Những chiến dịch thảm họa của các lực lượng đặc nhiệm trên TG!

Lã Xuân Linh |

Nhắc đến đặc nhiệm, ta đều hiểu đây là lực lượng tinh nhuệ, chiến công của họ là nguồn cảm hứng cho nhiều bộ phim hành động bom tấn. Nhưng, họ cũng đã gây ra những thảm họa!

Người ta ít khi để mắt tới những thất bại, thậm chí là thất bại thảm hại của các đơn vị đặc nhiệm do sự thiếu đào tạo, lên kế hoạch tồi hay đôi khi đơn giản là lỗi của một người lính làm ảnh hưởng đến cả nhiệm vụ.

Sau đây là một số những thảm họa tiêu biểu nhất của các lực lượng đặc nhiệm trên thế giới từ trước đến nay.

Những gì còn sót lại của chiếc trực thăng CH-53 bị cháy, bên cạnh là 1 chiếc CH-53 khác còn tốt mà đặc nhiệm Mỹ quên chưa phá hủy.

Chiến dịch "Móng vuốt đại bàng" của Delta Force (Mỹ)

Năm 1979, cuộc Cách mạng Hồi giáo nổ ra tại Iran. Một nhóm sinh viên Iran đã chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ tại Tehran - Thủ đô của nước này, bắt giữ 50 người Mỹ làm việc tại đây, gây ra cuộc khủng hoảng con tin kéo dài 444 ngày.

Để giải cứu các công dân của mình, Mỹ quyết định sử dụng lực lượng đặc nhiệm Delta Force mới được thành lập do Đại tá Charlie Beckwith chỉ huy. Kế hoạch đã được vạch ra khá chi tiết.

Theo đó, 3 chiếc EC-130E chở theo 130 lính Delta Force cùng các lực lượng phối hợp đến bãi đáp Sa mạc 1 cùng với 3 chiếc MC-130 có nhiệm vụ tiếp nhiên liệu. Ngoài ra, 8 chiếc trực thăng CH-53 cất cánh từ tàu sân bay USS Nimitz cũng sẽ đáp xuống Sa mạc 1.

Sau khi được tiếp nhiên liệu, 8 chiếc trực thăng này sẽ tiếp tục chở đặc nhiệm đến bãi đáp Sa mạc 2, cách Tehran khoảng 90 km, rồi từ đây 2 điệp viên CIA sẽ đưa đặc nhiệm Mỹ vào Thủ đô của Iran.

Vậy nhưng khi đang bay đến Sa mạc 1, do gặp phải bão cát khiến 1 chiếc CH-53 buộc phải quay về trong khi 1 chiếc khác bị rơi vì hỏng hóc. Chưa dừng lại ở đó, khi vừa mới tới được bãi đáp Sa mạc 1, thêm 1 chiếc CH-53 bị hỏng bộ phận thủy lực.

Vậy là chỉ mới bắt đầu, nhưng đã có đến 3 chiếc trực thăng vốn để chở con tin bị loại khỏi vòng chiến. Về phía những chiếc C-130 chở đặc nhiệm Delta cũng chẳng khá khẩm hơn.

Được phía CIA cam kết rằng Sa mạc 1 là sân bay bỏ hoang không một bóng người, chiếc C-130 chở lính đặc nhiệm hạ cánh an toàn. Họ nhanh chóng nhận ra rằng Sa mạc 1 đúng là bị bỏ hoang….nhưng có 1 con đường đông đúc chạy nganh cạnh nó.

Đặc nhiệm Mỹ ngay lập tức tổ chức chặn đường nhằm đảm bảo bí mật cho chiến dịch. Một chiếc xe khách chở 44 thường dân trên con đường này bị họ bắt giữ, các hành khách bị đưa lên một chiếc trực thăng và bị tạm giam cho đến khi chiến dịch kết thúc.

Tồi tệ hơn, khi một chiếc xe chở xăng đang tiến đến, do không tuân theo hiệu lệnh dừng xe, lính đặc nhiệm Mỹ quyết định bắn chặn chiếc xe bằng….1 phát đạn chống tăng M72 chuẩn xác, giết chết 1 người trên xe, tài xế may mắn chạy thoát dưới làn đạn.

