Thông tin trên do tờ Defense News (Mỹ) đưa tin hôm 31/5.
Thông tin được đài truyền hình Phượng Hoàng (có trụ sở đặt tại Hồng Kông) và sau đó được nhiều phương tiện truyền thông dẫn lại rằng người đứng đầu tập đoàn Sukhoi, Mikhail Pogosyan xác nhận thương vụ bán các máy bay Su-35S và S-400 cho Trung Quốc đang gần hoàn tất.
Tuy nhiên, Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (UAC) đã phủ nhận điều này và cho biết ông Pogosyan không hề thảo luận bất cứ vấn đề nào ngoài việc ngỏ ý muốn cung cấp các máy bay thương mại trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua.
Ông Maxim Syssoev, giám đốc bộ phận truyền thông của UAC viết trong một thông báo cho biết ông Pogosyan không hề thảo luận về việc cung cấp các máy bay Su-35 với các quan chức Trung Quốc. Tuy nhiên, UAC và Tập đoàn hàng không thương mại thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã ký kết về việc hợp tác chế tạo máy bay thương mại tầm xa vào hôm 20-05.
Ông Vasily Kashin, một nhà nghiên cứu từ Trung tâm phân tích Chiến lược - Công nghệ tại Moscow cho biết điều này không có nghĩa rằng thỏa thuận mua bán các máy bay chiến đấu đã kết thúc, chỉ có điều đến nay vẫn chưa có bất kỳ điều khoản nào được thông qua.
"Như tôi hiểu thì thỏa thuận về việc cung cấp các máy bay Su-35 và hệ thống S-400 sẽ được đẩy nhanh nhờ việc Trung Quốc và Nga hiện đang tăng cường thắt chặt mối quan hệ chiến lược sau sự kiện ở Crimea. Tuy nhiên, nếu xét về thời gian sản xuất thì các hệ thống S-400 sẽ không thể đến Trung Quốc trước năm 2016," ông cho biết.
Hệ thống phòng không S-400.
Defense News nhận định, cho dù các thỏa thuận này được ký kết ngay hôm nay hay thậm chí là năm sau đi nữa thì nó cũng sẽ trực tiếp đe dọa đến Đài Loan cũng như khả năng phòng thủ của Nhật Bản tại khu vực quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Hệ thống S-400 với tầm bắn lên đến 400km có khả năng tiêu diệt bất kỳ máy bay nào bay trên lãnh thổ Đài Loan. Điều này sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát không phận Đài Loan nếu có chiến tranh xảy ra. Hiện tại hệ thống S-300 của Trung Quốc chỉ có thể bao trùm một phần không phận nhỏ của Đài Loan ở vùng biển phía Tây Bắc.
Đài Loan đang phải đối mặt với một số lượng lớn máy bay chiến đấu thế hệ cũ trong biên chế. Hiện nay, Đài Loan vẫn còn đang duy trì 50 máy bay F-5 và 55 máy bay Mirage-2000 vốn sẽ bắt đầu nghỉ hưu trong vòng 10 năm tới, còn lại là 126 máy bay do Đài Loan chế tạo và 144 máy bay F-16A/B. Đài Loan đang nâng cấp số máy bay F-16 này nhưng vẫn muốn Mỹ cung cấp thêm 66 máy bay F-16C/D vốn bị trì hoãn từ năm 2006.
Phía Mỹ có thể đáp trả lại điều này bằng việc bán cho Đài Loan các động cơ GE F404 hoặc F414 để Đài Loan trang bị trên các máy bay nội địam giúp các máy bay của họ có thể cất cánh được trên đường băng ngắn và có khả năng bay siêu âm.
Theo Richard Fisher, chuyên gia tại Trung tâm đánh giá và chiến lược quốc tế có trụ sở tại Mỹ: "Với vận tốc cao và độ cơ động cao, một siêu máy bay IDF (máy bay chiến đấu nội địa của Đài Loan) có thể giúp phát triển các chiến thuật lẩn tránh hệ thống phòng không của Trung Quốc và sau đó tấn công các máy bay của họ."
Trung Quốc hiện đang sở hữu các hệ thống phòng không S-300 và HQ-9. Việc Bắc Kinh sở hữu hệ thống S-400 cùng công nghệ đi kèm sẽ khiến các quốc gia trong khu vực phải quan ngại.
"Điều này đã được dự kiến từ lâu, tập đoàn Almaz Antey (nơi chế tạo các hệ thống S-300 và S-400) sẽ sử dụng tiền bán vũ khí cho nước ngoài để phát triển các dự án thế hệ mới," ông Fisher cho biết.
"Almaz Antey đã chuyển giao công nghệ của hệ thống S-300 giúp Trung Quốc phát triển hệ thống phòng không thế hệ 4 HQ-9 của mình. Có thể dự đoán được rằng trong tương lai họ sẽ bán công nghệ S-400 cho Trung Quốc phát triển các thế hệ tiếp theo," ông cho biết thêm.
S-400 tiêu diệt mục tiêu trong đêm
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA