Những huyền thoại bay trên chiến trường Triều Tiên

Ngày 25/6/1950, quân đội Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đã tràn vào lãnh thổ Cộng hòa Triều Tiên (Hàn Quốc) - cuộc chiến tranh Triều Tiên bắt đầu.

Nhân dịp này, chúng ta cùng nhìn lại cuộc chiến từ một góc độ khác - cuộc chiến tranh này đã biến Triều Tiên thành một trường bắn và là một dịp để cả Liên Xô và Mỹ lần đầu tiên thử nghiệm trên thực tế các loại máy bay tiêm kích phản lực mới nhất của mình.

Có chuẩn bị từ trước

I.V. Stalin đã lên kế hoạch biến toàn bộ bán đảo Triều Tiên thành một nước thuộc phe Xã hội chủ nghĩa từ trước và đã có những bước đi rất ráo riết để thực hiện kế hoạch này.

Quá trình chuẩn bị được thực hiện thông qua việc cung cấp cho Quân đội Kim Nhật Thành các phương tiện kỹ thuật quân sự mà trước hết là pháo, tăng và máy bay . Các cố vấn Xô Viết cũng tích cực huấn luyện cho các quân nhân Bắc Triều Tiên sử dụng các “quà tặng” đắt tiền này .

Công tác chuẩn bị được coi là đã hoàn tất và ngày 25/6/1950, quân đội Bắc Triều Tiên với ưu thế vượt trội cả về quân số lẫn vũ khí, nhanh chóng tiến về phía Nam. Vào thời điểm bắt đầu cuộc chiến, những thắng lợi của Bắc Triều Tiên cũng không khó để giải thích qua phép so sánh đơn giản:

150 xe tăng T-34 của Bắc Triều Tiên chỉ phải đối đầu với 20 xe vận tải bọc thép , còn 175 máy bay chiến đấu đối đầu với 12 máy bay huấn luyện của Nam Triều Tiên .

Chí sau 3 ngày giao chiến, lính Bắc Triều Tiên đã có mặt tại Seoul. Đến giữa tháng 8 năm 1950, 90% lãnh thổ Nam Triều Tiên đã bị Quân đội Kim Nhật Thành kiểm soát.

Dù bị Liên Xô và Trung Quốc phản đối bằng cách không bỏ phiếu, Liên Hợp Quốc ( LHQ) vẫn thông qua một nghị quyết đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến bán đảo Triều Tiên.

Máy bay ném bom chiến lược Mỹ đang ném bom trên lãnh thổ Triều Tiên ,1951. (nguồn: ITAR-TASS)

Máy bay ném bom chiến lược Mỹ đang ném bom trên lãnh thổ Triều Tiên năm 1951. (nguồn: ITAR-TASS)

Lực lượng tham chiến đầu tiên nhằm “bình định” chế độ Kim Nhật Thành là các đơn vị quân đội Mỹ đóng quân trong khu vực (chủ yếu trên các tàu sân bay). Tiếp theo đó là lực lượng của các nước Anh, Canada, Úc, Philippin và 11 nước khác .

Tốc độ tấn công của Bắc Triều Tiên bắt đầu chững lại. Sau đó Liên quân LHQ đã đảo ngược cục diện cuộc chiến .

I.V. Stalin cũng đã lường trước được kịch bản này. Trung Quốc và Liên Xô bắt đầu tham chiến ( lúc này quan hệ Xô - Trung đang ở đỉnh cao). Điểm khác nhau là Trung Quốc công khai, còn Liên Xô thì bí mật.

Quân đoàn máy bay tiêm kích độc lập số 64 với những máy bay tiêm kích phản lực mới nhất MiG-15 của Liên Xô được điều đến sân bay Dadung của Trung Quốc .

Máy bay Xô Viết

Một số thông tin về Quân đoàn 64: Quân đoàn này được thành lập vào mùa thu năm 1949 chính là để tham chiến ở Triều Tiên. Điều này có thể thấy rõ qua việc sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc, quân đoàn này đã chuyển vị trí đóng quân, tái tổ chức và đổi phiên hiệu .

Biên chế của Quân đoàn trong thời gian chiến tranh Triều Tiên cũng không ổn định. Trong 3 năm đã có tới 12 sư đoàn không quân tiêm kích, 2 trung đoàn không quân tiêm kích độc lập, 2 trung đoàn không quân tiêm kích tác chiến ban đêm độc lập, 2 trung đoàn không quân tiêm kích của Hải quân, 4 sư đoàn pháo phòng không thay nhau có mặt trong biên chế của Quân đoàn.

Vào thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến, quân đoàn đã có tới 320 máy bay . Tổng quân số là 26.000 binh lính và sỹ quan , trong số đó có 500 phi công dày dạn kinh nghiệm chiến đấu trong chiến tranh vệ quốc. Tư lệnh Quân đoàn là vị tướng huyền thoại I.N. Kozedub.

Để có thể giữ bí mật việc tham chiến tại Triều Tiên, các máy bay Xô Viết sơn màu sơn và cờ của Không quân Bắc Triều Tiên. Các phi công Xô Viết mặc quân phục Bắc Triều Tiên và mang giấy tờ Bắc Triều Tiên (nhưng không có ảnh).

