NATO không đủ tiền để mua lại 2 tàu Mistral của Nga

Tuân Việt |

Ngân sách năm 2014 của NATO không thể đáp ứng yêu cầu mua lại các tàu sân bay trực thăng Mistral mà Pháp chế tạo cho Hải quân Nga.

Một nguồn tin quân sự tại Brussels cho biết rằng ngân sách của NATO còn lại trong năm 2014 không đủ để mua lại các tàu sân bay trực thăng Mistral mà Pháp chế tạo cho Hải quân Nga.

"Ngân sách của liên minh không đủ để mua lại các tàu chiến này, thậm chí là không đủ để bồi thường một nửa số tiền phạt hợp đồng mà Pháp sẽ phải chịu" - trích lời TASS .

Nguồn tin cũng cho biết rằng ngân sách quân sự và dân sự của NATO còn lại đến hết năm 2014 là 1,6 tỷ USD, trong khi khoản phạt hợp đồng dành cho Pháp trong trường hợp không giao tàu Mistral có thể lên đến trên 3 tỷ USD.

NATO sẽ không đủ tiền để mua cả hai chiếc Mistral.

NATO sẽ không đủ tiền để mua cả hai chiếc Mistral.

"Hơn nữa, NATO đơn giản là không có cơ sở để có thể tiếp nhận những chiến hạm Mistral. Hầu như NATO không có các thiết bị quân sự thuộc sở hữu chung của khối, do đó không thể đưa vào hoạt động các máy bay trực thăng NATO trên tàu sân bay này, ngay cả khi họ có đủ tiền." - Nguồn tin cho biết.

Nguồn tin cũng nói thêm rằng về mặt lý thuyết, một số nước NATO có thể thiết lập một quỹ ủy thác nào đó để mua lại con tàu nhằm sử dụng trong nội bộ. Tuy nhiên, việc làm này "là vô nghĩa nếu nhìn từ góc độ quân sự." “Những con tàu loại này chỉ thực sự có ích với hai hoặc ba quốc gia thuộc liên minh. Hơn nữa, các tàu được xây dựng theo tiêu chuẩn Nga và chúng cực kỳ có vấn đề khi phải tương thích với hệ thống của NATO, việc yêu cầu bổ sung các thiết bị sẽ rất đắt tiền."

Trực thăng NATO sẽ không thể hoạt động trên tàu sân bay MIstral sử dụng công nghệ Nga.

Trực thăng NATO sẽ không thể hoạt động trên tàu sân bay MIstral sử dụng công nghệ Nga.

"Nói cách khác, ý tưởng “mua chuộc” con tàu - thực chất chỉ mang ý nghĩa chính trị bởi NATO là một tổ chức có thể không tham gia. Việc làm này về mặt lý thuyết có thể được thực hiện bởi một nhóm các quốc gia không thuộc NATO. Nhưng đó chỉ là trong điều kiện hầu hết các nguồn tài trợ sẽ do Mỹ đảm bảo vì đơn giản là những quốc gia khác hiện không đủ ngân sách quân sự để làm điều này. Thậm chí trong trường hợp có đủ đi nữa thì nguồn ngân sách tất nhiên sẽ được dùng để duy trì quân đội, chi trả tiền lương và mua những trang thiết bị quân sự thực sự cần thiết cho riêng quốc gia đó”.

Hợp đồng cung cấp hai tàu sân bay mang trực thăng Mistral đã được ký kết giữa công ty đóng tàu DCNS của Pháp và Tập đoàn Rosoboronexport của Nga trong năm 2011. Tổng giá trị của hợp đồng là 1,2 tỷ euro (khoảng 1,66 tỷ USD). Ngoài ra, sau khi nhận được hai chiếc Mistral này Nga có thể sẽ mua thêm hai chiếc nữa.

Pháp nhùng nhằng không bán Mistral cho Nga do khủng hoảng ở Ukraine.

Pháp "nhùng nhằng" không giao Mistral cho Nga do khủng hoảng ở Ukraine.

Tuy nhiên trong bối cảnh Washington và các nước thuộc Liên minh châu Âu đã quyết định trừng phạt kinh tế và chấm dứt hợp tác quốc phòng với Moscow vì cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, Pháp đã “nhùng nhằng” trong chuyện bàn giao tàu Mistral cho Nga.

Mới đây, các quan chức Pháp khẳng định do Nga vẫn chưa đáp ứng một số điều kiện để được nhận các chiến hạm Mistral cho nên có khả năng Pháp sẽ lùi thời hạn chuyển giao tàu thêm lần nữa.

Liên quan đến vấn đề này, vào ngày 6/11 Quốc hội Mỹ đã gửi một bức thư cho Tổng thư ký Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO, Jens Stoltenberg, kêu gọi NATO mua lại tàu chở trực thăng lớp Mistral mà Pháp có ý định bán cho Nga.

Sẽ thực sự khó khăn nếu như Pháp tiếp tục nuối thêm hai chiếc Mistral.

Sẽ thực sự khó khăn nếu như Pháp tiếp tục "nuôi" thêm hai chiếc Mistral.

Về phía Nga, các quan chức điện Kremlin khẳng định rằng nếu Paris cương quyết không chịu giao tàu, Moscow sẽ rút tiền đặt cọc đã ứng trước cho DCNS và sử dụng khoản tiền bồi thường phá vỡ hợp đồng “kếch xù” lên tới 3 tỉ USD để tự đóng tàu đổ bộ trực thăng giống như Mistral của Pháp

Như vậy, trong thương vụ Mistral, Pháp đang thực sự tỏ ra vô cùng “bối rối”. Nếu hủy hợp đồng với Nga và Nga rút cáp quang, dỡ phần đuôi tàu mang về nước (những công nghệ của Nga được yêu cầu lắp đặt trên tàu Mistral) thì Pháp sẽ lấy kinh phí ở đâu để tiếp tục xây dựng các con tàu “không còn nguyên vẹn” này? Và nếu đóng xong mà không bán cho Nga, Pháp sẽ lấy gì để nuôi những “miệng ăn” khổng lồ như Mistral, trong trường hợp muốn bán cho một quốc gia khác không phải là Nga thì ai sẽ mua món hàng nhiều “điều tiếng” trên, chưa kể nếu bán được thì số tiền này có đủ bù đắp cho khoản bồi thường phá vỡ hợp đồng gấp đôi ngân sách NATO còn lại trong năm 2014 kia không?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại