"Muốn nâng cấp không quân giá rẻ? Hãy tìm đến Israel"

Hải Vy |

Nhà phân tích Dave Majumdar cho rằng Israel là "địa chỉ đáng tin cậy" cho các quốc gia cần có máy bay chiến đấu hoạt động tốt nhưng lại không đủ tiền để mua những loại máy bay mới.

Dưới đây là bài viết của nhà phân tích Dave Majumdar trên tạp chí National Interest:

Nâng cấp máy bay cũ - Giải pháp khôn ngoan

Mặc dù các mẫu chiến đấu cơ mới, phù phiếm như F-35 (Mỹ) và PAK FA (Nga) đang thu hút nhiều sự chú ý nhưng hầu hết các lực lượng không quân trên thế giới không cần thiết phải có trong tay những mẫu máy bay mới nhất.

Thường thì, những mẫu cơ bản hơn đã quá đủ để đáp ứng mục đích sử dụng của phần đông các quốc gia.

Nhiều lực lượng không quân không cần tới hoặc thậm chí không muốn mua các mẫu máy bay chiến đấu thệ 4 mới nhất trên thị trường hiện nay như Typhoon, Rafale, F/A-18E/F, F-16V “Viper”, JAS-39 Gripen, Su-30 và Su-35.

Hơn nữa, nhiều quốc gia không đủ tiềm lực tài chính để phung phí như vậy.

Ngay cả nếu có quyền lựa chọn, họ cũng không cần phải mua tiêm kích tàng hình hàng đầu như F-35 để có được những khả năng tiên tiến.

Thông thường, nâng cấp các máy bay cũ có thể mang lại những khả năng không thua kém gì các mẫu máy bay mới, trong khi lại có mức chi phí “mềm” hơn nhiều.

Israel - địa chỉ đáng tin cậy

Trên thị trường máy bay chiến đấu quốc tế hiện nay, ngành công nghiệp quốc phòng Israel đã bán hoặc nâng cấp nhiều máy bay cho các lực lượng không quân trên khắp thế giới.

Ngoài cung cấp các máy bay chiến đấu tự chế tạo, Israel còn từng nâng cấp các tiêm kích MiG (do Liên Xô sản xuất) cho Romania, trước đây là thành viên của khối Vác-sa-va.

Hiện nay, Romania vẫn còn vận hành nhiều tiêm kích MiG-21 Lancer do Israel nâng cấp, tích hợp radar Elta EL/M 2032 hiện đại và buồng lái có kính mới.

Những máy bay này còn có thể mang theo pod chỉ thị mục tiêu LITENING (do hãng Rafael của Israel phát triển), nhiều loại bom dẫn đường bằng laser và các tên lửa không chiến thuộc dòng tên lửa Python.

Romania đã được tăng cường những khả năng hiện đại, hiệu quả với mức chi phí chỉ bằng một phần mức giá của máy bay chiến đấu thế hệ 4 mới.


Một chiếc MiG-21 Bison trang bị đạn tên lửa đối không tầm ngắn R-73 (giá ngoài cánh) và tên lửa đối không tầm trung R-27 (giá phía trong cánh).

Một chiếc MiG-21 Bison trang bị đạn tên lửa đối không tầm ngắn R-73 (giá ngoài cánh) và tên lửa đối không tầm trung R-27 (giá phía trong cánh).

Ấn Độ cũng đang sử dụng phiên bản nâng cấp mở rộng của MiG-21, gọi là Bison, với hiệu quả đáng kinh ngạc.

Được trang bị radar Phazotron Kopyo nâng cấp có khả năng theo dõi cùng lúc 8 mục tiêu, MiG-21 Bison có khả năng tấn công các mục tiêu ngoài tầm nhìn, sử dụng tên lửa dẫn đường bằng radar Vympel R-77 (do Nga chế tạo).

Các tiêm kích MiG-21 Ấn Độ còn kết hợp hệ thống ngắm bắn trên mũ phi công và khả năng mang tên lửa không chiến R-73 Archer.

Sự kết hợp đó khiến mẫu tiêm kích “đồ cổ” này trở thành đối thủ đáng gờm, ngay cả trước một loại máy bay chiến đấu hiện đại hơn nhiều.

Trên thực tế, các tiêm kích MiG-21 Ấn Độ đã từng đánh bại chiến đấu cơ F-15C Eagle trong cuộc tập trận Cope India năm 2014.

Có điều, mặc dù các tiêm kích MiG của Romania và Ấn Độ đều được nâng cấp với hệ thống điện tử hàng không mới nhưng lại không được nâng cấp nhiều về khung máy bay.

Trong khi đó, nếu được nâng cấp cả khung máy bay và trang bị hệ thống hàng không mới thì các tiêm kích cổ như MiG-21 vẫn có thể kéo dài tuổi thọ hoạt động.

Mặc dù Romania và Ấn Độ không lựa chọn nâng cấp khung máy bay nhưng Israel từng cung cấp 14 máy bay chiến đấu F-21 Kfir được nâng cấp và hiện đại hóa sâu rộng cho Argentina. Đây cũng là mẫu máy bay đã 40 năm tuổi.

Thỏa thuận này bao gồm nâng cấp toàn diện khung máy bay và làm mới các động cơ General Electric J79.

Buồng lái hiện đại của chiếc Kfir Block 60.
Buồng lái hiện đại của chiếc Kfir Block 60.

Máy bay chiến đấu Kfir cất cánh lần đầu tiên năm 1973, có thể đạt tốc độ Mach 2.0.

Đây là mẫu máy bay do Tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ Israel (IAI) phát triển nhưng được xem là phiên bản sản xuất không giấy phép của mẫu Dassault Mirage V (cất cánh lần đầu tiên năm 1967).

Trong khi đó, Mirage V lại là phiên bản tấn công mặt đất của mẫu Mirage III, cất cánh lần đầu tiên năm 1956.

Như vậy, thiết kế của Kfir về cơ bản bắt nguồn từ những năm 1950 nhưng những nâng cấp mới nhất của Israel dành cho mẫu tiêm kích này đã giúp nó vẫn có thể hoạt động tốt trong thế kỷ 21, trước nhiều loại máy bay chiến đấu thế hệ 4 mới hơn nhiều.

Ngay cả khi Kfir đã “già nua”, khung máy bay của nó vẫn còn khá tốt.

Hải quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ từng thuê các máy bay chiến đấu Kfir của Israel trong những năm 1980 để làm mục tiêu cho các máy bay thế hệ 4 của Mỹ (như F-14, F-15, F-16 và F/A-18) luyện tập.

Phiên bản Kfir Block 60 của Argentina được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động Elta Systems EL/M-2052, có thể theo dõi đồng thời 64 mục tiêu.

Mẫu radar mới có thể đồng thời hoạt động ở chế độ không-đối-không, không-đối-đất và hỗ trợ các loại vũ khí đánh chặn trên không mới nhất như tên lửa dẫn đường bằng radar Derby của Israel hay tên lửa AMRAAM (nếu Mỹ đồng ý bán cho Argentina).

Kfir Block 60 còn được lắp đặt hệ thống tác chiến điện tử hiện đại để chống lại các mối đe dọa trên không và trên mặt đất.

Ngoài ra, máy bay còn có khả năng mang nhiều loại vũ khí không-đối-đất do Israel sản xuất và có hệ thống liên kết dữ liệu toàn diện.

Hiện chưa rõ liệu các máy bay Kfir của Argentina có được nâng cấp với hệ thống ngắm bắn trên mũ phi công hay không nhưng nước này sẽ không gặp phải khó khăn kỹ thuật nào nếu muốn tích hợp hệ thống đó cùng với các tên lửa Python-5.

Sự kết hợp này sẽ khiến Kfir trở thành một đối thủ cực kỳ đáng gờm trong không chiến tầm gần.

Ngoài ra, máy bay do Israel phát triển thường có hệ thống điện tử hàng không với kết cấu mở, giúp chúng dễ dàng được nâng cấp. Vì vậy, nếu Argentina không muốn trang bị các loại vũ khí mới ngay thì có thể bổ sung sau này.

Israel còn có nhiều khách hàng tiềm năng khác quan tâm đến phiên bản Kfir Block 60.

Columbia đang nâng cấp các máy bay chiến đấu Kfir của nước này lên chuẩn mới, gần giống với phiên bản của Argentina.

Trong khi đó, Ecuador, hiện đang vận hành phiên bản cũ hơn, có thể cũng sẽ muốn nâng cấp các máy bay của họ.

Tuy nhiên, Israel đang chú trọng tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tại khu vực này, nhiều quốc gia đang cần tới các loại máy bay chiến đấu có khả năng hoạt động tốt nhưng lại không có đủ tiền để trang bị những loại chiến đấu cơ như F-16.

Chỉ có thời gian mới có thể trả lời Israel sẽ thành công tới mức nào trong việc hồi sinh các tiêm kích Kfir 40 năm tuổi để đáp ứng nhu cầu của thế kỷ 21.

Song, nếu các mẫu máy bay chiến đấu khác vẫn nằm quá tầm với của nhiều quốc gia thì khả năng là Israel sẽ nắm chiến thắng trong tay.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Dave Majumdar

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại