Nhật Bản thể hiện gì trong cuộc tập trận với Mỹ?

Anh Tuấn |

Trong lần tập trận trên biển mới nhất, Hải quân Nhật đã có những tiến bộ rõ rệt, khi hải quân Mỹ nhận xét rằng quân đội Nhật Bản năng lực trên biển và trên không mạnh hơn lúc trước.

Nhật Bản đã có những tiến bộ lớn trong cuộc tập trận với Mỹ tuần này, khi một trong những đô đốc Nhật đã chỉ huy phối hợp thủy quân và không quân mà quân đội Mỹ miêu tả là hoạt động phức tạp nhất chưa từng có của Hải quân Nhật Bản.

Cuộc tập trận Kiếm Sắc là cuộc diễn tập trên biển thường niên giữa Nhật và Mỹ.

Cuộc tập trận Kiếm Sắc có sự tham gia của hơn 30.000 quân Nhật và 11.000 quân Mỹ diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang muốn thể hiện vai trò lớn hơn trong liên minh hai nước.

Cùng lúc đó, Washington đã khuyến khích Tokyo nắm lấy vai trò quốc phòng lớn hơn trước đây, đặc biệt là khi quân đội Trung Quốc đang nhanh chóng trở nên hiện đại hơn.

Chuẩn Đô đốc Hidetoshi Iwasaki đã chỉ huy một đội tàu gồm hai tá chiến hạm, bao gồm tàu Mỹ, ở Thái Bình Dương phía Nam lãnh thổ Nhật Bản trong khuôn khổ cuộc tập trân Kiếm Sắc được tổ chức thường niên này.

Ông Iwasaki, một tư lệnh của đội tàu hộ tống thuộc Lực lượng Tự vệ Nhật Bản, đã đóng vai trò quan trọng hơn những người tiền nhiệm trong cuộc diễn tập Kiếm Sắc.

Đội của ông đã lên kế hoạch tác chiến từ nhiều tháng trước và cuối cùng là tham gia vào một sự kiện không ngờ thuộc một bài huấn luyện đã được dàn dựng sẵn.

Nhiệm vụ của ông trong buổi huấn luyện là nhằm bảo vệ khí tài quân sự quan trọng của Mỹ ở châu Á, tàu sân bay hạt nhân USS George Washington, khỏi các mũi tấn công trên không và trên biển.

Chuẩn Đô đốc John Alexander, chỉ huy lực lượng trên tàu George Washington cho biết, “Đây là hoạt động lớn nhất và phức tạp nhất mà một sĩ quan hải quân Nhật Bản đã tham gia với tư cách là một chỉ huy chiến đấu trên biển”.

Khi Alexander nói, tiếng rít của những chiếc phi cơ tiêm kích F-18 cất cánh và tiếng móc đuôi máy bay tiêm kích mài vào đường băng của tàu thể hiện sự phức tạp của cuộc tập trận đang diễn ra.

Tàu George Washington là lực lượng trên biển có ảnh hưởng lớn nhất ở châu Á và là trung tâm của Hạm đội Số 7 của Mỹ.

Bên cạnh con tàu nặng 100.000 tấn này của Mỹ là kỳ hạm của Đô đốc Iwasaki, chiến hạm tên lửa định hướng Kirishima, cùng với cờ hiệu có hình mặt trời mọc đã có từ thời Đế quốc đang bay trên một cột chính của tàu.

Nhật Bản và Mỹ đang xem xét lại mối quan hệ liên minh an ninh lần đầu tiên sau 17 năm, và dự kiến sẽ có kết luận trong vài tháng tới về việc cho phép quân đội Nhật Bản có quyền hoạt động lớn hơn nhằm bảo vệ lãnh thổ của mình.

Thủ tướng Abe đã ưu tiên việc củng cố quân đội Nhật, hủy bỏ chính sách cắt giảm ngân sách quốc phòng trong suốt một thập kỷ, nới lỏng kiềm chế xuất khẩu vũ khí và xem xét lại Hiến pháp quốc gia để cho phép lính Nhật chiến đấu ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II.

Trong lúc Tổng thống Mỹ Barack Obama chú ý đến tình hình an ninh ở Châu Á, chính phủ đang bị bó hẹp về ngân sách của ông muốn Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn trong việc quốc phòng.

Nhà nghiên cứu Grant Newsham thuộc Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược ở Nhật Bản cho biết: “Quan hệ quốc phòng Mỹ - Nhật suốt chiều dài lịch sử đã bị mất cân bằng, với việc người Mỹ phải làm quá nhiều trong mối quan hệ này”.

“Nay điều đó đã không thể tiếp tục nữa, đặc biệt là đối với Washington”, ông Newsham, trước đây là cựu sĩ quan liên lạc của quân đội Mỹ với quân đội Nhật, nói thêm.

Cuộc tập trận giữa Mỹ và Nhật Bản không xác định rõ kẻ địch cụ thể, và Kiếm Sắc được tiến hành cách những hòn đảo thuộc quyền kiểm soát của Nhật hiện đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc hàng trăm kilomet.

Tuy nhiên, kế hoạch tác chiến trên biển của cả Washington và Tokyo đều tập trung vào Trung Quốc, khi nước này lần đầu tiên sau hàng trăm năm đã xây dựng lực lượng hải quân có thể vượt qua ranh giới hải phận của mình để đến những vùng biển xa xôi trên thế giới.

Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới.

Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại