Bên lối vào là ụ đóng tàu đánh cá ngừ đại dương với chiếc cần cẩu gần 300 tấn cao sừng sững.
Đi đến đâu chúng tôi cũng thấy những ánh chớp chói lóa phát ra từ những mũi hàn tựa những bông hoa rực sáng. Phía sát mép sông, gần chục con tàu đang gấp rút hoàn thành.
Cả nhà máy là một không gian nhộn nhịp, sôi động bởi tiếng máy, tiếng búa xen lẫn những âm thanh leng keng va chạm của sắt thép...
Đột phá về nguồn nhân lực và kỹ thuật
Dẫn chúng tôi đi tham quan nhà máy, Trung tá Trương Huy Ngụ, Chính ủy nhà máy giới thiệu:
Trước yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, những năm qua, nhà máy đã nỗ lực đổi mới, tạo đột phá mạnh mẽ về nguồn nhân lực chất lượng cao và máy móc, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại.
Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị đóng và sửa chữa tàu quân sự, nhà máy đã xác định hướng đi phù hợp với tình hình thực tiễn, chú trọng đầu tư xây dựng chiến lược con người, luân phiên cử cán bộ, công nhân viên đi học tập ở những nước có nền công nghiệp đóng tàu tiên tiến như: Nga, Pháp, Xin-ga-po, Thụy Điển...
Dấu ấn đáng kể trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực là chương trình đào tạo đội ngũ kỹ sư thiết kế công nghệ và thợ hàn đạt chứng chỉ đăng kiểm Burreau Veritas (chứng chỉ BV) của Cộng hòa Pháp và chứng chỉ đăng kiểm của Mỹ (chứng chỉ ABS) để phục vụ đóng tàu bằng kim loại nhẹ.
Sau nhiều năm tuyển chọn, đào tạo, hiện nay nhà máy có đội ngũ cán bộ trình độ chuyên môn cao, công nhân lành nghề đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ với hơn 80 thợ hàn đạt chứng chỉ BV, hàng chục thợ hàn đạt chứng chỉ ABS.
Đến nay, nhà máy có nguồn nhân lực chất lượng cao với 8 thạc sĩ, 110 cán bộ có trình độ đại học, 147 thợ bậc cao. Từ đầu năm 2015 đến nay, nhà máy đã có 58 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, làm lợi hơn 12 tỷ đồng.
Cùng với chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhà máy còn chú trọng đầu tư nhiều dự án nhằm hiện đại hóa công nghệ, tăng năng lực đóng mới và sửa chữa tàu.
Hàng loạt hạng mục được đầu tư và đưa vào sử dụng như: Ụ tàu 5.000 tấn, dự án xây dựng cầu tàu 10.000 tấn giai đoạn 2, sàn nâng tàu 3.000 tấn... kịp đưa vào phục vụ cho việc hạ thủy tàu tên lửa an toàn tuyệt đối, đầu tư nâng tầng nhà nghiên cứu công nghệ thiết kế đóng tàu, dây chuyền sơ chế tôn vỏ…
Việc đầu tư đưa vào sử dụng cần cẩu 240 tấn (gấp 9 lần cần cẩu cũ) đã tạo bước đột phá mạnh mẽ trong công nghệ đóng tàu hiện đại.
Đây là loại cần cẩu có thể cẩu được các siêu tổng đoạn, do vậy việc đóng và sửa chữa tàu có nhiều thuận lợi, tăng năng suất, đấu ráp nhanh, giảm chi phí và đẩy nhanh tiến độ thi công.
Tổng vốn đầu tư năm 2015 của nhà máy đạt hơn 47,7 tỷ đồng, lũy kế giá trị thực hiện đầu tư đến nay đạt hơn 377,667 tỷ đồng.
Những con tàu mang thương hiệu X51
Hiện nay, Nhà máy X51 là một trong những đơn vị hàng đầu trong đóng mới, sửa chữa tàu biển của cả nước.
Từ chỗ chỉ sửa chữa những hạng mục đơn giản ở những con tàu nhỏ, đến nay nhà máy đã có đủ năng lực để sửa chữa, làm chủ những hạng mục đòi hỏi kỹ thuật rất cao.
Nhà máy đã đóng mới thành công những con tàu hiện đại như: Tàu tìm kiếm cứu hộ 2000, tàu kiểm ngư 1482A-B-C và hiện đang đóng tàu tuần tra kết hợp tìm kiếm, cứu nạn FC624...; liên danh, liên kết cùng các đối tác trong và ngoài nước đóng mới các tàu lớn, hiện đại như: Tàu chở dầu 3.800 tấn, tàu đánh cá ngừ đại dương 5.000 tấn...
Tận dụng năng lực hiện có, nhà máy tham gia sản xuất làm dịch vụ phục vụ đóng mới, sửa chữa tàu biển cho các đơn vị trong nước và liên danh với nước ngoài.
Năm nay, nhà máy đã thực hiện xong hợp đồng sửa chữa 7 tàu kinh tế, đang đóng mới 5 tàu đánh cá ngừ đại dương trọng tải hơn 5.000 tấn, trị giá mỗi tàu khoảng 80 triệu USD, có trang thiết bị đánh bắt và bảo quản hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.
Công ty Pirou Việt Nam (trước là Công ty Seas của Cộng hòa Pháp) coi Nhà máy X51 là đối tác có trình độ, công nghệ kỹ thuật cao, có tinh thần trách nhiệm, đủ năng lực đóng mới thêm những loạt tàu Seas hiện đại.
Tháng 6 vừa qua, sự kiện Nhà máy X51 hạ thủy thành công tàu tuần tra kết hợp tìm kiếm, cứu nạn xa bờ chiếc số 1 (số hiệu thiết kế FC624-01) như một minh chứng cho năng lực, trình độ, kỹ thuật của những người lính thợ trong công nghệ đóng tàu hiện đại.
Đại úy Phạm Văn Cương, Phó trưởng phòng Thiết kế công nghệ cho biết: Tàu FC624 do nhà máy đóng có lượng giãn nước 700 tấn, tốc độ lớn nhất 25 hải lý/giờ, chịu được sóng cấp 8-9.
Vật liệu thân vỏ tàu làm bằng thép cường độ cao, hệ thống ống nước biển là loại vật liệu mới được áp dụng trong ngành đóng tàu tại nước ta.
Tàu còn được trang bị sàn tiếp cận trực thăng với thiết kế thỏa mãn quy phạm Bureau Veritas (BV-Cộng hòa Pháp) cho cấp không hạn chế.
Thời gian đi biển của tàu 15 ngày với quãng đường hành trình liên tục 4.200 hải lý. Tàu FC624 còn có thể tham gia tìm kiếm, cứu nạn quốc tế khi có yêu cầu do tàu được trang bị hệ thống thông tin liên lạc chuẩn quốc tế.
Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân, khẳng định: Nhà máy X51 là nơi đi đầu trong đóng mới và sửa chữa tàu biển.
Việc hạ thủy thành công tàu FC624-01 với công nghệ hiện đại và phức tạp là cơ sở vững chắc tạo nên sự tự tin của nhà máy, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.
40 năm kể từ khi thành lập, do có những thành tích đặc biệt xuất sắc, Nhà máy X51 đã 4 lần được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng nhất, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba.
Đặc biệt, năm 2013, nhà máy được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân; năm 2015, nhà máy tiếp tục được tặng Huân chương Quân công hạng nhì.