Dưới đây là một số đường hầm quân sự tiêu biểu trên thế giới:
Hệ thống đường hầm của lực lượng tên lửa Trung Quốc, còn được gọi là "Vạn lý trường thành trong lòng đất", có quy mô lớn nhất trên thế giới từ trước đến nay.
Hệ thống đường hầm này được xây dựng ở độ sâu từ 8-18 mét dưới lòng đất với chiều cao từ 12-13 mét. Tính đến tháng 12/2009, giai đoạn 3 của dự án được hoàn thành với tổng chiều dài đường hầm đạt con số kỷ lục 2.500 km. Hệ thống tạo nên một mạng lưới chằng chịt trong lòng đất. Theo báo cáo từ công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Karber, hệ thống đường hầm này đang lưu trữ khoảng 3.000 đầu đạn hạt nhân, cao gấp 10 lần so với con số ước tính của tình báo Mỹ.
Đường hầm quân sự của du kích Hamas, được đào để phục vụ cho mục đích thực hiện các hoạt động khủng bố nhắm vào nhà nước Israel của phiến quân Hamas trên dải Gaza. Mới đây, quân đội Israel cũng phát hiện một đường hầm có chiều dài hơn 2 km được xây dựng khá tinh vi, trong đó có những đoạn được gia cố bằng bê tông cốt thép và có cả đường dây điện chiếu sáng và điện thoại.
Ít nhất 3 đường hầm kiểu này đã được quân đội Israel phát hiện kể từ đầu năm 2013. Việc phát hiện không đơn giản bởi chúng được ngụy trang rất kỹ càng.
Đường hầm Sarajevo được quân đội Bosnia xây dựng để đối phó với cuộc vây hãm của quân đội Serbia trong chiến tranh Nam Tư đầu những năm 1990.
Đường hầm được đào thông từ thành phố Sarajevo sang khu phố Butmir và Dobrinja. Trong cuộc xung đột, hoạt động tiếp tế thực phẩm và vũ khí cho lực lượng cố thủ được thực hiện ở đây. Theo thống kê, mỗi ngày có khoảng 3.000-4.000 binh lính cùng 30 tấn hàng hóa ra vào thành phố thông qua đường hầm này.
Địa đạo Củ Chi, TP.HCM, Việt Nam, là hệ thống phòng thủ ngầm có quy mô lớn nhất trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam.
Minh họa sơ đồ của địa đạo Củ Chi. Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc... Hệ thống địa đạo dài khoảng 200 km và có các hệ thống thông hơi, được ngụy trang bằng các bụi cây. Các đội quân xâm lược đã hoàn toàn bất lực trong nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ kháng chiến ngay sát nách trung tâm đầu não Sài Gòn.
Địa đạo Vĩnh Mốc, Vĩnh Linh, Quảng Trị là một công trình ngầm kết hợp quân - dân sự trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Hệ thống địa đạo này được xây dựng và hoạt động trong giai đoạn 1965-1972. Trong lòng địa đạo có 3 giếng nước, một hội trường (với sức chứa 50 người), bệnh xá, nhà hộ sinh, trạm phẫu thuật, kho gạo...
Địa đạo Vĩnh Mốc là một công trình có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, hậu cần. Nó thể hiện quyết tâm bám trụ nơi tuyến lửa của người dân Vĩnh Linh nói riêng và cả người dân Việt Nam nói chung, quyết tâm không khuất phục trước bom đạn của kẻ thù.