Chiếc xe chở xăng phát nổ, chả khác nào ngọn đuốc đánh dấu bãi đổ quân của đặc nhiệm Mỹ, nó có thể nhìn thấy từ vài kilomet. Mất 3 trực thăng, địa điểm đổ quân bị lộ, thay vì đi giải cứu con tin, Delta Force lại bắt giữ 44 con tin khác và giết chết 1 dân thường.

Chỉ huy chiến dịch ra lệnh hủy bỏ nhiệm vụ, rút tất cả các lính đặc nhiệm về. Nhưng sự xui xẻo của Delta Force mới chỉ bắt đầu…Do đã bay quãng đường dài, họ buộc phải tiếp nhiên liệu cho những chiếc CH-53 để bay tiếp.

Nhưng do luống cuống, chiếc CH-53 đã chém cánh quạt vào thùng nhiên liệu của C-130. Một vụ cháy lớn bùng lên, giết chết 8 nhân viên vận hành máy bay, chỉ 2 người thoát ra được nhưng cũng bị bỏng nặng.

Bị ép đến sự tận cùng của xui xẻo, đặc nhiệm Mỹ được lệnh lên chiếc C-130 khác và rút về mà quên mất rằng họ đã để lại 2 chiếc CH-53 còn tốt…chưa kể những chiếc CH-53 bị hỏng cùng với nhiều tài liệu tuyệt mật của CIA…

Hiện đang có 2 chiếc CH-53 "tù binh" vẫn đang hoạt động trong quân đội Iran, nhờ vào chiến dịch thất bại thảm hại từ đặc nhiệm Mỹ.

Dường như sự tinh nhuệ của Delta đã không giúp họ thoát khỏi thất bại, bởi kế hoạch hành động quá tồi tệ của các cấp chỉ huy và tình báo, cùng với đó là sự lúng túng của lực lượng không quân vận tải.

Delta Force có vẻ như vẫn chưa hết “dớp” trực thăng, khi mà trong chiến dịch Gothic Serpent tại Mogadishu, Somali năm 1993.

Chỉ vị sự bất cẩn của 1 lính đặc nhiệm khi đổ bộ từ trực thăng, đã kéo theo việc lính Delta và biệt kích bị bao vây bởi quân địch khi cố giải cứu người này, cùng với đó là 2 chiếc trực thăng Blackhawk bị bắn hạ. Đã có đến 18 lính Mỹ bị giết, tất cả đều là lính đặc nhiệm.

Trận chiến này sau đó được dựng lại thành bộ phim “Black Hawk Down” nổi tiếng. Bài học về việc lên kế hoạch và tổ chức các chiến dịch bằng trực thăng dường như chưa được Delta Force chú trọng, đã dẫn tới hậu quả thê thảm trên.

Chiến dịch giải cứu con tin tại Cyprus của đặc nhiệm Ai Cập

Năm 1978, 2 công dân Ai Cập, trong đó có 1 người bạn thân của Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat, đã bị 2 thành viên của tổ chức Mặt trận Giải phóng Palestine ám sát tại đảo quốc Cyprus.

Hai kẻ ám sát đã bắt giữ 11 con tin khác rồi yêu cầu 1 chiếc máy bay của Hãng hàng không Cyprus tại sân bay Larmaca để chúng có thể chạy khỏi Cyprus cùng các con tin.

Nghe tin người bạn của mình bị ám sát, Tổng thống Ai Cập đã đề nghị với Tổng thống Cyprus khi đó, rằng ông ta muốn điều đặc nhiệm Ai Cập đến để giải cứu các con tin và bắt giữ 2 kẻ khủng bố.

Tổng thống Cyprus đã đồng ý cho 1 chiếc C-130 của đặc nhiệm Ai Cập hạ cánh tại sân bay Larmaca để sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Tuy vậy, trong lúc lực lượng an ninh của Cyprus vẫn còn đang đàm phán với những kẻ cướp máy bay, lực lượng đặc nhiệm Ai Cập đã tự ý tiến hành 1 cuộc đột kích mà không xin phép an ninh sân bay.

Khi họ tiến về phía chiếc máy bay, nơi đang có 11 con tin bị bắt giữ, lực lượng an ninh sân bay đã đưa hiệu lệnh cảnh cáo đặc nhiệm Ai Cập nhưng không hiệu quả buộc lực lượng an ninh phải nổ súng. Cuộc đấu súng giữa 2 lực lượng này dẫn đến thảm họa.

Do đang tiến đến chiếc máy bay, đặc nhiệm Ai Cập không thể ẩn náu tránh đạn. Kết quả, 15 lính cùng 3 thành viên tổ lái C-130 thiệt mạng, 15 người khác bị thương cùng với chiếc C-130 bị phá hủy, tất cả đều do đạn từ phía an ninh sân bay, thay vì những kẻ khủng bố.

Mỉa mai thay, 2 kẻ khủng bố kia thậm chí đã đầu hàng trước khi cuộc tấn công của đặc nhiệm Ai Cập thất bại.

Sự kiện này đã buộc Ai Cập phải thành lập một lực lượng đặc nhiệm chuyên giải cứu con tin mang tên Task Force 777 (TF-777). Tuy vậy, TF-777 cũng không khá hơn đàn anh là bao…

Vụ xả súng bừa bãi của đặc nhiệm Ai Cập tại Malta đã dẫn đến kết quả 57 trên tổng số 88 con tin bị thiệt mạng cùng 6 kẻ khủng bố.

Chiến dịch giải cứu con tin tại Malta của TF-777 (Ai Cập).

Năm 1985, 1 chiếc máy bay Boeing 747 của hãng hàng không Ai Cập bị một số kẻ có vũ trang từ Tổ chức Giải phóng Palestine khống chế khi vừa mới cất cánh. Những kẻ cướp máy bay đã buộc máy bay phải hạ cánh xuống sân bay Luqa, quốc đảo Malta.

Một lần nữa, Ai Cập lại gửi lực lượng đặc nhiệm của mình, TF-777, đi giải cứu chiếc máy bay của nước này. Sau các cuộc đàm phán, đã có 11 con tin được thả tự do, tuy vậy 5 con tin khác đã bị hành quyết.

Nhà chức trách Malta đồng ý cho lực lượng đặc nhiệm Ai Cập TF-777 tiến hành đột kích và giải cứu con tin.

Không như chiến dịch tại Cyprus như hồi 1978, lần này, có vẻ như chiến dịch được đặc nhiệm Ai Cập lên kế hoạch tốt hơn. Đặc nhiệm dự định sẽ đặt thuốc nổ ở thân máy bay để đục 1 lỗ hổng đủ lớn, sau đó lính đặc nhiệm sẽ tấn công vào trong.

Mọi chuyện không diễn ra như dự tính. Khi đặc nhiệm cho nổ khối chất nổ, nó không chỉ tạo ra lỗ hổng cho họ tiến vào mà sức ép của nó còn đủ để quét sạch khu vực ca bin, giết chết 20 con tin ngay tức khắc.

Sự việc càng tồi tệ hơn khi mà đặc nhiệm Ai Cập tiến vào máy bay, họ đã xả súng bừa bãi về phía những kẻ khủng bố, nhưng đồng thời cũng giết và làm bị thương thêm nhiều con tin khác.

Chưa dừng lại ở đó, 1 số con tin thoát được ra ngoài ngay lập tức bị bắn hạ bởi lính bắn tỉa Ai Cập bởi họ tưởng đó là những kẻ khủng bố.

Thay vì 1 cuộc giải cứu nhanh gọn, vụ xả súng bừa bãi của đặc nhiệm Ai Cập đã dẫn đến kết quả có 57 trên tổng số 88 con tin bị thiệt mạng cùng với đó là 6 kẻ khủng bố. Sau 2 nhiệm vụ thảm họa trên, lực lượng đặc nhiệm TF-777 bị chính quyền Ai Cập giải tán.

Tuy vậy, sau đó họ cũng được tái lập và hiện vẫn còn đang hoạt động với nhiệm vụ chính là chống khủng bố và tiến hành các chiến dịch đặc biệt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại