“Nhờ” IS, thời hoàng kim của tên lửa hành trình đánh đất sắp đến?

Hải Vy |

Theo tạp chí The Diplomat (Nhật Bản), chiến dịch quân sự của Nga tại Syria có thể báo hiệu rằng thời hoàng kim của tên lửa hành trình tấn công mặt đất cuối cùng cũng tới.

Diplomat cho biết, ngày 7/10 vừa qua, Nga đã đẩy mạnh các hoạt động quân sự tại Syria khi bắn một loạt tên lửa hành trình tấn công mặt đất (LACM) nhằm vào các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Cuộc tấn công này, tương tự như vô số các cuộc tấn công của Mỹ, đã cho thấy một số xu hướng công nghệ và đường hướng chính trị hiện nay.

Đồng thời, nó có thể báo hiệu thời khắc mà nhiều nhà phân tích cho rằng còn xa mới tới, đó là khi các LACM chính xác tràn ngập trên khắp các hệ thống quốc tế.

Thông tin từ báo chí cho biết các tên lửa của Nga được phóng đi từ 4 tàu chiến đang hoạt động tại biển Caspian. Chúng vượt quãng đường gần 1.000 hải lý, băng qua Iran, Iraq trước khi tấn công các mục tiêu IS tại Syria.

Theo Diplomat, lựa chọn phóng các tên lửa này từ biển Caspian cho phép Nga tránh được nhiều vấn đề với Hiệp ước Tên lửa Tầm trung (INF), do hiệp ước này hạn chế việc phát triển các tên lửa hành trình phóng từ mặt đất.


Tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình tiêu diệt IS hôm 7/10

Tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình tiêu diệt IS hôm 7/10

LACM, dù phóng từ tàu chiến, máy bay hay các phương tiện mang trên bộ, đều gặp nhiều trở ngại hơn so với các phiên bản chống tàu khác.

Chúng cần vượt qua địa hình mặt đất phức tạp, tránh các hệ thống phòng không đối phương, phân biệt được các mục tiêu với những sự vật khác xung quanh.

Vì vậy, việc triển khai LACM đòi hỏi phải vượt qua các vấn đề khá phức tạp liên quan tới hệ thống dữ liệu và xử lý dữ liệu.

Đây là một trong những lý do tại sao công nghệ tên lửa hành trình cơ bản đã phổ biến trên toàn thế giới nhưng rất ít quốc gia có thể triển khai LACM trong kho vũ khí của họ.

Với Tomahawk, LACM đã góp phần tạo nên thế độc tôn về quân sự của Mỹ kể từ Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất.

Được phóng đi từ tàu ngầm và các tàu chiến mặt nước, tên lửa Tomahawk cho phép Mỹ triển khai sức mạnh trên khắp thế giới mà không nhất thiết cần tới các máy bay chiến đấu.

Chưa hết, LACM còn giúp Mỹ đối phó với mạng lưới phòng không trong chiến lược chống tiếp cận của đối phương, từ đó giảm rủi ro cho máy bay chiến đấu và phi công của Mỹ.

Diplomat nhận định, các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình không bổ sung thêm bất cứ điều gì đặc biệt vào năng lực tác chiến của Nga ở Syria.

Mặc dù máy bay chiến đấu của họ thiếu các loại đạn chính xác như của phương Tây nhưng chúng vẫn có thể tiến hành các cuộc tấn công như vậy.

Thay vào đó, đây là cách Nga chứng minh với các quốc gia khác rằng họ có thể bắn các LACM chính xác từ khoảng cách xa.

Ngoài ra, việc những tên lửa này bay qua không phận Iran và Iraq càng chứng minh được vị thế chính trị của Moscow trong khu vực.

Các tên lửa được bắn đi từ 2 loại tàu chiến mặt nước của Nga, đó là tàu Gepard với lượng giãn nước 1.500 tấn và tàu Buyan-M (3 chiếc) với lượng giãn nước tiêu chuẩn 500 tấn (giãn nước đầy tải 949 tấn).

Trước đó, Nga đã xuất khẩu sang Việt Nam các tàu Gepard để giúp Hải quân Việt Nam xây dựng nòng cốt của lực lượng tác chiến mặt nước. Moscow cũng đã xuất khẩu một số phiên bản của tên lửa Klub, phần lớn là phiên bản chống hạm.

Mặc dù một số ý kiến cho rằng cuộc tấn công hôm 7/10 là "lời chào hàng" của Nga tới các khách hàng tiềm năng của LACM nhưng theo Diplomat, Moscow có thể sẽ do dự khi cung cấp những khả năng như vậy cho bất cứ quốc gia nào.

Ngoài ra, những giao dịch như vậy có thể sẽ gặp phải các áp lực chính trị và một số quốc gia có thể chưa đủ khả năng triển khai loại vũ khí này do các vấn đề liên quan đến hệ thống dữ liệu và liên lạc.

Song, Diplomat nhận định, vẫn phải thừa nhận rằng sáng kiến của Nga trong việc điều động hạm đội biển Caspian tham chiến gần như chắc chắn sẽ khiến LACM nhận được nhiều sự quan tâm hơn trong tương lai gần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại