Những điều ít biết về tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc

Anh Tuấn |

Ít ai biết rằng, để Hải quân Trung Quốc có được tàu Liêu Ninh, tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc vào thời điểm hiện tại, họ đã phải mất đến 16 năm để đàm phán, mua về, sửa chữa và cải tiến tàu.

Đó là một nhiệm vụ chưa từng có trong lịch sử.

Sau khi Liên Xô tan rã, một doanh nhân đã thu hút sự chú ý của thế giới khi mua về phần thân còn dang dở của một tàu sân bay Ukraine, sau này trở thành một trong những khí tài quan trọng nhất của Hải quân Trung Quốc.

Phát biểu trước báo giới lần đầu tiên, doanh nhân gốc Hồng Kông Xu Zengping tiết lộ trong một bài báo 2 kỳ về những câu chuyện ít biết đằng sau việc hiện thực hóa giấc mơ của người Trung Quốc được sở hữu một tàu chiến như thế.

Ông Xu nói rằng, động cơ ban đầu của con tàu vẫn còn nguyên vẹn khi Ukraine bán tàu vào năm 1998. Điều này trái ngược với những gì Bắc Kinh công bố trước thế giới vào lúc đó.

Ông Xu Zengping (phải) cùng với cựu chỉ huy Hải quân Trung Quốc Su Shiliang trên tàu Liêu Ninh.

“Cả bốn động cợ vẫn còn hoạt động và được bôi trơn thường xuyên” sau khi công việc trên tàu đã ngừng lại vào năm 1992, qua đó mang về một món quà cho một đất nước đang trên đà phát triển quân đội.

Đây là lần đầu tiên một người trong cuộc đã chính thức xác nhận rằng động cơ tàu đã sẵn sàng hoạt động vào thời điểm mua về.

Những báo cáo ban đầu nói rằng hệ thống phát điện của tàu đã bị tháo dỡ tại Xưởng Nikolayev Phía Nam ở Ukraine trên Biển Đen, cùng với hệ thống vũ khí và điện tử trước khi ông Xu mua về vào năm 1998 với giá 20 triệu USD.

“Khi tôi đến phòng máy của tàu cùng với kỹ sư trưởng của xưởng đóng tàu, tôi thấy toàn bộ 4 động cơ đều còn mới và được bôi trơn cẩn thận, mỗi động cơ ban đầu có giá lên đến 20 triệu USD”, ông Xu cho biết.

Ông nói thêm rằng, một cuộc sửa chữa vào năm 2011 đã giúp bốn động cơ này có thể hoạt động trở lại.

Tàu sân bay, nay có tên là Liêu Ninh, được chế tạo dựa trên thân tàu Vargas, một tàu lớp Kuznetsov khác đã được đóng từ trước đó.

Xưởng đã hoàn thành được hai phần ba công việc, nhưng sau đó Liên Xô tan rã và việc đóng tàu bị ngừng lại.

Phần thân tàu vẫn còn đó cho đến khi ông Xu thỏa thuận mua bán dưới vai trò trung gian của Hải quân Trung Quốc.

Ông Xu nói rằng, xưởng đóng tàu đã đồng ý bán lại do sự căng thẳng chính trị đã khiến cho công ty vướng vào những khó khăn tài chính.

Ông Xu Zengping cùng với thiết kế trưởng của tàu Vargas tại Mykolaiv, Ukraine vào tháng 1/1998.

Một nguồn tin từ một người trong cuộc trả lời Nhật Báo Hoa Nam rằng:

“Phía Trung Quốc đã cố tình đưa ra thông tin sai sự thật về việc tháo dỡ động cơ nhằm giúp ông Xu và xưởng đóng tàu có thể dễ dàng đàm phán”.

Nguồn tin này cũng khẳng định, truyền thông phương Tây cũng đưa tin, Mỹ đã gây sức ép lên Ukraine để buộc họ tháo dỡ mọi thứ trên tàu sân bay và chỉ bán phần thân vỏ cho Trung Quốc.

Một đại tá Hải quân Trung Quốc nghỉ hưu cho biết, rất có thể tàu Liêu Ninh vẫn còn sử dụng những động cơ ban đầu của Ukraine.

Ông nói: “Công nghệ chế tạo động cơ của Ukraine vượt xa Trung Quốc. Theo tôi biết thì lực lượng hải quân sau đó đã tìm sự trợ giúp từ phía Ukraine để giúp động cơ trên tàu, vốn không hoạt động trong nhiều năm, hoạt động trở lại”.

Việc mua tàu chỉ là bước khởi đầu. Phải mất thêm 4 năm nữa, tàu mới có thể được kéo từ Ukraine về thành phố Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh, và lại mất thêm một thập kỷ nữa để sửa chữa lại toàn bộ.

Nhà nghiên cứu quân sự Antony Wong Dong cho biết, sau nhiều năm đàm phán, xưởng đóng tàu Biển Đen đã chuyển công nghệ động cơ cho Công ty Cơ khí Cáp Nhĩ Tân của Trung Quốc, một nhà máy chuyên sản xuất các thiết bị tuốc bin và lò đốt tàu chiến phục vụ cho quân đội.

Đã có những dấu hiệu cho thấy động cơ tàu đã được cải tiến.

“Hệ thống động cơ ban đầu được thiết kế dành cho Liêu Ninh cũng giống như loại động cơ của các tàu sân bay lớp Kuznetsov khác với tốc độ tối đa là 32 hải lý. Nhưng tàu Liêu Ninh lại năng hơn 6.000 tấn, do đó đáng lẽ nó phải có tốc độ chậm hơn”, ông Wong nói.

“Tuy nhiên, những lần thử nghiệm gần đây cho thấy tốc độ tối đa của tàu vẫn là 32 hải lý, có thể thấy rằng động cơ đã được cải tiến”.

Tàu sân bay được đổi tên thành Liêu Ninh khi nó chính thức được trao cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vào tháng 9/2012, và đến giờ vẫn chỉ được dùng cho mục đích huấn luyện.

Hiện tại tàu đang mang số hiệu 16. “Anh có biết vì sao tàu Liêu Ninh có số 16 không?”, ông Xu hỏi. “Đó là bởi vì chúng tôi đã mất 16 năm để hoàn thành, từ việc thỏa thuận cho đến sửa chữa lại”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại