị tiêu diệt rất nhiều trong các trận đánh.
4. Người nhái Fukuryu
Tính toán rằng Mỹ sẽ đổ bộ xuống quần đảo Home, Nhật Bản bắt đầu chuẩn bị các đơn vị người nhái cảm tử để tấn công các tàu đổ bộ. Những người nhái này được gọi là Fukuryu. Họ được trang bị bộ đồ lặn đặc biệt nhưng khá nặng nề. Một khối chì nặng được gắn vào bộ đồ lặn giúp người nhái có thể tự động duy trì độ sâu 5-7m. Hai bình khí nén cung cấp oxi cho 6 giờ hoạt đông. Bộ tản khí và hấp thụ CO2 làm khí thở không tạo ra bong bóng lớn.
Khoảng 1.000 bộ trang bị cho các Fukuryu được sản xuất tháng 8/1945. Nhật dự kiến hoàn thiện 8.000 bộ vào tháng 9/1945 (nhưng không thực hiện được). Nhật cũng đã chọn ra 6.000 người nhái để sẵn sàng tác chiến vào tháng 10/1945.
Vũ khí chính của các Fukuryu là mìn tấn công Type 5, một thiết bị dài chừng 56cm, chứa 10 kg chất nổ được nối vào một chiếc gậy dài và có ngòi nổ tiếp xúc ở đỉnh quả mìn.
Những người nhái không di chuyển tự do mà có hàng ngũ. Thường đội hình phòng thủ ven bờ gồm 3 hàng người nhái, mỗi hàng cách nhau 60m, khoảng cách giữa các người nhái trong hàng là 50m. Khoảng cách này đã được tính toán nhằm giữ an toàn cho các người nhái khi có bất cứ người nào phát nổ.
Khi người nhái tiếp cận các con tàu, họ sẽ đẩy mìn Type 5 vào đáy tàu.
Các “hố cá nhân dưới nước” được làm từ bê tông là nơi trú ẩn cho Fukuryu nhằm bảo vệ họ trước những biện pháp đối phó của người Mỹ cũng như trước các vụ nổ được tạo ra bởi các người nhái khác.
Mỗi đội gồm 6 người nhái, 5 đội nhỏ này tạo thành một trung đội, 5 trung đội tạo thành một đại đội và 3 đại đội tạo thành một tiểu đoàn.
Đơn vị Fukuryu đầu tiên mang tên 71 Totsugekitai Arashi (Đơn vị tấn công đặc biệt) ở Yokosuka vào mùa hè năm 1945 với 2 tiểu đoàn chiến đấu và 4 tiểu đoàn đang trong quá trình đào tạo. Các lãnh đạo Hải quân rất quan tâm tới việc này và mong muốn triển khai hơn 40.000 người nhái để tạo ra lá chắn sống cuối cùng bảo vệ nước Nhật, tuy nhiên mục tiêu này không thể thực hiện bởi hạn chế về trang thiết bị.
Xem thêm: [Video] Máy bay chiến đấu của Nhật Bản trong Thế chiến II
Máy bay chiến đấu của Nhật Bản trong Thế chiến II
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA