Lễ hạ thủy tàu JS Jinryu diễn ra với sự góp mặt của các quan chức quốc phòng cấp cao của Nhật Bản, bao gồm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Kenji Wakamiya, Tham mưu trưởng Hải quân Nhật Bản Tomohisa Takei cùng Cố vấn Hậu cần và Công nghệ quân sự Hideaki Watanabe.
Tàu ngầm chiến đấu lớp Soryu của Nhật Bản
Tàu JS Jinryu là tàu ngầm lớp Soryu thứ bảy được bàn giao cho Hải quân Nhật Bản, và là tàu thứ tư được đóng tại MHI (các tàu còn lại được Tập đoàn đóng tàu Kawasaki chế tạo).
“MHI là đơn vị đã đóng tàu ngầm Soryu đầu tiên, và chúng tôi đã chế tạo tổng cộng 26 tàu ngầm trong vòng 70 năm qua”, thông cáo báo chí của MHI cho biết.
Kế hoạch của Hải quân Nhật Bản là xây dựng một hạm đội gồm 11 tàu lớp Soryu trước năm 2020. Với trọng lượng 4.100 tấn, tàu Soryu có kích thước lớn hơn bất kỳ tàu ngầm nào mà Nhật Bản đang có.
Tàu Jinryu có hai đông cơ diesel Kawasaki 12V 25/25 SB cùng 4 động cơ Kawasaki Kockims V4-275R Stirling, có tầm hoạt động 6.100 hải lý và có tốc độ tối đa 13 hải lý/giờ khi nổi lên mặt nước và 20 hải lý/giờ khi ở dưới lòng biển.
Hiện vẫn chưa rõ liệu tàu JS Jinryu sẽ được lắp đặt hệ thống ắc quy lithium-ion đặc biệt để nâng cao khả năng hoạt động của tàu hay không.
Năm ngoái, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố họ có kế hoạch lắp đặt ắc quy lithium-ion cho tất cả các tàu lớp Soryu trong tương lai.
Thiết kế của tàu ngầm lớp Soryu được dựa trên mẫu tàu lớp Oyashio ra đời trước đó và hiện vẫn đang được Hải quân Nhật Bản sử dụng. Tàu cũng có một hệ thống lái điều khiển bằng máy tính để nâng cao khả năng di chuyển khi hoạt động trong các vùng nước nông.
Theo một số nguồn tin, mạn tàu “được gia cố bằng các lớp thép chịu bền và được phủ một lớp sơn cách âm để giảm bớt sóng âm dội vào tàu”. JS Jinryu cũng được lắp đặt nhiều hệ thống tự động, và sẽ được vận hành bởi 9 sĩ quan và 56 thủy thủ.
Tàu JS Jinryu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi, có thể sử dụng ngư lôi định vị mục tiêu Type 89 và tên lửa chống hạm UGM-84 Harpoon.
Hải quân Nhật Bản sẽ điều động tàu ngầm lớp Soryu tới Sydney vào tháng tới và tham gia một cuộc tập trận chung với Hải quân và Không quân Úc, qua đó đẩy mạnh cơ hội giành được thỏa thuận quốc phòng lớn với nước này.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.