Những con tàu Việt Nam tham gia Hải chiến Trường Sa giờ ở đâu?

Quốc Việt |

(Soha.vn) - 26 năm sau Hải chiến Trường Sa, những con tàu tham gia trận chiến này, bao gồm HQ-604, HQ-605, HQ-505 đã trở thành những chứng nhân lịch sử.

Đầu năm 1988, Hải quân Trung Quốc liên tục gia tăng các hoạt động tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trung Quốc cho quân ra chiếm đóng bất hợp pháp một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bao gồm: đá Chữ Thập, Châu Viên, Gia Ven, Tư Nghĩa, Xu Bi.

Trước tình hình đó, Hải quân nhân dân Việt Nam đã điều động 3 tàu vận tải HQ-604, HQ-505 và HQ-605 thuộc Lữ đoàn 125 cùng lực lượng công binh ra các đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma nhằm xây dựng lực lượng trấn giữ đảo khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Chiến dịch mang tên CQ-88 (Chủ quyền 88)

Ngày 11/03/1988, tàu vận tải HQ-604 do thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy nhận mệnh lệnh rời cảng tiến ra đá Gạc Ma. Tiếp đó ngày 12/03/1988, tàu vận tải HQ-605 do thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn chỉ huy đang làm nhiệm vụ tại đá Đông được lệnh lên trấn giữ đã Len Đao.

HQ-604, HQ-605: Những chứng nhân lịch sử

Các tàu HQ-604 và HQ-605 thuộc loại tàu vận tải cỡ nhỏ lớp Đại Khánh do Trung Quốc đóng và viện trợ cho Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Các tàu này trước đây thuộc đội tàu “không số” tham gia vận chuyển vũ khí đạn dược vào Nam bằng tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Tàu HQ-604 đang neo đậu gần đá Gạc Ma trong chiến dịch CQ-88.

Tàu HQ-604 đang neo đậu gần đá Gạc Ma trong chiến dịch CQ-88.

Những tàu này chỉ có khả năng chở theo tải trọng hàng hóa tối đa khoảng 50 tấn. Những chiếc tàu vận tải của Hải quân Việt Nam chỉ được trang bị vũ khí cá nhân khá thô sơ trong khi đó phía Hải quân Trung Quốc có lực lượng 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 3 tàu vận tải hỗ trợ, tàu đo đạc và 1 tàu kéo cỡ lớn tạo nên một cuộc chiến không cân sức giữa những tàu chiến được trang bị vũ khí hạng nặng và những tàu vận tải không có vũ khí.

Ngày 14/03/1988, tàu HQ-604 thả neo gần đá Gạc Ma, các tàu Trung Quốc liên tục cơ động xung quanh dùng loa uy hiếp yêu cầu tàu Việt Nam rút đi. Mặc dù, liên tục bị các tàu chiến lớn của Trung Quốc uy hiếp song tàu HQ-604 vẫn kiên trì neo đậu.

Thấy tàu và chiến sĩ của Hải quân Việt Nam kiên quyết bám trụ trên đá Gạc Ma, Hải quân Trung Quốc đã thực hiện một hành vi vô nhân đạo khi sử dụng pháo hạm 100mm bắn chìm tàu HQ-604, chưa hết họ còn sử dụng cả pháo phòng không 25mm và pháo 37mm để bắn một cách không thương tiếc vào những chiến sĩ Hải quân Việt Nam đang bám trụ trên đá Gạc Ma.

Tại Len Đao, tàu chiến của Trung Quốc cũng sử dụng pháo hạm 100mm bắn chìm tàu vận tải HQ-605 đang neo đậu gần đó. Các thủy thủ trên tàu đã nhảy xuống biển bơi về đảo Sinh Tồn.

Hai tàu vận tải HQ-604 và HQ-605 đã mãi mãi chìm dưới đáy biển như những nhân chứng cho cuộc chiến bảo vệ chủ quyền trên biển không cân sức giữa Hải quân nhân dân Việt Nam và Hải quân Trung Quốc.

Mãi đến 20 năm sau, trong một lần đánh cá gần Gạc Ma, một tàu của ngư dân Việt Nam đã phát hiện xác tàu HQ-604 nằm dưới đáy biển. Sau đó, tàu Thành Công 07 của bà con đảo Lý Sơn khi đi rà phế liệu đã phát hiện được một số hài cốt các chiến sĩ Hải quân Việt Nam hi sinh bên trong khoang tàu HQ-604.

Tàu Thành Công 07 đã phối hợp cùng với cán bộ chiến sĩ trên đảo Cô Lin tiến hành trục vớt được một số hài cốt và di vật của chiến sĩ Hải quân Việt Nam mất tích trong trận hải chiến bi hùng năm xưa.

HQ-505: Cột mốc hào hùng

Cũng trong chiến dịch CQ-88, tàu đổ bộ HQ-505 do thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy khi đó đang làm nhiệm vụ ở đảo Đá Lớn được lệnh tiến về đá Gạc Ma và Cô Lin phối hợp cùng với các tàu HQ-604 và HQ-605 đưa công binh lên các bãi đá ngầm khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

Tàu đổ bộ LST-509 tiền thân của tàu HQ-505 lúc đang trong biên chế của Hải quân Mỹ.