Khi bay, họ phải trao đổi quan liên lạc vô tuyến với nhau bằng tiếng Triều Tiên, mỗi người được cấp một quyển từ điển Nga - Triều bỏ túi. Tuy nhiên, việc trao đổi bằng thứ ngôn ngữ mà họ không hiểu (phải tra từ điển) trong những lúc có tình huống đã làm mất thời gian và đôi khi cả tính mạng.

Chính vì thế mà sau đó yêu cầu có vẻ ngớ ngẩn này đã không còn ai để ý tới mặc dù không có một lệnh chính thức nào được đưa ra để bãi bỏ. Thực ra, người Mỹ cũng không mất quá nhiều thời gian để hiểu ra là không phải họ đang đối đầu với những phi công Trung Quốc và Bắc Triều Tiên non nớt thiếu kinh nghiệm mà chính là với các phi công tầm cỡ Xô Viết .

Thời gian đầu, các máy bay chủ yếu của Không quân tiêm kích Xô Viết tham chiến là các máy bay động cơ pitông Yak-9 - các “cựu chiến binh” Chiến tranh thế giới thứ hai và các máy bay La-9 và La-11 (xuất xưởng sau chiến tranh)

Không thể nói là các máy bay này thua kém tuyệt đối trong các trận không chiến với các loại máy bay động cơ pitông tương tự của Mỹ và Anh như P-51 Mustang và Supermarine Spitfire. Không quân của liên quân LHQ với thành phần chủ yếu là các máy bay tiêm kích của Mỹ, Anh, Úc và Canada có nhiều loại và chủ yếu là từ các tàu sân bay.

Đối phương (Liên quân) có ưu thế vượt trội về số lượng và thường dùng ưu thế này để áp đảo các máy bay tiêm kích Xô Viết. Con số cụ thể đã cho thấy: hơn 1.000 máy bay liên quân LHQ bị bắn hạ, trong khi thiệt hại của phía Xô Viết là gần 500 chiếc.

Nhưng dù sao tình hình cũng đã trở nên nghiêm trọng và cần có biện pháp khẩn cấp. Tháng 11/1950, các máy bay tiêm kích phản lực MiG-15 bắt đầu xuất hiện trên không phận Triều Tiên. Chúng được điều đến để thay thế các máy bay MiG-9 (loại máy bay này tuy đã có mặt tại Triều Tiên nhưng chưa tham chiến)

MiG-15 là loại máy bay tiêm kích mới nhất thời đó, nó được đưa vào trang bị cho Không Quân Liên Xô năm 1949. MiG-15 có những tính năng bay, kỹ thuật tuyệt vời mà lúc đó chưa có một loại máy bay tiêm kích, không những động cơ pitong mà cả động cơ phản lực nước ngoài có được. Kể cả Gloster Meteor của Anh, - loại máy bay mới chỉ kịp tham chiến một trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai .

Điểm khác biệt cơ bản nhất của MiG-15 so với các máy bay tiêm kích khác thời kỳ đó là nó có tốc độ cận âm. Một động cơ turbin phản lực có lực nâng 2.270 kg/c giúp nó đạt tốc độ 1.042 km/h.

MiG-15 có trần bay mà các máy bay khác không với tới được - hơn 15.000 m. Cũng không có chiếc nào khác có thể đua với nó về về khả năng lấy độ cao: 41 m/s ở gần mặt đất. Để đạt độ cao 5.000 m, MiG-15 cần 2,4 phút trong khi các máy bay tốt nhất của Mỹ lúc đó cần tới gần 4,8 phút.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ chiến thuật của các máy bay tiêm kích Xô Viết và “LHQ” là hoàn toàn khác nhau. Mỹ tập trung chủ yếu vào việc ném bom ồ ạt lãnh thổ Bắc Triều Tiên bằng các “pháo đài bay” B-29 (có thể mang tới 9 tấn bom). Các máy bay MiG-15 có nhiệm vụ trước hết là tiêu diệt B-29. Còn máy bay tiêm kích Mỹ hộ tống B-29 và đánh trả MiG-15 khi chúng tấn công B-29 .

Do MiG-15 chiếm ưu thế hoàn toàn trên không nên Mỹ bị thiệt hại nặng về không quân ném bom chiến lược. Đỉnh điểm là ngày 30/10/1951, 44 chiếc MiG-15 công kích 21 chiếc B-29 với sự hộ tống của gần 200 máy bay tiêm kích các loại và đã bắn hạ 12 “pháo đài bay” B-29 ( kíp lái mỗi chiếc có 11 người) và 4 F-84. Phía Liên Xô mất 01 chiếc MiG-15.

Trong lịch sử Không Quân Mỹ, ngày 30/10/1951 còn được gọi là “ngày thứ ba đen tối ”. Sau 30/10/1951, có tới 3 ngày đêm liên tục không một chiếc máy bay nào của Mỹ xuất hiện tại khu vực hoạt động của MiG-15. Còn B-29 mãi một tháng sau mới xuất kích trở lại .

Máy bay tiêm kích Mỹ

F-84 trên bầu trời Triều Tiên năm 1952 . (Nguồn: Wikimedia)

F-84 trên bầu trời Triều Tiên năm 1952 . (Nguồn: Wikimedia)

Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, Mỹ cũng đưa vào tác chiến lần đầu tới 3 loại máy bay tiêm kích phản lực: F-80 Shooting Star, F-84 Thunderjet và F-86 Sabre. Hai loại đầu, nói như ngôn ngữ của các phi công là “Các bà già đang còn trong trắng", còn F-86 Sabre - đây là loại máy bay hoàn toàn mới .

F-80 được đưa vào trang bị cho Không quân Mỹ và Không quân Anh chỉ hai tháng trước khi các hoạt động tác chiến của chiến trường Châu Âu kết thúc và nó chưa kịp tham chiến cho đến tận năm 1950.

Đây là loại máy bay tiêm kích - ném bom có nhiều ưu điểm, nhưng trong các cuộc không chiến thì nó kém cơ động. Chính vì thế mà đôi lúc nó trở thành nạn nhân của ngay cả Yak-9 chứ chưa nói gì tới MiG-15.

Còn F-84 được đưa vào khai thác năm 1947. Về tốc độ, nó kém MiG-15 khoảng 80 km/h. Cả về khả năng lấy độ cao lẫn trần bay tối đa cũng kém hơn MiG-15, khả năng cơ động cũng kém hơn.

Tại sao Bộ tư lệnh Mỹ lại đưa những loại máy bay không phải là tốt nhất vào tham chiến trong thời gian đầu? Họ tính toán chỉ như thế cũng quá đủ để “xử lý” những máy bay động cơ pitông của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Nhưng trên thực tế, diễn biến cuộc chiến lại hoàn toàn khác và cũng như Liên Xô, Mỹ buộc phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp: đưa vào tham gia tác chiến loại F-86 mới nhất - cũng có tốc độ cận âm như MiG-15. Đây là các máy bay cùng lớp với MiG -15, cùng có những điểm yếu và điểm mạnh.

Khi đang bay cùng tốc độ thì MiG-15 có khả năng tăng tốc, lấy độ cao và trần bay tốt hơn F-86.

Khi đang bay cùng tốc độ thì MiG-15 có khả năng tăng tốc, lấy độ cao và trần bay tốt hơn F-86.

Nhưng F-86 có khả năng cơ động trên mặt phẳng ngang (lượn vòng) và bổ nhào tốt hơn. Tuy nhiên, ưu điểm chủ yếu của nó là được trang bị các thiết bị hiệu quả hơn. Ví dụ: F-86 được trang bị thiết bị đo cự ly sử dụng sóng vô tuyến và như vậy có thể bắn hiệu quả hơn so với MiG-15.

Phi công Xô Viết sử dụng thiết bị ngắm bắn quang học. Phi công Mỹ có góc quan sát tốt hơn và trang bị bộ áo kháng áp. Phi công Xô Viết để không bị choáng ngất khi thực hiện các cú ngoặt đột ngột phải cúi đầu để chống tụt máu não và vì thế mất khả năng quan sát.

Suốt trong chiến tranh Triều Tiên, MiG-15 đã liên tục được cải tiến. Sau khi nó được lắp hệ thống chống radar, khả năng bị bị bắn hạ giảm đáng kể. Kết quả là MiG-15 dần lấy lại ưu thế trong các trận không chiến với F-86 .

Số liệu về các cuộc không chiến và số lượng máy bay bị bắn hạ của các bên trong chiến tranh Triều Tiên từ các nguồn rất mâu thuẫn nhau.

Theo số liệu chính thức của Mỹ thì F-86 đã tiêu diệt 823 máy bay đối phương trong các trận không chiến, trong đó có 805 MiG-15. Các nguồn chính thức Xô Viết lại khẳng định: MiG-15 đã bắn hạ 1.097 máy bay của đối phương, trong đó có 642 F-86. Có 335 MiG-15 bị bắn rơi .

Nhà nghiên cứu độc lập R. Fattrel cho rằng Mỹ mất 945 máy bay. Con số tổn thất về phía Xô Viết trong cuộc chiến này của ông trùng với các liệu của Liên Xô : 335 MiG-15 Có 230 máy bay các loại của Trung Quốc và Bắc Triều tiên bị bắn hạ.

Trong chiến tranh này có 120 phi công Xô Viết và 1.176 phi công liên quân thiệt mạng (kể cả các thành viên kíp lái B-29). (Số liệu này là của Liên Xô) .

Nhờ có những uy tín tạo được qua các trận không chiến trên bầu trời Bắc Triều Tiên với F-86 mà MiG-15 được Không quân nhiều nước trên thế giới đặt hàng. Tổng số MiG-15 được xuất xưởng là 15.560 chiếc (còn có số liệu khác) và có trong trang bị của Không quân hơn 40 nước trên thế giới .

Thành tích của F-86 có khiêm tốn hơn: 9.860 chiếc F-86 được xuất xưởng và cũng được không quân gần 40 nước sử dụng.

MiG-15 trong chiến tranh Triều Tiên

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại