Cụ thể, theo Kanwa (tạp chí quốc phòng có trụ sở tại Canada), giữ vai trò là một đồng minh then chốt của Mỹ và là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO, Thổ Nhĩ Kỳ mua phiên bản xuất khẩu của tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9 Trung Quốc không phải để bảo vệ không phận của nước này mà là đánh cắp những thông tin quan trọng liên quan đến tên lửa trên cho Mỹ.
Kanwa cho hay lợi ích quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ lệ thuộc vào sự chấp thuận của Mỹ và Liên minh châu Âu. Vì lí do này, rất khó để tưởng tượng rằng một ngày nào đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đứng bên cạnh những kẻ thù tiềm tàng của NATO như Nga và Trung Quốc. Chính phủ Ankara cũng nhận ra lượng sức ép mà họ phải chịu đựng nếu như họ lựa chọn mua tên hệ thống phòng không của Trung Quốc thay vì của Mỹ.
Kanwa nhận định đường hầm xuyên biển mới đi qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ đã được hoàn thành với sự đầu tư của Nhật Bản. Nhật Bản hiện cũng là bên ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu (EU), do đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể trở thành một đối tác an ninh với Trung Quốc khi mà đây là quốc gia liên quan đến tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
Cũng theo Kanwa, Đức, một thành viên lâu năm của NATO, có thể ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ tiến gần hơn với Trung Quốc thông qua việc ngừng cung cấp những thiết bị mà Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu để trang bị cho các tàu hộ vệ lớp Me-ko của nước này. Mỹ cũng có thể từ chối bán cho Thổ Nhĩ Kỳ tiêm kích tàng hình F-35 nhằm phản đối sự hợp tác của Ankara với Bắc Kinh. Theo tạp chí Kanwa, đây có thể sẽ là cái giá rất đắt mà Thổ Nhĩ Kỳ phải trả.
Do hầu hết vũ khí đang sử dụng trong nước có xuất xứ từ Mỹ hoặc những cường quốc NATO khác nên Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể mua các tên lửa của Trung Quốc. Đây cũng là lý do tại sao Nga rút S-400 khỏi cuộc cạnh tranh.
Từ đó, Kanwa kết luận, thực chất, Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng đánh cắp dữ liệu từ HQ-9 để chuyển cho những đồng minh của mình thông qua việc mua loại tên lửa trên của Trung Quốc.