Tính năng ưu việt của tàu tuần tra/hộ tống đề án 22160
Trong khuôn khổ triển lãm IMDS-2015 vừa qua tại St. Petersburg (Nga), nhà máy đóng tàu Zelenodolsk (nơi đóng các chiến hạm Gepard cho Hải quân Việt Nam) đã giới thiệu nhiều mẫu tàu chiến khác nhau đến các quan khách tham dự.
Đoàn đại biểu Hải quân Nhân dân Việt Nam cũng đã tham quan gian hàng của Zelenodolsk và được nghe giới thiệu về một số mẫu tàu chiến do nhà máy trưng bày, trong đó có tàu tuần tra/hộ tống tàng hình mới nhất của Nga, đề án 22160.
Đoàn đại biểu Hải quân Nhân dân Việt Nam tại gian hàng của nhà máy đóng tàu Zelenodolsk ở triển lãm IMDS-2015, bên cạnh là mô hình tàu tuần tra/hộ tống thuộc đề án 22160.
Tàu tuần tra/hộ tống thuộc đề án 22160 được thiết kế bởi Viện thiết kế phương Bắc và thi công tại nhà máy đóng tàu Zelenodolsk.
Mẫu tàu này thích hợp với nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ vùng lãnh hải tại cả vùng biển mở và biển kín, tiến hành chống buôn lậu, chống hải tặc, cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp xảy ra thiên tai và làm nhiệm vụ bảo vệ các biên đội tàu cũng như cảng biển trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Đại diện nhà máy Zelenodolsk giới thiệu tàu tuần tra/hộ tống thuộc đề án 22160 cho các quan chức Hải quân Nga tại IMDS-2015.
Thông số cơ bản: chiều dài 94 m, rộng 14 m, lượng giãn nước 1.300 - 1.700 tấn (tùy theo trang bị), động cơ của tàu có công suất 25.000 kW, cho tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ, tầm hoạt động lên đến 6.000 hải lý khi chạy ở tốc độ 16 hải lý/giờ, dự trữ hành trình 60 ngày.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt của đề án 22160 lại nằm ở vũ khí trang bị có thể tùy biến theo nhiệm vụ.
Cấu hình các tàu 22160 đang đóng cho Hải quân Nga thiên về nhiệm vụ tuần tra, do đó tàu chỉ được vũ trang vừa phải gồm 1 pháo hạm AK-176MA, súng máy hạng nặng 12,7 mm và tên lửa phòng không Igla.
Bên cạnh đó, nhà máy đóng tàu Zelenodolsk cũng giới thiệu biến thể tàu hộ tống thuộc đề án 22160.
Ở phiên bản này, tàu được trang bị vũ khí khá mạnh gồm: 1 pháo hạm A-220M cỡ nòng 57 mm (đây là mẫu pháo hạm mới nhất do Nga thiết kế và chưa được trang bị trên bất kỳ tàu chiến nào của hải quân nước này).
Pháo A-220M có tốc độ bắn lên đến 300 phát/phút, tầm bắn thẳng tối đa 8 km và 12 km khi bắn cầu vồng, bệ pháo có khối lượng 6 tấn và mang theo 400 viên đạn.
Cận cảnh vị trí lắp pháo A-220M và ống phóng thẳng đứng của tên lửa phòng không Shtil.
Vị trí lắp đặt 2 container Klub-K sau đuôi tàu.
Tên lửa phòng không Igla ở phiên bản tàu tuần tra có thể được thay thế bằng 2x8 ống phóng thẳng đứng cho tên lửa phòng không Shtil bố trí phía sau pháo chính.
Ngoài ra còn có 2 container chứa tên lửa Klub-K (với tổng cộng 8 tên lửa) lắp đặt phía sau đuôi tàu, vị trí này khi bình thường sẽ được che lại và mở ra để các ống phóng tên lửa dựng thẳng đứng khi tác chiến.
Kiểu thiết kế này sẽ linh hoạt hơn khi trang bị tên lửa Klub trên tàu, do ống phóng của loại tên lửa này có chiều cao hơn 9 m, khiến việc lắp thẳng đứng trực tiếp sẽ yêu cầu thân tàu phải làm cao hơn.
Các mô hình tàu tuần tra/hộ tống đề án 22160 trưng bày tại diễn đàn Army-2015 với 2 vị trí sàn đáp trực thăng khác nhau.
Khí tài chống ngầm trên tàu gồm thiết bị thủy âm gắn vào thân MGK-335EM, thiết bị thủy âm kéo dây Vignette-EM, ngư lôi cỡ 324 mm, thiết bị chống người nhái DP-65 (các loại vũ khí này có thể lắp đặt theo yêu cầu của khách hàng).
Trên tàu cũng có sàn đáp và nhà chứa cho trực thăng săn ngầm Ka-27, vị trí sàn đáp có 2 phương án bố trí: ngay tại cửa mở cho 2 container Klub-K hoặc nằm ở phía trước khu vực này.
"Mắt thần" của tàu gồm có radar cảnh giới Positiv-ME, radar dẫn đường hàng hải Pal-N và 2 radar điều khiển hỏa lực 3S90E.1 (nếu như tàu được trang bị tên lửa phòng không Shtil).
Tàu tuần tra/hộ tống đề án 22160 có phù hợp với Việt Nam?
Hiện tại, Hải quân Nga đã đặt hàng đóng 6 tàu tuần tra/hộ tống thuộc đề án 22160 và 2 chiếc đang được thi công tại nhà máy Zelenodolsk.
Với Hải quân Nhân dân Việt Nam thì lúc này trong đội tàu mặt nước của chúng ta, các tàu có khả năng mang theo tên lửa chống hạm phần lớn có lượng giãn nước 550 tấn (như tàu tên lửa lớp Molniya) trở xuống cùng 2 khinh hạm Gepard có lượng giãn nước 2.100 tấn.
Tàu tên lửa như Molniya tuy có ưu điểm hỏa lực mạnh, nhỏ, gọn, tốc độ cao nhưng đây cũng đồng thời là nhược điểm khi nó không thể hoạt động dài ngày cũng như hạn chế về dự trữ hành trình và cấp sóng hoạt động.
Khinh hạm Gepard tuy có ưu điểm là tàu lớn nên khả năng vươn xa, hoạt động dài ngày tốt nhưng chi phí đóng tàu và vận hành lại khá cao.
Vì vậy, việc bổ sung các tàu có lượng giãn nước trên 1.000 tấn sẽ đảm bảo dung hòa các yếu tố nói trên.
Tàu hộ tống thuộc đề án 22160 với hỏa lực khá tốt sẽ đủ sức đảm trách những nhiệm vụ tác chiến quan trọng và đảm bảo sự hiện diện tại các vùng biển xa bờ như quanh khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, kể cả trong điều kiện thời tiết biển động.