Senkaku/Điếu Ngư là "liều thuốc thử" cho sự kiên nhẫn của Nhật Bản và Trung Quốc.
Nhiều năm qua, Nhật Bản đã liên tiếp vấp phải sự đe dọa về mặt quân sự từ phía Trung Quốc, những xung đột với Bắc Kinh xung quanh vấn đề biển đảo chính là minh chứng cho thấy mối đe dọa đó. Bài viết được đăng trên Thời báo hoàn cầu ngày hôm nay (25-2).
Ý định xoa dịu quan hệ bất thành của Nhật Bản
Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư là quần đảo không có người ở nằm cách thành phố Đài Bắc 120 hải lý về phía Đông Bắc. Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố quyền về quần đảo này.
Các nhà địa chất cho rằng, hải vực lân cận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có thể chứa nguồn dầu mỏ và khí thiên nhiên phong phú. Những tranh chấp xung quanh vấn đề Senkaku/Điếu Ngư đã tồn tại từ lâu, nhưng đến đầu năm 2013, sự căng thẳng đã lên tới đỉnh điểm.
Tháng 4-2012, trong chuyến thăm Washington, thị trưởng thành phố Tokyo - ông Ishihara Shintaro tuyên bố sẽ mua 3 trong số 5 hòn đảo từ chủ sở hữu các hòn đảo của Nhật Bản. Thị trưởng Ishihara Shintaro là chính trị gia nổi tiếng vì thường xuyên bày tỏ những quan điểm của chủ nghĩa dân tộc, ông kêu gọi xây dựng các công trình mang tính vĩnh cửu trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để chứng minh quyền sở hữu và kiểm soát của Nhật Bản tại đây, đồng thời tự kêu gọi quyên góp được gần 20 triệu USD chuẩn bị mua đảo.
Tháng 9-2012, chính phủ Nhật Bản mua được 3 hòn đảo với giá 2,05 tỉ Yên (khoảng 26 triệu USD), làm đảo lộn toàn bộ kế hoạch của ông Ishihara Shintaro. Phía Nhật Bản muốn dùng hành động này để xoa dịu quan hệ với Trung Quốc. Một điều khiến họ không thể ngờ là, Trung Quốc đã trả lời bằng những cuộc biểu tình trên quy mô lớn.
Ishihara Shintaro (sinh ngày 30 tháng 9 năm 1932) là một chính trị gia phái hữu cực đoan của Nhật Bản. Ông là thị trưởng của thành phố Tokyo suốt 4 nhiệm kỳ liên tục kể từ năm 1999 đến 31-10-2012.
Mùa thu năm 2012, Trung Quốc bắt đầu bố trí lực lượng tàu tuần tra trên biển (SMS) định kỳ và tàu thực thi Luật đánh bắt cá (FLEC) để triển khai các hoạt động “tuần tra thường nhật” quanh hải vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đồng thời lấy đó để khẳng định bên ngoài quyền cai quản “lãnh hải Trung Quốc của mình. Báo chí đưa tin rằng, máy bay trinh sát quân sự của Trung Quốc đã từng bay sát vào không phận đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Lực lượng tự vệ Nhật Bản nói đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng này trong suốt 50 năm qua. Tháng 2-2013, chính phủ Nhật Bản cáo buộc tàu khu trục Trung Quốc dùng radar điều khiển hỏa lực nhắm vào hai mục tiêu quân sự của mình.
Mặc dù không khai hỏa nhưng đây đã được coi là sự kiện quan trọng khiến sự đối đầu giữa hai bên leo thang đột biến. Đồng thời vụ việc này cũng đặt ra một vấn đề: hành động này rốt cuộc là do chấp hành mệnh lệnh của quân đội Trung Quốc hay tàu khu trục Trung Quốc tự ý chủ trương? Phía Bắc Kinh đã không chấp nhận lời cáo buộc của Nhật Bản về vụ việc này.
Bản báo cáo của Mỹ chỉ ra rằng, Mỹ vẫn giữ chủ trương trung lập xung quanh vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Thực tế cho thấy, ít nhất là quay ngược trở lại thời kỳ Tổng thống Nickson nắm quyền, chính phủ Mỹ đã tuyên bố sẽ không bày tỏ lập trường về các vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Tuy nhiên, trong Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật Bản ký kết năm 1960 có ghi, từ năm 1972 sẽ đặt vấn đề “cai quản đảo Senkaku/Điếu Ngư” trở thành quốc sách của Mỹ, vì điều 5 trong Hiệp ước này quy định: Mỹ buộc phải bảo vệ “phần lãnh thổ thuộc chủ quyền Nhật Bản”.
Bản báo cáo cho biết, các chiến dịch tuần tra của Trung Quốc ngày càng rầm rộ hơn. Điều này cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách để chứng minh quyền quản lý quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở một mức độ nào đó, từ đó để đưa ra lời chất vấn đối với Mỹ về lời cam kết của Mỹ đã được nêu trong Hiệp ước nói trên.
Để điều chỉnh xoa dịu Nhật Bản, trong Đề án trao quyền quốc phòng năm 2013, Quốc hội Mỹ đã tuyên bố: “hành động đơn phương của một bên thứ 3 sẽ không ảnh hưởng tới Mỹ trong việc công nhận chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku”. Để nhấn mạnh điều này, tháng 1-2013, ngoại trưởng Mỹ Hillary đã nêu rõ rằng: “Mỹ sẽ phản đối bất kỳ hành động đơn phương xâm phạm quyền quản lý hành chính của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư”.
Bản báo cáo chỉ rằng, do rất có thể Mỹ sẽ bị cuốn vào cuộc chiến tranh mới, chính phủ Mỹ đã kêu gọi Nhật Bản và Trung Quốc cần hành động thận trọng, kiến nghị hai bên né tránh xung đột. Bản báo cáo còn cho biết, có thể Mỹ sẽ ra tay để can thiệp trực tiếp hơn vào cuộc xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Mỹ sẽ ra tay
Bản báo cáo chỉ ra rằng, trong rất nhiều chính sách ngoại giao liên quan sự trỗi dậy của Trung Quốc đến đối mặt với mối đe dọa từ phía Triều Tiên, Nhật Bản đã trở thành đối tác quan trọng của Mỹ.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật luôn là nền tảng quan trọng cho các nhiệm vụ an ninh của Mỹ ở khu vực Đông Á. Dưới sự thúc đẩy của đồng minh Mỹ - Nhật, Mỹ đã bố trí cho Nhật Bản khoảng 49.000 binh lực và các nguồn tài sản quân sự khác.
Nếu Nhật Bản quyết định gia nhập nhập vào Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì quốc gia này sẽ trở thành nhân tố quan trọng hơn nữa trong chiến lược “tái cân bằng châu Á, Thái Bình Dương” của chính quyền Tổng thống Obama.
Trong 6 tháng qua, xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh vấn đề Senkaku/Điếu Ngư liên tục leo thang. Mặc dù trong giai đoạn 2008-2010, Tokyo và Bắc Kinh đã từng thử thí nghiệm mô hình cùng khai thác nguồn tài nguyên phong phú quanh vùng đảo này, nhưng tranh chấp vẫn kéo dài nhiều năm.
Tháng 8-2012, hành động quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của chính phủ Nhật Bản đã phá vỡ hiện trạng, gây ra các cuộc biểu tình trên quy mô lớn ở Trung Quốc và sự phản đối kịch liệt từ phía Bắc kinh, quan hệ thương mại giữa hai nước xấu đi trông thấy. Bản báo cáo cho biết, kể từ thời điểm đó, cấp độ hành động của Trung Quốc từng bước tăng cao, liên tục phái tàu chiến, tàu tuần tra trên biển, máy bay chiến đấu ra khu vực này, buộc Nhật Bản cũng phải đáp trả bằng việc nâng cao cấp độ cho các hành động quân sự.
Bản báo cáo đã chỉ ra rằng, Nhật Bản đang phải đối mặt với những thách thức an ninh nghiêm trọng. Nhiều năm qua, Nhật Bản đã liên tiếp vấp phải sự đe dọa về mặt quân sự từ phía Trung Quốc, những xung đột với Bắc Kinh xung quanh vấn đề biển đảo chính là minh chứng cho thấy mối đe dọa đó.
Điều khiến Nhật Bản vừa mừng vừa lo là, một mặt hoạt động phòng ngự của nước này đã được Mỹ bảo trợ về an ninh, tuy nhiên Nhật Bản cũng lo ngại Washington sẽ không dám mạo hiểm khai chiến với Bắc Kinh để bảo vệ lãnh thổ cho Nhật Bản.
Hiện quốc gia này đang rất cần Lực lượng tự vệ xây dựng sức mạnh quân sự ở phía Tây Nam. Nhiều nhà quan sát đánh giá giữa Lực lượng tự vệ trên biển và Lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật Bản còn thiếu sự điều hòa và chưa có sự phân chia trách nhiệm rạch ròi.
Các nhà quan sát chỉ ra rằng, cục diện căng thẳng về chính trị do những tranh chấp xung quanh vấn đề biển đảo không những chỉ ảnh hưởng đến lĩnh vực thương mại. Trong tháng 9-2012, khi xung đột leo thang đến đỉnh điểm, những người biểu tình ở Trung Quốc đã kêu gọi bài xích hàng Nhật và phá bỏ những cửa hàng bán lẻ của Nhật Bản trên đất Trung Quốc.
Từ tháng 9-2012, lượng xe hơi Nhật Bản tiêu thụ ở Trung Quốc giảm mạnh. Chính vì vậy, bản báo cáo chỉ ra rằng, trong vấn đề Senkaku/Điếu Ngư, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ không thể áp dụng những biện pháp gây tranh cãi trước cuộc bầu cử thượng viện Nhật Bản diễn ra vào hè năm nay.