Trong tuần này, các nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi Tổng thống Barack Obama phê chuẩn khoản viện trợ quân sự trị giá 1 tỷ USD cho quân đội Ukraine. Về phần mình, Tổng thống Obama cho biết ông đang cân nhắc kế hoạch này.
Theo Washington, Nga đang viện trợ cả vũ khí và tài chính cho lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine trong cuộc chiến chống lại quân chính phủ Kiev. Tuy nhiên, Moscow đã nhiều lần lên tiếng phủ nhận lời cáo buộc trên.
Trong khi đó, nhiều khả năng Mỹ sẽ viện trợ vũ khí sát thương cho quân đội chính phủ Ukraine trong thời gian tới.
Đây cũng chính là lý do khiến giới chuyên gia cảnh báo cuộc chiến tại miền đông Ukraine, vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 5.000 người, sẽ ngày càng khốc liệt nếu như có vũ khí của Mỹ tham chiến.
Cuộc chiến tại miền đông Ukraine sẽ ngày càng ác liệt nếu như Mỹ viện trợ vũ khí sát thương cho quân chính phủ Kiev.
Song, Mỹ sẽ chuyển cho quân đội Ukraine những vũ khí gì thì lại là câu hỏi chưa có lời đáp.
Cách đây 2 tuần, một cơ quan nghiên cứu tại Mỹ mang tên Hội đồng Đại Tây Dương cũng đã cho công bố bản báo cáo nhắc tới khoản viện trợ quân sự gồm cả vũ khí sát thương và phi sát thương cho Ukraine trị giá 3 tỷ USD trong vòng 3 năm.
Bản báo cáo này có sự tham gia của cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, ông Steven Pifer và chủ tịch Viện Brookings kiêm cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Strobe Talbott.
Dựa trên những phân tích của Hội đồng Đại Tây Dương, tờ The Moscow Times cho rằng khả năng Mỹ sẽ viện trợ những loại vũ khí sau cho Ukraine:
Vũ khí chống tăng hạng nhẹ
Quân đội chính phủ Ukraine đang rất cần được viện trợ những loại vũ khí có khả năng hủy diệt lực lượng xe bọc thép mà đặc biệt là xe tăng của phe ly khai tại miền đông Ukraine.
Theo báo cáo của Hội đồng Đại Tây Dương, 2/3 vũ khí chống tăng của quân đội Ukraine hiện không còn khả năng hoạt động.
Đây cũng là cơ hội cho lực lượng ly khai sử dụng hàng loạt xe tăng và xe bọc thép mà NATO cho rằng Nga đã đưa vào miền đông Ukraine trước đó.
Vũ khí chống tăng M72 LAW của Mỹ.
Chia sẻ với hãng tin BBC, chuyên gia quân sự tại Kiev làm việc cho Viện Tư vấn An ninh và Quốc phòng IHS Jane's, ông Reuben Johnson nhận định quân đội Ukraine hiện rất cần các loại vũ khí chống tăng bởi:
"Phần lớn các xe bọc thép của Nga đều có năng lực chống chọi trước các vụ tấn công.
Nói cách khác, bên ngoài xe tăng của Nga đều trang bị giáp phản ứng nổ do đó khi một quả tên lửa bắn trúng hộp thuốc nổ, lực nổ sẽ khiến quả tên lửa bắn ra bên ngoài mà không gây tổn hại tới xe tăng".
Thực tế, Ukraine đã đề nghị Mỹ hỗ trợ các thiết bị chống tăng loại Javelin hiện đại. Song khả năng Washington sẽ chỉ chuyển cho Kiev loại M72 LAW ít tối tân hơn so với Javelin.
Xe bọc thép đa năng Humvee
Xe bọc thép đa năng Humvee, loại vũ khí đã được Mỹ triển khai trong cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.
Giới chuyên gia nhận định, Humvee được đánh giá hoạt động với độ tin cậy cao và đảm bảo an toàn tính mạng tốt hơn cho các binh sĩ chính phủ Ukraine trước các cuộc tấn công từ lực lượng pháo binh của phe ly khai tại miền đông Ukraine.
Xe bọc thép đa năng Humvee.
Theo đánh giá của Hội đồng Đại Tây Dương, chính các cuộc tấn công bằng rocket và pháo binh của phe ly khai là nguyên nhân dẫn tới thương vong của khoảng 70% binh sĩ chính phủ Ukraine.
Bệnh viện dã chiến và trang thiết bị y tế
Báo cáo của quân đội Ukraine từng nhấn mạnh một lượng lớn binh sĩ thiệt mạng là do không được chăm sóc y tế đúng quy chuẩn.
Do đó, việc Mỹ viện trợ bệnh viện dã chiến cho quân chính phủ Kiev sẽ giúp các binh sĩ bảo toàn được tính mạng trong quá trình tham chiến tại miền đông Ukraine.
Radar phản pháo
Radar phản pháo sẽ giúp quân đội Kiev tăng khả năng đẩy lùi các cuộc tấn công của phe nổi dậy bằng cách nhanh chóng xác định vị trí và hướng tấn công của lực lượng pháo binh, súng cối và rocket của đối phương.
Trước đó, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 3 phiên bản thu nhỏ của loại radar trên mang tên radar dò súng cối hạng nhẹ (LCRM), giúp lực lượng bộ binh Ukraine có thể vận chuyển dễ dàng.
Mỹ đã chuyển 3 radar dò súng cối hạng nhẹ cho quân chính phủ Ukraine.
Trong khi, những hệ thống lớn hơn như hệ thống radar Firefinder do Tập đoàn ThalesRaytheon Systems chế tạo, cũng có thể sẽ được Mỹ chuyển giao cho Ukraine. Theo đó, radar Firefinder hoạt động phủ rộng trên 50 km, lớn gấp 5 lần so với các radar LCRM.
Việc triển khai radar Firefinder sẽ còn giúp quân chính phủ Kiev chiếm ưu thế so với tầm bắn 40 km của các giàn phóng rocket Grad do Nga sản xuất và hiện đang được phe ly khai miền đông Ukraine sử dụng.
Máy bay trinh sát không người lái
Lâu nay, các máy bay không người lái (UAV) được triển khai làm nhiệm vụ trinh sát căn cứ của đối phương.
Do đó, UAV có thể giúp quân chính phủ Ukraine phát hiện các khẩu đội pháo của phe ly khai trước khi chúng được khai hỏa cũng như theo dõi hoạt động di chuyển của quân nổi dậy.
Binh sĩ chính phủ Kiev sử dụng một mẫu UAV tại miền đông Ukraine.
Theo đánh giá của Hội đồng Đại Tây Dương, Mỹ nên cung cấp các UAV phá sóng radar cho lực lượng quân chính phủ Kiev.
Tuy nhiên, phe ly khai có thể sử dụng các máy bay không người lái Orlan-10 của Nga để theo dõi vị trí và hoạt động dịch chuyển của quân đội Kiev.
Hiển nhiên, một khi quân chính phủ Ukraine có khả năng ngăn chặn hoạt động của các UAV Orlan-10, họ sẽ loại bỏ được "con mắt trên bầu trời" của phe ly khai.
Thiết bị liên lạc bảo mật
Theo Hội đồng Đại Tây Dương, phe ly khai tại miền đông Ukraine đang sử dụng nhiều loại UAV để thu thập tín hiệu tình báo từ chính những thiết bị thông tin liên lạc của quân đội Ukraine, vốn không được mã hóa và dễ dàng xâm nhập.
Gần đây, Ukraine còn triển khai ý tưởng mới là trao đổi thông tin chiến thuật thông qua mạng lưới radio mở rộng và cả bằng điện thoại di động.
Tuy nhiên, phương thức trao đổi này lại khiến hoạt động của lực lượng bộ binh quân chính phủ Ukraine dễ dàng bị tình báo Nga phát hiện.
Do đó, nếu được Mỹ cung cấp các thiết bị đảm bảo an ninh thông tin, quân đội Kiev sẽ bảo toàn được những tin nhắn bí mật.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Moscow Times - tờ nhật báo tiếng Anh hàng đầu tại Nga, phát hành từ năm 1992. The Moscow Times thuộc sở hữu của công ty Truyền thông Độc lập, công ty xuât bản truyền thông lớn của Nga.