1. Ngư lôi Kaiten
Việc chế tạo ngư lôi có người lái đã từng được đề ra tại Nhật năm 1942 nhưng không được chấp thuận. Tháng 2 năm 1944, tại Tokyo, Trung úy Hiroshi Kuroki đã làm sống lại ý tưởng này trước Ban tham mưu kỹ thuật của Hải quân. Sau hai năm, tình hình chiến sự đã có nhiều thay đổi và dự án được thông qua.
Ngư lôi Kaiten có nhiệm vụ là tạo ra các cuộc tấn công cảm tử. Phiên bản đầu tiên, Kaiten Type1 được phát triển từ ngư lôi lớn Type 93M3, thực hiện tại xưởng hải quân Kure . Khoang lái kín một chỗ ngồi là điểm khác so với các ngư lôi cảm tử từng có trước đây như loại Chariot của Italia, người điều khiển không có khoang lái mà “cưỡi” ngư lôi. Kaiten Type1 nặng 8.3 tấn, dài 14,75m, mang đầu đạn nặng tới 1.550kg. Loại ngư lôi này có tốc độ tối đa lên đến 55,5km/h, tầm hoạt động rộng hơn 70km.
Về cơ bản, ngư lôi được điều khiển bằng người có độ chính xác vượt trội so với ngư lôi thông thường vào thời đó. Chúng có thể được thả từ tàu ngầm, tàu đổ bộ hoặc ngay từ bờ. Công việc thử nghiệm bắt đầu vào tháng 6, sản xuất hàng loạt bắt đầu chỉ 2 tháng sau đó.
Đế quốc Nhật đã sản xuất 100 Kaiten Type1 trong năm 1944 và 230 Kaiten Type1M1 trong năm 1945. Đây cũng là loại Kaiten duy nhất được sản xuất hàng loạt. Các bản cải tiến Type 2,3,4,5 và 6 cùng phát triển trên ngư lôi Type 93 được thiết kế phức tạp và mạnh mẽ hơn nhưng không thể được sử dụng rộng rãi. Kaiten Type 10 được phát triển trên ngư lôi Type 92 nhỏ hơn và thậm chí còn đơn giản hơn Type 1 đời đầu, nó chỉ mang được khoảng 300kg thuốc nổ. Tuy nhiên, chỉ 6 chiếc kịp hoàn thành cho đến khi kết thúc chiến tranh.
Các cảm tử quân thường còn rất trẻ, có độ tuổi từ 18-20. Họ được chọn từ các trường hải quân và gửi đến cơ sở đào tạo đặc biệt tại Otsujima trên vịnh Tokuyama.
Các Kaiten thường hoạt động ở độ sâu 60m, khi tiếp cận mục tiêu, cảm tử quân cho ngư lôi ngoi lên độ sâu 5m để có thể sử dụng kính tiềm vọng. Kaiten sẽ tấn công tàu địch bằng tốc độ tối đa của nó.
Các cuộc tấn công của Kaiten được đặt mật danh là Gen. Gen bắt đầu từ mùng 8 tháng 11 năm 1944. Nhiều Kaiten đã bị phát hiện và bắn chìm nhưng chúng cũng kịp hạ tàu chở dầu Mississinewa và dẫn đến một vụ cháy nổ cực lớn.
Thành tích của đợt xuất quân đầu tiên đã bị ca tụng quá mức dẫn đến việc tung ồ ra ồ ạt các Kaiten trong những đợt tấn công sau. Chúng được gửi đi khắp nơi từ những con tàu ngầm mẹ: Ulithi, Holladia, Okinawa, Guam...
Trên thực tế, mức độ thành công của vũ khí này đã bị thổi phồng do tính thiếu trung thực trong các báo cáo chiến trường.
Tổng cộng, Hạm đội 6 của Nhật đã thực hiện 8 Gen lớn và 2 Gen nhỏ, trong đó mất 4 tàu ngầm tấn công, 4 tàu ngầm vận chuyển. 147 Kaiten được gửi đi, thả thành công 79 chiếc. Chúng chỉ đánh chìm được 2 tàu chiến Mỹ và làm hư hỏng 5 hoặc 6 tàu khác.
2. Thuyền cảm tử Shinyo
Tương tự như Kaiten, chương trình chế tạo các con thuyền cảm tử được bắt đầu vào mùa xuân năm 1944. Đây là phiên bản thu nhỏ và giản lược của thuyền phóng lôi. Mục đích là để có thể sản xuất với số lượng lớn và tận dụng các động cơ ôtô từ công nghiệp dân sự.
Thuyền cảm tử được đặt tên là Shinyo, các nguyên mẫu ban đầu được làm từ cả thép và gỗ. Về sau, cục Kỹ thuật Hải quân chọn phương án nguyên mẫu gỗ để đơn giản hóa tối đa quá trình đóng. Shinyo Type 1 Mod 1 có chiều dài 5,1m, vận tốc 42,6km/h. Nó mang theo 270kg thuốc nổ mạnh Type 98, có thể kích nổ bằng ngòi nổ va chạm hoặc kíp điện cầm tay.
Việc sản xuất hàng loạt diễn ra rất khẩn trương và ở nhiều địa điểm khác nhau vì thuyền khá dễ đóng. Một số cải tiến về sau gồm đặt 1 đến 2 bệ phóng rocket trên thuyền. Đế quốc Nhật Bản lên kế hoạch đóng 7.000 chiếc Shinyo cho tới tháng 9 năm 1945. Khi kết thúc chiến tranh, 6.200 chiếc đã được đóng hoàn thiện, không chỉ tại Nhật mà còn tại các cơ sở thuộc địa như Trung Quốc, Singapore.
Có một số phiên bản Shinyo đặc biệt được tạo ra ở Yokosuka nhưng số lượng không đáng kể, nhiều nhất là các Shinyo Type 5, ban đầu đóng vai trò như thuyền chỉ huy, được đóng bằng kim loại, có hai chỗ ngồi, trang bị hai động cơ và hỏa lực là súng máy 13mm. Chiếc đầu hạ thủy vào mùa thu năm 1944.
Xem thêm: Những vũ khí cảm tử ít được biết đến của Nhật (II)
Minh họa cấu tạo ngư lôi Kaiten
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA