Mỹ bị Triều Tiên lừa hàng tỷ USD để đối phó tên lửa KN-08?

KN-08 là “giấy bồi” hay tên lửa tầm xa thực thụ? Bất kể câu trả lời như thế nào, nó đã khiến cho nước Mỹ phải chuẩn chi hàng tỷ USD để đối phó.

KN-08 tại lễ duyệt binh hồi tháng 4/2012.

“Đòn đánh hạt nhân kiểu Triều Tiên”

Cuối tuần qua, nhật báo Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên - đã đem tên lửa tầm xa KN-08 ra dọa. Trang chủ của báo này đăng tải một bức ảnh tên lửa KN-08 tại lễ duyệt binh hồi tháng 4/2012 với dòng chú thích “Vũ khí hạt nhân chính xác kiểu Triều Tiên để tiêu diệt tất cả quân xâm lược”.

Trước đó, ngày 12/3, Tổng Cục trưởng Tổng cục trinh sát Quân đội Triều Tiên, Đại tướng Kim Yong-chol, đã nói tại một cuộc họp báo về “đòn đánh hạt nhân kiểu Triều Tiên” nhưng không tiết lộ cụ thể. Lối nói úp mở này đã khiến cho các cơ quan tình báo nước ngoài “nửa tin, nửa ngờ”.

Google Earth cũng tung ra những bức ảnh được cho là công trường xây dựng bãi phóng loại tên lửa KN-08 ở Milchon, phía Bắc thủ đô Bình Nhưỡng. Có con hai đường đổ bê tông rộng 11m đi vào một bãi rộng bằng cũng bằng bê tông kiên cố với kích thước 37 x 37m. Đây có thể là nơi dành cho bệ phóng di động KN-08 có chiều dài gần 17m. Hồi tháng 3/2011, Google Earth cũng phát hiện ra một bãi tương tự ở khu vực  Hungsu.

Mỹ “bán tín, bán nghi”, chuẩn chi hàng tỷ USD để đối phó

Báo Rodong Shinmun đăng lại bức ảnh trên sau khi chính phủ Mỹ đề cập đến khả năng triển khai của tên lửa tầm xa KN-08. Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia James Clapper đã công khai nói trước Quốc hội Mỹ rằng chẳng bao lâu nữa Triều Tiên có thể đe dọa Mỹ về mặt kỹ thuật. Bình Nhưỡng đã đi “bước đầu tiên” trong việc triển khai tên lửa liên lục địa, nhưng không nói rõ chi tiết.

Báo mạng Washington Free Beacon dẫn lời giới quân sự Mỹ cho biết họ đã thấy nhiều chiếc xe chở tên lửa KN-08 tương tự từ hồi tháng 1/2012. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey thì ra lệnh ưu tiên việc nghiên cứu hệ thống tên lửa KN-08. Cấp phó của ông này còn nói “KN-08 đã xuất hiện nhanh hơn chúng ta tưởng”.

Việc Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel thông báo tăng cường các hệ thống phòng thủ tên lửa ở Alaska và lần đầu tiên triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở California có lẽ là kết quả của quá trình nghiên cứu nói trên. Bộ trưởng Chuck Hagel ngày 15/3 đã thông báo việc hủy bỏ giai đoạn 4 của hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu để dồn tiền cho việc tăng cường các hệ thống chống tên lửa Triều Tiên.

KN-08 được trang bị loại đầu đạn nào?

Nếu các tên lửa KN-08 đã được triển khai thì nó sẽ mang loại đầu đạn nào? Tướng Kim Yong-chol khẳng định Triều Tiên đã có trong tay “nhiều loại đầu đạn nhỏ gọn” với số lượng đủ dùng.

Một viên tướng Nga từng  là Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược và hiện làm cố vấn cho Bộ Quốc phòng, nói vụ thử hạt nhân cách đây hơn một tháng của Triều Tiên là dùng một thiết bị nổ sử dụng chất Plutonium, chứ chưa phải là thiết bị nổ làm từ Uranium. Chỉ có điều sức công phá của loại vũ khí hạt nhân này có thể tương đương với 10-20 nghìn tấn thuốc nổ.

Các chuyên gia hạt nhân của Triều Tiên đã thành công trong việc tiến hành một vụ thử hạt nhân ở trong lòng đất mà không hề để lọt các chất phóng xạ vào bầu khí quyển. Đây là điều khiến phía Mỹ vô cùng lo lắng. Đây cũng là chủ ý của Triều Tiên và khiến cho thế giới bên ngoài không thể biết vụ thử hạt nhân lần thứ 3 sử dụng chất Plutonium hay chất Uranium. Qua đó, các cơ quan tình báo phương Tây cũng khó có thể đoán định Triều Tiên hiện có trong tay bao nhiêu vũ khí hạt nhân.

Washington hiện chưa rõ mức độ làm giàu Uranium  ở cấp độ vũ khí của Triều Tiên. Phía Mỹ chỉ biết trước khi hủy bỏ đàm phán 6 bên, Triều Tiên đã có một thiết bị nhỏ gọn hiện đại làm giàu Uranium ở Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Yongbyon. Dĩ nhiên là thiết bị làm giàu ở qui mô quân sự chắc chắn sẽ được đặt ở nơi khác.

Bậc thầy về nghệ thuật đánh lừa

Một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên là bậc thầy về “ngụy trang và đánh lừa” và có lẽ nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đe dọa sử dụng loại tên lửa hạt nhân mà ông chưa hề có. Những bức ảnh chụp các tên lửa liên lục địa trong cuộc duyệt binh hồi tháng 4 năm ngoái cho thấy nhiều điểm khả nghi.

Rất có thể chúng đã được làm bằng giấy bồi phủ lên một bộ khung bằng gỗ. Bức ảnh chụp hệ thống tên lửa KN-08 được đăng trên trang chủ của Rodong Shinmun cũng có thể là một chiến thuật nghi binh khiến cho đối phương khiếp vía.

Chỉ có điều, những mảnh vỡ của tên lửa Unha-3 mà Hàn Quốc vớt được ở biển cho thấy Triều Tiên đã tiến bộ vượt bậc về kỹ thuật. Tất cả các chi tiết cấu thành tên lửa phóng vệ tinh Unha-3 đều được sản xuất ở Triều Tiên.

Rất có thể, các quả tên lửa KN-08 đi sát nơi cánh phóng viên đứng là tên lửa thật. Còn những quả tương tự ở tít phía xa là làm bằng giấy bồi. Một sự “pha trộn” như thế này sẽ khiến cho đối phương không thể nào xác định được liệu Triều Tiên đã có loại tên lửa KN-08 hay chưa? Nếu có, thì nước này có bao nhiêu?

Cho đến nay, Triều Tiên chưa hề phóng thử loại tên lửa liên lục địa KN-08, nhưng đã khiến cho nước Mỹ phải vội vàng chuẩn chi hàng tỷ USD cho các hệ thống phòng thủ tên lửa ở Alaska và California.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại