Nga dùng xe tăng Ukraine làm đối tượng thử tên lửa Hermes?

Tuấn Trung |

Một số bức ảnh chụp tại miền Đông Ukraine cho thấy có vẻ như tên lửa đa năng thế hệ mới nhất của Nga là Hermes đã được thực chiến tại đây.

Tên lửa Hermes
Tên lửa Hermes

Hermes là tên lửa đa năng thế hệ mới nhất của Nga, có thể sử dụng để chống lại xe tăng, xe thiết giáp, máy bay và thậm chí là cả tàu thuyền cỡ nhỏ.

Đầu đạn tên lửa Hermes là loại phá mảnh với chế độ "Top attack", tức là từ bên trên tấn công đột nóc vào nơi xe tăng có vỏ giáp mỏng nhất.

Cơ chế hoạt động của Hermes như sau: Radar (hay UAV) sục sạo, tìm kiếm mục tiêu. Sau đó tên lửa được phóng đi với tốc độ 1.300 m/s, bay đến khu vực đã định và tự tìm kiếm đối tượng tấn công ở đó.

Khi xác định được tọa độ của mục tiêu và vector chuyển động (đối với trực thăng còn thêm cả độ cao), tên lửa Hermes ngóc lên cao, sau đó lao bổ nhào thẳng đứng xuống, không để mục tiêu có cơ hội trốn thoát.

Uy lực của phần chiến đấu phá mảnh có trọng lượng 30 kg TNT, cộng thêm động năng làm nó tương đương một quả bom nặng 250 kg trút xuống đầu đối phương.

Hệ thống Hermes có một số biến thể: Hermes lắp trên xe bánh lốp dành cho lục quân; Hermes-A để trang bị cho cường kích Su-39 và trực thăng Mi-35/17 và Kа-52.

Ngoài ra còn có biến thể Hermes-K dùng để lắp cho các tàu/xuồng nhỏ; Hermes-S là biến thể cố định dùng để phòng thủ bờ biển.

Mỗi cường kích và trực thăng mang được đến 8 tên lửa. Tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Hermes-S mang được tới 24 quả.

Với biến thể Hermes-K, do đối tượng tác chiến có kích thước lớn nên xạ thủ có thể tận dụng khí tài quan sát video để xác định xem có phải bắn lại không.

Tên lửa Hermes-K đủ sức đánh chìm một tàu nhỏ có lượng giãn nước 100 tấn, còn với tàu lớn thì có thể bắn vào các tử huyệt của nó (khoang chứa đạn, buồng chỉ huy...).

Radar và hệ thống quang điện tử với các kênh truyền hình và ảnh nhiệt, khí tài laser chỉ thị mục tiêu/đo xa và thiết bị tự động bám mục tiêu cho phép sử dụng Hermes suốt ngày đêm. Tức là chỉ cần phát hiện, bấm nút “bắt”, sau đó nhấn nút “phóng” và quên!

Tên lửa Hermes hiện vẫn chưa được chính thức chấp nhận đưa vào biên chế quân đội Nga, tuy nhiên một số bức ảnh chụp tại miền Đông Ukraine cho thấy xe tăng T-64BM Bulat có thể đã trở thành nạn nhân của nó.

Tháp pháo của một chiếc xe tăng Bulat được cho là đã bị trúng đòn tấn công từ trên nóc

Một chiếc xe tăng T-64 khác của Ukraine

Vỏ đạn tên lửa được tìm thấy tại hiện trường, bộ phận này rất giống tầng khởi tốc của tên lửa Hermes

Bên cạnh đó, giáp phản ứng nổ thế hệ mới nhất của Ukraine là Nozh cũng đã chứng minh được tác dụng trong cuộc chiến, nó đã cứu giúp nhiều xe tăng thoát khỏi việc bị tiêu diệt.

Một chiếc T-64BM2 của Vệ binh quốc gia Ukraine bị trúng tên lửa chống tăng, 2 module giáp phản ứng nổ Nozh đã làm việc, giáp chính không bị xuyên, xe không mất khả năng chiến đấu và trở về sửa chữa

Cận cảnh một chiếc xe tăng khác cũng sống sót nhờ giáp phản ứng nổ Nozh

Nozh là thế hệ giáp phản ứng nổ (ERA) mới nhất do Ukraine nghiên cứu chế tạo.

Sự khác biệt cơ bản giữa Nozh với các kiểu ERA hiện có là luồng phụt theo dạng phẳng của các module giáp phản ứng nổ sẽ cắt phá luồng xuyên lõm hoặc làm lệch hướng thanh xuyên của đầu đạn dưới cỡ bắn vào xe, nhờ đó làm giảm độ sâu xuyên giáp của đạn.

Ưu điểm nổi trội của Nozh là thời gian phản ứng nhanh, bảo vệ hiệu quả và có độ tin cậy cao trước các loại đạn chống tăng, kể cả khi góc chạm của đạn vuông góc với thân xe và tháp pháo.

Module ERA Nozh có kết cấu không tháo rời, hoạt động không cần cơ cấu kích nổ đặc biệt, không đòi hỏi yêu cầu chuẩn bị sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa; không tự kích nổ khi bị trúng đạn súng bộ binh, mảnh bom pháo, hỗn hợp cháy.

Nozh có thể lắp thay thế các module giáp phản ứng nổ 4C20, 4C22 (do Nga sản xuất) với tỷ lệ 1:2, hiệu quả bảo vệ tăng 1,8 - 2,7 lần so với 4C22; giảm số lượng mảnh văng khi nổ, lắp đặt đơn giản, giá thành thấp.

Bố trí giáp Nozh trên tháp pháo xe tăng T-84 Oplot
Bố trí giáp Nozh trên tháp pháo xe tăng T-84 Oplot

Module Nozh có kết cấu đặc biệt để chống lại các kiểu đạn tốc độ siêu cao, gồm các thỏi thuốc nổ hình trụ tiết diện chỏm cầu có vỏ bọc và được sắp xếp theo góc tính toán trong một hộp kín.

Các thỏi thuốc nổ được cố định bằng những thanh nẹp, phía dưới có đệm giảm chấn. Rãnh lõm của thỏi thuốc nổ được làm tương tự như lượng nổ tạo hình của đầu đạn lõm, độ sâu rãnh lõm nằm trong khoảng 0,333 - 1,83 bán kính hình cầu của tiết diện thỏi thuốc nổ.

Các tham số cơ bản của thỏi thuốc nổ đặc trưng cho tính hiệu quả phá hủy luồng phụt của hiệu ứng xuyên lõm gồm khối lượng thuốc nổ phân hủy, tốc độ phân hủy và chiều dài của luồng phụt.

Những tham số này được tối ưu hóa theo vị trí cần bảo vệ của xe tăng và chống được các đầu đạn chống tăng phổ biến nhất hiện nay.

Trong mỗi module chứa 7 thỏi thuốc nổ, chúng được xếp thẳng hoặc nghiêng dưới một góc nào đó phụ thuộc vào cách bố trí module giáp để bảo vệ bề mặt ngang hay thẳng đứng của thân xe hoặc tháp pháo. Kích thước module: 245 x 120 x 36 mm.

Sơ đồ kết cấu module và thỏi thuốc nổ của giáp phản ứng nổ Nozh
Sơ đồ kết cấu module và thỏi thuốc nổ của giáp phản ứng nổ Nozh
Sơ đồ kết cấu module giáp phản ứng nổ Nozh chống đạn xuyên lõm 2 tầng
Sơ đồ kết cấu module giáp phản ứng nổ Nozh chống đạn xuyên lõm 2 tầng

Khi module giáp Nozh bị trúng đạn xuyên lõm, luồng xuyên của đạn tác động vào một trong những thỏi thuốc nổ và hiệu ứng nổ của nó bắt đầu tác động vào luồng xuyên của đầu đạn.

Sơ đồ nguyên lý hoạt động của module Nozh
Sơ đồ nguyên lý hoạt động của module Nozh

Do sản phẩm nổ và sóng nổ sẽ kích hoạt các thỏi thuốc nổ kế tiếp, tạo ra các luồng phụt kế tiếp nhau tác động cắt phá liên tục, làm phân rã luồng xuyên hoặc làm lệch hướng thanh xuyên của đầu đạn tấn công, nhờ đó xe tăng được đảm bảo sống sót trước các đòn tấn công.

Tính năng kỹ thuật của một số kiểu giáp phản ứng nổ điển hình

Tính năng kỹ thuật của một số kiểu giáp phản ứng nổ điển hình

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại