Nam Tư 1999: Nga cướp lại được MiG, không cứu được đồng minh

Thiên Nam |

Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin vừa gợi lại sự kiện đáng buồn năm 1999, khi Nga chỉ cứu được vài chục chiếc MiG, nhưng không cứu được đồng minh Nam Tư.

Phó Thủ tướng Nga Rogozin gợi nhớ sự kiện năm 1999

Vừa qua, Belgrade đã gửi yêu cầu tới Moscow về việc mua các hệ thống phòng không của Nga.

Họ có ý định này sau khi láng giềng, trước đây cùng tách khỏi Nam Tư là Croatia tuyên bố mua của Mỹ các bệ phóng tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS, có khả năng triệt hạ mục tiêu ở khoảng cách 300 km.

Theo dữ liệu của Kommersant, về cơ bản giới quân sự Serbia quan tâm đến các hệ thống phòng không tầm trung như Buk, Tor và tầm ngắn như Pantsir-S1. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Serbia dự định bổ sung cho không quân nước mình một số chiến đấu cơ dòng MiG-29.

Ngoài ra, hai bên cũng đã ký thỏa thuận liên chính phủ về hàng loạt lĩnh vực khác nhau như hợp tác kỹ thuật quân sự, hợp tác kinh tế, giáo dục, phòng chống ma túy, an ninh quốc gia…, thể hiện xu hướng tăng cường hợp tác song phương một cách toàn diện.

Theo tin đưa trên báo "Kommersant", đề nghị mua vũ khí của Serbia đang được Liên bang Nga xem xét.

Tuy nhiên, nhiều khả năng là đề nghị này sẽ được chấp thuận bởi trước đó giới chức lãnh đạo Nga, ví dụ như Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin đã nhiều lần đề cập đến cái ô bảo hộ với Serbia.

Thời gian qua, quan hệ giữa Nga và Serbia đang trong giai đoạn hết sức nhạy cảm khi Belgrad tiếp tục nhận những lợi ích từ Nga, đồng thời trong chính quyền nước này đang có luồng tư tưởng theo về với Liên minh châu Âu và đang triển khai ý tưởng này.


Nước Nga đã không làm được gì giúp đồng minh thoát khỏi bị NATO không kích dẫn đến Liên bang Nam Tư tan vỡ

Nước Nga đã không làm được gì giúp đồng minh thoát khỏi bị NATO không kích dẫn đến Liên bang Nam Tư tan vỡ

Trong tình hình đó, ngày 12-1 vừa qua, Phó Thủ tướng phụ trách công nghiệp quốc phòng và hàng không vũ trụ Nga Dmitry Rogozin đã đưa ra những tuyên bố đầy ẩn ý rằng: Một đồng minh quân sự hùng mạnh sẽ có thể bảo vệ Serbia trước “mọi kẻ xâm lược”.

Trong chuyến đi đến Belgrade để tham gia Ủy ban Nga-Serbia về hợp tác kinh tế, ông Dmitry Rogozin đã phát biểu trước truyền thông hai nước rằng, việc có được một đồng minh quân sự hùng mạnh sẽ bảo vệ Serbia trước bất kỳ thế lực xâm lược và không cho phép tái diễn kịch bản 1999.

Ông Rogozin tuyên bố như vậy, khi trả lời cho câu hỏi, liệu Serbia có thể trông đợi sự hỗ trợ của Nga trong trường hợp tái diễn sự kiện bi thảm năm 1999, khi Nam Tư cũ (sau này tách thành Serbia và Montenegro) phải hứng chịu những trận ném bom dữ dội của NATO.

Theo lời phó Thủ tướng Nga, nếu như Nam Tư năm 1999 từng có hệ thống phòng không tiên tiến như S-300, thì hẳn là “đất nước bạn” đã không thể xảy ra thảm kịch khi bị đánh phá tan tành bởi những cuộc không kích của liên quân Mỹ-NATO.

Vị lãnh đạo chính phủ Nga còn nói rõ ràng rằng, "…tất nhiên, Liên bang Nga hiên nay đã không còn như năm 1999.

Nga đã có một Tổng thống khác, và những người nắm quyền trong các cơ cấu quốc gia cũng khác trước”, với ẩn ý là hiện nay Nga cam kết sẽ bảo vệ đồng minh trước bất kỳ mối đe dọa nào.


Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic trong phiên xét xử của Tòa án quốc tế La Haye

Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic trong phiên xét xử của Tòa án quốc tế La Haye

Ông còn lấy ví dụ về việc Lực lượng Hàng không - Vũ trụ nước này đang đánh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria đã chứng tỏ rõ ràng rằng, “Nga đã tiến lên đẳng cấp mới cao hơn và hùng mạnh hơn”, sẵn sàng bảo vệ đồng minh trước bất cứ mối đe dọa nào.

Ẩn ý của ông Rogozin là nói về sự kiện Nga đã không thể làm gì để giúp Nam Tư trong sự kiện tan rã của Liên bang này sau năm 1999. Khi đó, Mỹ và NATO đã tiến hành chiến dịch không kích, phá nát nước này trong giai đoạn từ tháng 3 đến đầu tháng 6-1999.

Chính quyền Nga của Tổng thống Boris Yeltsin khi đó đã không giúp được đồng minh thân thiết thoát khỏi “kiếp nạn”.

Chỉ khi mọi sự đã ngã ngũ, Moscow mới cử 1 phân đội đặc nhiệm cấp tốc đánh chiếm trước sân bay quốc tế Pristina - thủ phủ của Kosovo với dụng ý riêng của mình. Với cam kết mới nhất này, Nga đã đưa ra một thông điệp rõ ràng là:

Nếu Serbia theo Nga, sẽ không có bất cứ kẻ thù nào bắt nạt được quốc gia này và hai nước sẽ không bao giờ phải chứng kiến sự kiện đáng buồn năm 1999, khi Nga buộc phải tung đặc nhiệm đánh chiếm sân bay quốc tế Pristina.

Tháng 6-1999, Nga chiếm sân bay Pristina làm gì?

Vào đêm 11 rạng sáng ngày 12- 6-1999, Nga đã triển khai 200 lính dù tiến hành một cuộc đột kích bí mật chớp nhoáng xuống sân bay Slatina ở phía bắc Pristina - thủ phủ của Kosovo), cấp tốc đánh chiếm sân bay quốc tế này trước sự ngỡ ngàng tột độ của NATO.

Cuộc hành quân của quân đổ bộ đường không hỗn hợp Nga bằng các phương tiện cơ giới, di chuyển về phía biên giới của Bosnia và Nam Tư, vượt qua 500 km đường bộ. Khi quân đội NATO rầm rộ tới giải giáp thì sân bay này đã dày đặc lính Nga.

Trước sự kiện chỉ trong một đêm, sân bay Slatina (thường gọi là sân bay quốc tế Pristina) xuất hiện đầy lính dù thiện chiến của Nga, với trang bị vũ khí tận răng, đã đặt các tướng lĩnh NATO trước “sự đã rồi”.

Theo bài tường thuật số ra ngày Thứ hai - 2-8-1999 của tờ Newsweek, ngay sau khi biết tin quân Nga chiếm sân bay, tướng Mỹ Wesley Clark - Tư lệnh NATO tại châu Âu, trực tiếp chỉ huy lực lượng NATO đánh chiếm Kosovo đã ngay lập tức ra lệnh cho 2 viên tướng dưới quyền hành động chống lại quân Nga.

Trước tiên, tướng Clark đã ra lệnh triển khai một cuộc nhảy dù để đánh bật quân Nga ra khỏi sân bay, nhưng chỉ huy lục quân của NATO là tướng Mike Jackson của Anh đã từ chối, bởi ông không muốn tuân lệnh viên tướng Mỹ để trở thành “người châm ngòi cho Thế chiến 3”.

Tướng Wesley Clark sau đó liên lạc với Đô đốc James Ellis Jr., chỉ huy quân NATO ở mặt trận phía Nam, ra lệnh ông này dùng trực thăng đậu xuống đường băng của sân bay Pristina, để ngăn máy bay cất cánh, nhưng ông này cũng từ chối, vì sợ "một đốm lửa có thể biến thành cháy rừng”.


Tướng Mỹ Wesley Clark - Tư lệnh NATO tại châu Âu đã trực tiếp chỉ huy lực lượng NATO đánh chiếm Kosovo

Tướng Mỹ Wesley Clark - Tư lệnh NATO tại châu Âu đã trực tiếp chỉ huy lực lượng NATO đánh chiếm Kosovo

Tướng Clark gọi về Washington xin chỉ thị, hậu thuẫn cho việc ép các chỉ huy NATO tuân theo, nhưng ông chủ Nhà Trắng, lúc đó là Tổng thống Bill Clinton đã không dám đưa ra quyết định, trong khi tướng Jackson của Anh được London ủng hộ hết mình.

Tờ Newsweek còn cho biết, tướng Clark ngay từ đầu đã có mâu thuẫn với Nhà Trắng về kế hoạch tác chiến ở Nam Tư.

Vị tướng này đã dự định đánh luôn vào trung tâm thành phố Belgrade và phá hủy các hệ thống điện ngay từ đầu tháng 3, chứ không đánh lan man ngoài xa.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được phê duyệt và quân đội Serbia chỉ chịu nhận mọi điều kiện vào tháng 5, khi cuộc oanh kích càng ngày càng dữ dội và họ khó có khả năng chống trả thêm nữa.

Sau biến cố này, đã phải rời cương vị của mình, nhiều tháng trước khi hết hạn nhiệm kỳ, bất kể là ông đã chiến thắng ở Kosovo mà không làm thiệt mạng một người lính nào.

Ban đầu, các nhà phân tích cho rằng, sự kiện Nga đổ bộ xuống sân bay này ở vào thời điểm chiến tranh Nam Tư đã kết thúc là nhằm khẳng định sự can dự của Moscow, thể hiện sự “quan tâm sâu sắc” đến khu vực Balkan và làm chỗ dựa để mặc cả với NATO.

Tuy nhiên, 10 năm sau sự kiện này, những tiết lộ về cuộc đột kích chớp nhoáng này mới được tiết lộ.

Trên thực tế, một nhóm 18 lính đặc nhiệm tinh nhuệ Nga đã chiếm giữ sân bay này từ nửa tháng trước đó, đề phòng trường hợp NATO tung quân giải giáp sớm hơn dự định.


Lính dù Nga trấn thủ tại sân bay sân bay Pristina (Kosovo)

Lính dù Nga trấn thủ tại sân bay sân bay Pristina (Kosovo)

Một thiếu tá của Cục Quân báo - Bộ Tổng tham mưu Nga, khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Vesti năm 2009 đã cho biết, ngay từ cuối tháng 5-1999, lính đặc nhiệm Nga đã chiếm giữ sân bay với nhiệm vụ, bằng mọi giá phải giữ vững nó trước khi quân dù đến tiếp quản.

Cuộc đột kích kỳ lạ và chớp nhoáng của 200 lính dù Nga xuống sân bay Pristina khi cuộc chiến đã ngã ngũ chủ yếu là nhằm ngăn không để các máy bay MiG của Nam Tư lọt vào tay NATO.

Trong chiến dịch này, Nga đã giải cứu được 11 chiếc MiG-29 và 21 chiếc MiG-21 của không quân Nam Tư.

Vào thời điểm đó, MiG-29 là một trong những loại máy bay chiến đấu tiên tiến của Nga với nhiều bí mật về công nghệ chế tạo máy bay tiêm kích, khiến Mỹ và NATO rất mong muốn chiếm được, còn Moscow cũng không muốn để lọt vào tay đối thủ.

Nhắc lại câu chuyện này để thấy rằng, vào thời điểm nước Nga còn đang khốn khó, họ chỉ đủ khả năng giành được những chiến thắng nho nhỏ về mặt chiến thuật và giải cứu được vài chục chiếc máy bay dòng MiG, ép một viên tướng Mỹ phải ra đi…

Tuy nhiên, nước Nga của ông Yeltsin khi đó đã thất bại về chiến lược khi không thể cứu được đồng minh Nam Tư và Tổng thống Slobodan Milosevic.

Trong thời điểm hiện nay, khi ông Putin đang lôi kéo Serbia thoát khỏi tay EU về với mình, câu chuyện này đối với Nga sẽ có nhiều ý nghĩa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại