Trước đó, ngày 22.5, hãng sản xuất tên lửa Buk, Almaz Antey đã nộp đơn kháng cáo lên Toà án Công lý Châu Âu chống lại lệnh trừng phạt của EU với công ty.
Lệnh trừng phạt đối với Almaz Antey và một số công ty quốc phòng khác của Nga được đưa ra ngay sau khi máy bay MH-17 của Malaysia Airlines bị bắn hạ ở miền đông Ukraina ngày 17.7.2014, làm toàn bộ 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Buổi họp báo dự kiến diễn ra tại Mátxcơva trong ngày hôm nay, nhằm giải thích chi tiết của vụ kháng cáo và cung cấp bằng chứng.
Giám đốc điều hành Almaz Antey, ông Yan Novikov, dự kiến sẽ công bố thông tin với báo chí, chứng minh việc EU đưa công ty vào danh sách trừng phạt là vô lý.
"EU không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào cho thấy chúng tôi tham gia vào việc gây bất ổn ở Ukraine" - ông Novikov nói trước đó.
Các nhà điều tra Hà Lan cho biết, MH-17 bị bắn hạ khi đang bay qua vùng chiến sự gần Donetsk.
Tuy nhiên, họ chưa công bố ai là người chịu trách nhiệm vụ thảm kịch, bởi vào thời điểm đó, quân chính phủ Ukraina chiến đấu với lực lượng ly khai ở miền đông nước này.
Giới chức Ukraine và phương Tây đổ lỗi cho phe ly khai Donetsk bắn hạ máy bay bằng tên lửa Buk do Nga cung cấp. Tuy nhiên, phe ly khai bác bỏ cáo buộc này.
Nga đồng thời nhiều lần cảnh báo, chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng cho đến khi nào cuộc điều tra kết thúc.
Buk là một trong những hệ thống tên lửa do công ty nhà nước Almaz Antey sản xuất. Công ty này cũng chế tạo S-300, S-400, S-500 và hệ thống Topol.