Tàu đổ bộ LST-509 tiền thân của tàu HQ-505 lúc đang trong biên chế của Hải quân Mỹ.

HQ-505 là một loại tàu đổ bộ xe tăng thuộc lớp LST-491. Đây là loại tàu đổ bộ xe tăng được xây dựng cho Hải quân Mỹ trong chiến tranh thế giới thứ 2. Tàu được đặt tên USS Bulloch County (LST-509), tàu làm lễ đặt ky vào ngày 07/10/1943 tại nhà máy đóng tàu Jeffersonville, Indiana, Mỹ. Tàu được đưa vào hoạt động trong biên chế Hải quân Mỹ từ ngày 20/01/1944.

Tàu có chiều dài 100 mét, rộng 15 mét, mớn nước sâu nhất 4,9 mét, lượng giãn nước toàn tải 3.640 tấn. LST-509 được trang bị 1 pháo hạm 76mm, 8 pháo 40mm và 12 pháo 20mm. Tàu có thể mang theo 2 xuồng đổ bộ LCVP, tàu có thể mang theo thủy thủ đoàn khoảng 130 người.

Trong chiến tranh thế giới thứ 2, LST-509 được triển khai hoạt động chiến đấu ở khu vực châu Âu trong cuộc tấn công vào miền Nam nước Pháp năm 1944. Ngày 08/04/1970, tàu LST-509 được ngưng hoạt động và chuyển giao cho VNCH thuê trong chương trình Hỗ trợ An ninh đến miền Nam Việt Nam. Tàu được đặt số hiệu HQ-504 Quy Nhơn.

Sau khi giải phóng miền Nam, tàu HQ-504 được đưa vào biên chế Hải quân Việt Nam với số hiệu mới HQ-505.

Ngày 14/3/1988, tại Trường Sa, khi tàu HQ-604 bị bắn chìm, trước tình thế cấp bách, thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ đã ra lệnh cho tàu nhổ neo ủi bãi lên đảo Cô Lin để khẳng định chủ quyền. Nhận thấy tàu HQ-505 đang ủi bãi, 2 tàu chiến của Trung Quốc đã quay sang sử dụng pháo hạm 100mm bắn dữ dội vào tàu HQ-505.

Mặc dù các tàu chiến Trung Quốc bắn rất ác liệt song tàu HQ-505 vẫn kiên cường ủi bãi lên đảo Cô Lin, khi tàu trườn được 2/3 thân lên đảo thì bị bốc cháy dữ dội. Các chiến sĩ trên tàu HQ-505 vừa triển khai lực lượng dập lửa cứu tàu, bảo vệ đảo vừa đưa xuồng cứu hộ đến cứu thủy thủ tàu HQ-604 bị bắn chìm ở Gạc Ma.

Tàu HQ-505 ủi bãi bảo vệ Cô Lin
Tàu HQ-505 ủi bãi bảo vệ Cô Lin

Tàu HQ-505 ủi lên bãi biến thành một công sự khổng lồ dài tới 100 mét, rộng 18 mét án ngữ lối lên đảo Cô Lin. Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chia sẻ “Lúc đó dù lực lượng mỏng nhưng do đã án ngự lối lên nên tôi tin là dù địch có đổ bộ chúng tôi vẫn đánh được và hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đảo”

Khi tàu ủi lên bãi do trúng phải hỏa lực mạnh của đối phương nên toàn bộ hệ thống điện trên tàu bị cháy và hư hỏng hoàn toàn. Thủy thủ đoàn sử dụng chính mặt boong để làm nơi sinh hoạt, vị trí trên mặt boong cũng tạo thuận lợi trong việc cảnh giới trước các hoạt động của Hải quân Trung Quốc.

Các chiến sĩ căng bạt lên một khẩu pháo 40mm đã bị hỏng để làm nơi tránh nắng vô tình nó biến thành một vật ngụy trang khiến đối phương nghĩ rằng pháo vẫn còn hoạt động được nên không dám đến gần.

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và 9 đồng chí đã ở lại cùng con tàu, kiên cường bám trụ, giữ đảo Cô Lin, mãi gần 2 tháng sau mới rút về.

Đảo Cô Lin ngày nay được ví như "mắt thần" giữa biển Đông.

Đảo Cô Lin ngày nay được ví như "mắt thần" giữa biển Đông.

Đến năm 1989, Hải quân Việt Nam đã cho hàn gắn, sửa chữa lại tàu HQ-505 rồi đưa tàu kéo ra cố gắng đưa tàu về cảng Cam Ranh nhưng không thành công. Khi kéo đi được một đoạn ra khỏi vị trí ủi bãi do hư hỏng nặng nên tàu HQ-505 đã chìm. Con tàu mãi mãi nằm lại dưới lòng biển sâu, như một cột mốc khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

Hành động dũng cảm của thủy thủ đoàn tàu HQ-505 sau đó đã được đảng, nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày nay, một số tàu thuộc lớp tàu đổ bộ LST-491 vẫn đang được sử dụng trong biên chế Hải quân Việt Nam mang số hiệu HQ-501, HQ-503.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại