Dựa trên mẫu chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không Su-27, OKB Sukhoi phát triển nhiều thiết kế cải tiến mới và được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Nổi bật hơn cả là chiến đấu cơ đa chức năng Su-30 (trong ảnh), đây là loại máy bay có khả năng thực hiện cả ba nhiệm vụ chính (đối không, đối đất, đối hải) với các loại vũ khí tiến tiến, chính xác cao.
Các biến thể của Su-30 được nhiều nước đặt hàng: Su-30MKK (Trung Quốc), Su-30MKI (Ấn Độ), Su-30MK2V (Việt Nam), Su-30MKM (Malaysia), Su-30MKV (Venezuela), Su-30MKA (Algeria). Mỗi biến thể được nhà sản xuất cải tiến theo yêu cầu của khách hàng. (Trong ảnh: Su-30 của Ấn Độ)
Một thiết kế khác cải tiến từ Su-27 là chiến đấu cơ Su-33 hoạt động trên tàu sân bay Kuznetsov của Hải quân Nga. Chỉ có khoảng 24 chiếc Su-33 được sản xuất, phục vụ trong Không quân Nga. Trung Quốc từng có ý định nhập khẩu Su-33 nhưng không thành công. Khối lượng vũ khí mang trên Su-33 giảm xuống 6,5 tấn (gồm tên lửa đối không, bom và rocket) nhằm đáp ứng yêu cầu cất cánh trên tàu sân bay.
“Thú mỏ vịt“ Su-34 được thiết kế cải tiến từ Su-27, dự định là sẽ thay thế máy bay cường kích Su-24 trong vai trò tấn công mặt đất. Su-34 sử dụng cấu trúc thân, cánh, đuôi tương tự Su-27 nhưng có thêm cánh mũi và đặc biệt là hình dáng mũi kỳ quặc giống “mỏ vịt“. Su-34 có tải trọng vũ khí 8 tấn mang: tên lửa đối không, đối đất, bom và rocket.
Chiến đấu cơ đa năng Su-35 - thiết kế cải tiến xuất sắc từ Su-27. Su-35 được xếp vào máy bay chiến đấu thế hệ 4++. Nó được cải tiến kiểu dáng khí động học nhằm nâng cao khả năng cơ động, trang bị động cơ khỏe hơn, tầm bay xa hơn và thiết bị điện tử cực kỳ hiện đại. Tiềm năng xuất khẩu trong tương lai của Su-35 là rất lớn.
Đi cùng xu hướng phát triển chung của thế giới, OKB Sukhoi cũng tham gia thiết kế máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Trong ảnh là máy bay thử nghiệm Su-47 Berkut với thiết kế cánh độc đáo đi ngược lại với truyền thống.
Kiểu cánh này có lực cản sóng thấp, giảm mô men uốn, giúp máy bay ít chòng cành hơn so với máy bay cánh truyền thống. Tuy nhiên, kiểu cánh này cũng gây ra tình trạng xoắn (phân bố lực không đều) đủ mạnh để làm gãy cánh máy bay vì vậy yêu cầu nó phải được chế tạo bằng vật liệu composite để đảm bảo độ bền, chắc. Tuy chỉ dừng lại ở mức độ thử nghiệm nhưng Su-47 Berkut cũng giúp cho OKB Sukhoi nhiều kinh nghiệm phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ năm sau này.
Và điều đó thành hiện thực vào ngày 29/1/2010, chiến đấu cơ thế hệ thứ năm Sukhoi PAK FA T-50 cất cánh lần đầu thành công. Dù vẫn còn nằm trong giai đoạn thử nghiệm nhưng T-50 hứa hẹn sẽ đưa OKB Sukhoi lên tầm cao mới như những “vị tiền bối“ Su-7, Su-17 và Su-27 đã làm. Trong ảnh là 2 chiếc Sukhoi PAK FA T-50 bay biểu diễn trong triển lãm hàng không quốc tế MAKS 2011 tổ chức tại Zhukovsky (ngoại vi Mosow, Nga).
Trong lĩnh vực dân sự, Sukhoi khá thành công với thiết kế máy bay thể thao. Điển hình là các loại Su-26, Su-29 và Su-31, chúng đã tham gia và đạt được nhiều huy chương ở các cuộc thi trên thế giới.
Máy bay chở khách hạng nhẹ Su-80, điểm kỳ lạ là chiếc máy bay này không sử dụng động cơ của Nga mà dùng động cơ tuốc bin cánh quạt CT7-9B do hãng General Electric (Mỹ) chế tạo. Su-80 có khả năng cất hạ cánh đường băng ngắn, chở được 30 hành khách. Biến thế phục vụ cho mục đích quân sự của Su-80 có giá treo mang bom, rocket, súng máy.
Máy bay chở khách tầm trung Superjet 100 - mang đầy sự kỳ vọng từ Sukhoi sẽ đem lại thành công lớn trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Sukhoi đã nhận một số hợp đồng từ các hãng hàng không Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Mexico, Italia. Tùy từng phiên bản thì Superjet 100 chở được 80-100 người, tầm bay 3.000-4.500km, tốc độ hành trình 870km/h, trần bay 12.500m.