Theo tờ Izvestia, trong số thiết bị quân sự được phân kim, ngoài MiG-21, MiG-23, Su-22M và Su-24, còn có mẫu bay thử nghiệm đầu tiên của oanh tạc cơ chiến lược Tu-160, oanh tạc cơ Tu-22M đầu tiên và một vài chiếc Tu-22M3. Kế hoạch phân kim các máy bay nói trên dự kiến sẽ được tiến hành trong 2 năm tới.
Hiện tại, mẫu bay thử đầu tiên của Tu-160 đang được cất tại kho của Viện nghiên cứu hàng không Gromov ở Zhukovsky, gần Moscow. Trong khi đó, chiếc máy bay ném bom Tu-22M đầu tiên được sản xuất trong những năm 1970 đang nằm tại một ngôi làng ở Irkutsk.
Trong danh sách các chiến đấu cơ được chuyển đi phân kim còn có một vài chiếc tiêm kích MiG-29, Su-27. Bên cạnh đó, còn có máy bay do thám An-26RT, hiện nằm tại sân bay thành phố Chita.
Danh sách các trực thăng được chuyển đi phân kim lần này gòm chiếc trực thăng tấn công Mi-24 đầu tiên, trực thăng do thám Mi-24R và một chiếc trực thăng vận tải Mi-6.
Nhiều nhất trong diện phân kim lần này là máy bay ném bom Su-24 (103 chiếc), máy bay huấn luyện-chiến đấu L-39 (28 chiếc), vận tải cơ hạng nhẹ An-28 (28 chiếc), tiêm kích đánh chặn MiG-31 (23 chiếc).
Còn với trực thăng, chiếm số lượng nhiều nhất là Mi-24 (51 chiếc), Mi-8 (87 chiếc). Tổng cộng sẽ có 283 chiến đấu cơ và 139 trực thăng được đưa vào lò mổ.
Các máy bay bị "xẻ thịt" lần này đều đã bị loại khỏi lực lượng vũ trang Nga, phần lớn đã hết niên hạn sử dụng và được thay thế bằng các loại máy bay mới.
Theo tính toán, từ một máy bay trực thăng Mi-8, sau khi phân kim có thể thu được 1,1 tấn kim loại đen, 2,1 tấn kim loại màu, 16 gam bạc, 810 gam vàng và 3 gam bạch kim; Khi “xẻ thịt” một chiếc Tu-22M3 có thể thu được 10 tấn sắt và 31 tấn kim loại màu, 700 gam vàng, 160 gam bạch kim và 15 kg bạc.
Sau khi hoàn tất việc phân kim máy bay cũ, Bộ Quốc phòng Nga sẽ được nhận lại các khối kim loại đen, kim loại màu và kim loại quý hiếm có thể sử dụng trong quá trình chế tạo máy bay, trực thăng mới.