Tờ japanmil của Nhật cho biết, việc Bắc Kinh đang nỗ lực sở hữu chiếc hàng không mẫu hạm thứ 2 tiếp tục chứng tỏ tham vọng của TQ trong việc trở thành bá chủ vùng biển, nơi mà quốc gia này đã “vô tình“ bỏ qua trong thời gian qua, nhưng điều đó cũng không gây trở ngại hay nguy hiểm gì cho Tokyo, bởi Nhật đã có sẵn trong tay những con bài đối lập hữu hiệu, thậm chí Nhật còn được xem là đã có bước đi nhanh hơn hẳn TQ.
Theo đó, báo chí Nhật viện dẫn thông tin nước này đang chế tạo tàu hộ vệ trực thăng với lượng giãn nước vượt cả một số tàu sân bay hạng nhẹ (tương tự như Liêu Ninh).
Truyền thông Nhật cũng không quên khẳng định rằng, sức mạnh tàu sân bay của TQ dù đã có được nhiều bước tiến, nhưng vẫn chưa thể một lần “vươn mình“ là có thể trở thành người khổng lồ. Về phía mình, Nhật tin rằng tương lai tàu 22DDH sẽ là tàu chiến lớn nhất trong lịch sử của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, về động cơ, hệ thống điện tử và vũ khí trang bị hay là các chức năng như tác chiến đối không, đối hải và vận tải cứu nạn 22DDH đều được đánh giá rất cao.
Tàu 22DDH có chiều dài hơn khoảng 22% so với kích thước 197m của tàu Hyuga 16 DDH. Với chiều dài (248m) này, chiếc tuần dương hạm mới của Nhật có thể sánh ngang với các tàu sân bay của châu Âu như Cavour của Italia (244m). Lượng giãn nước của 22DDH là 19.500 tấn, lớn hơn 44% so với 16DDH và nếu chở đủ tải, lượng giãn nước của nó sẽ là 27.000 tấn, tương đương với tàu Cavour.
Ngoài ra, chiếc 22DDH có thể mang theo 14 trực thăng chiến đấu, 4.000 lính và 50 chiến xa.
Dù mang tiếng là tầu hộ vệ trực thăng nhưng theo chiến thuật của người Nhật để né sự soi mói của thế giới đối với vấn đề phát triển quân đội của nước này thì bài toán chế tạo 22DDH là hoàn toàn hợp lý, bởi năng lực vận hành cũng như tính năng tác chiến của loại tầu chiến này không hề thua kém bất kỳ tầu sân bay hạng nhẹ nào, thậm chí nó còn được so sánh ngang ngửa với Liêu Ninh cũng như dự án tầu sân bay thứ 2 của TQ.
Thêm vào đó, điều càng khiến cho Bắc Kinh đau đầu hơn nữa là việc Tokyo có thể dễ dàng chuyển đổi những chiếc tuần dương hạm ngoại cỡ kia thành tàu sân bay bất cứ lúc nào, chẳng hạn khi Nhật có được một số lượng tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 của Mỹ với khả năng cất cánh thẳng đứng.
Bằng chứng là cựu đô đốc hải quân Trung Quốc Yin Zhou đã từng lập luận rằng với boong tàu dài 200m, tàu 22DDH có thể cho phép cất cánh và hạ cánh 6 chiếc F-35, thậm chí con số này sẽ lớn hơn nếu 22DDH dẹp bớt số lượng trực thăng biên chế trên tầu.
Trung Quốc cho rằng đội tàu tuần dương chở trực thăng của Nhật Bản có thể nhanh chóng biến thành hàng không mẫu hạm nếu được trang bị tiêm kích tàng hình F-35 với khả năng cất cánh thẳng đứng của Mỹ. Và đó là điều khiến Bắc Kinh mất ăn mất ngủ và cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến TQ phải tính kế có thêm hàng không mẫu hạm để gia tăng sức mạnh của mình trên biển.
Việc báo chí Nhật nhanh chóng đăng đàn sau thông tin Bắc Kinh đang âm thầm chế tạo chiếc tầu sân bay thứ 2 đã cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt giữa 2 quốc gia này, “dường như đang có một cuộc chạy đua vũ trang âm thầm giữa TQ và Nhật Bản, điều này thực sự khiến cho tình hình khu vực càng khó dự đoán hơn bao giờ hết“, tờ Ausdefence nhận định.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!