Máy bay săn ngầm Kawasaki P-1 và P-8A Poseidon - Ai mạnh hơn?

Tiến Thành |

Boeing P-8A Poseidon và Kawasaki P-1 ra đời như một tất yếu từ nhu cầu thay thế máy bay tuần tra săn ngầm nổi tiếng P-3C Orion đã trở nên lỗi thời.

Trong khi P-8A Poseidon được thiết kế cho mục đích hoạt động ở độ cao lớn, phối hợp chiến đấu với máy bay không người lái thì Kawasaki P-1 có thể làm việc ở mọi độ cao.

Hai dòng máy bay tuần tra săn ngầm hàng đầu thế giới này đều mang trong mình những lợi thế nhất định, vậy ai nắm giữ nhiều ưu thế hơn cả?

Lịch sử hình thành

P-8A Poseidon ra đời xuất phát từ nhu cầu thay thế P-3C Orion đã lỗi thời. Mẫu thiết kế dựa trên nguyên bản Boeing 737-800, một trong những dòng máy bay chở khách đắt hàng nhất thế giới, với hơn 1.000 chiếc đã xuất xưởng.

Điều này cho phép tận dụng dây chuyền sản xuất cũng như hệ thống bảo dưỡng và phụ tùng thay thế nhằm giảm giá thành. Tuy nhiên, P-8A lại hoạt động không hiệu quả ở độ cao thấp như người tiền nhiệm P-3C.

Tương tự Mỹ, người Nhật cũng đang tìm kiếm một loại máy bay thay thế cho P-3C của họ. Ban đầu Nhật cũng trông chờ vào dự án P-7 của Mỹ. Tuy nhiên khi dự án bị hủy bỏ, họ đã quyết định phát triển một dòng máy bay của riêng mình.

Kawasaki P-1 được thiết kế hoàn toàn cho mục đích hoạt động ở độ cao thấp và vận tốc dưới âm như mẫu P-3C nhưng nó cũng làm việc tốt ở cao độ lớn hơn.

Chi phí nghiên cứu, chế tạo đương nhiên sẽ cao, nhưng bù lại người Nhật có được mẫu máy bay đáp ứng các nhu cầu của riêng mình, thay vì phụ thuộc vào các thiết kế nước ngoài, có thể gây ra các thay đổi trong chiến thuật cũng như hệ thống vũ khí trang bị.

Thiết kế khí động học

Kawasaki P-1 có thể bay ở độ cao thấp trong khi P-8 thì không, nguyên nhân xuất phát từ thiết kế khí động học. Cánh của dòng máy bay Boeing 737-800 được biến đổi dựa trên mẫu 737-900 với thiết kế đầu cánh nghiêng về phía sau.

Đầu cánh nghiêng về phía sau thường thấy trên các dòng máy bay thương mại chuyên chở hàng, nhằm phù hợp cho các chuyến bay hành trình dài ở độ cao lớn.

Dòng máy bay Boeing 737, từ khung thân đến động cơ, cánh đều được tối ưu hóa cho việc hoạt động ở độ cao từ 11- 13 km.

Cánh máy bay nghiêng một góc 250 so với thân, trong khi mép cánh sau cụp xuống, kiểu thiết kế này phù hợp với việc vận hành ở tốc độ cao cũng như ở độ cao lớn. Diện tích bề mặt cánh là 124 m2 trong khi sải cánh là 34,6 m.


P-8A với thiết kế đầu cánh nghiêng về phía sau

P-8A với thiết kế đầu cánh nghiêng về phía sau

So với P-8A, P-1 có mép cánh thẳng, góc mũi tên cánh xuôi về sau một góc 220 so với thân. Diện tích bề mặt cánh là 170 m2 trong khi sải cánh là 35,4 m. So với P-8, thiết kế cánh của P-1 mang lại cho dòng máy bay này một số lợi thế nhất định, cụ thể:

- Góc mũi tấn của máy bay tỷ lệ thuận với vận tốc thất tốc (vận tốc đạt được khi cánh máy bay tạo ra lực nâng lớn nhất), do đó P-1 có thể hoạt động ở các mức vận tốc khác nhau so với P-8, do vận tốc thất tốc của P-8 nhỏ hơn.

- Ngoài ra, diện tích cánh rộng hơn cho phép giảm thiểu vận tốc thất tốc cũng như làm tăng tính linh hoạt của máy bay.


P-1 với thiết kế cánh thẳng

P-1 với thiết kế cánh thẳng

Việc hoạt động tại độ cao lớn mang lại nhiều hiệu quả hơn cho P-8A, bao gồm phạm vi giám sát rộng, tiết kiệm nhiên liệu và diện tích quan sát lớn hơn trong cùng một khoảng thời gian.

Để khắc phục nhược điểm hoạt động không hiệu quả tại độ cao thấp, P-8A được nâng cấp bao gồm lắp đặt hệ thống dẫn đường Fish Hawk cho thủy lôi nhằm tăng độ chính xác khi thả từ trên cao, phao thủy âm cũng được sửa đổi phù hợp với hoạt động trên độ cao lớn.

Ngoài ra, để nâng tính hiệu quả cao trong chiến đấu, các kỹ sư đang thử nghiệm việc phối hợp giữa P-8A và máy bay không người lái MQ-4C Triton để nâng cao hiệu quả trong việc tiêu diệt mục tiêu.

Quãng đường và thời gian hoạt động

P-1 được trang bị 4 động cơ IHI F-7 cung cấp lực đẩy 240 kN, nó có thể tắt đi 2 trong 4 động cơ trong hành trình bay. Còn đối với P-8 A, việc tắt 1 trong 2 động cơ sẽ gây ra nhiều rủi ro cho loại máy bay này.

Mặt khác, do khối lượng cất cánh tối đa của P-1 nhẹ hơn 5 tấn so với P-8A trong khi lực đẩy động cơ tương đương (240 KN) đã mang đến khả năng thao diễn tốt hơn. Khoang lái của P-1 rộng hơn P-8A cũng giúp tăng khả năng quan sát cho phi công.


Kawasaki P-1 có buồng lái rất tiện nghi, rộng rãi

Kawasaki P-1 có buồng lái rất tiện nghi, rộng rãi

P-8A Poseidon sử dụng 2 động cơ phản lực CFM56-7B27A với lực đẩy 120 kN, quãng đường hành trình là 7.500 kN và có thể lên đến 11.000 km nếu được tiếp dầu trên không, tốc độ tối đa là 900 km/h, tốc độ hành trình 850 km/h.

Tương tự như P-8A, P-1 có tầm hoạt động 8.000 km, tốc độ tối đa 996 km/h, thời gian trên không tương đương, nhưng P-1 có thể điều chỉnh tăng thời gian bay thông qua việc ngừng sử dụng 2 trong 4 động cơ trong suốt hành trình.

Khả năng mang vũ khí và chiến đấu

P-8A được trang bị radar AN/APY-10 ở phần mũi, khi hoạt động ở chế độ khẩu độ tổng hợp (SAR), nó cung cấp hình ảnh cho phép phát hiện, phân loại và nhận diện tàu chiến ở trạng thái tĩnh, tàu cỡ nhỏ và giám sát vùng ven biển.

Còn khi ở chế độ khẩu độ tổng hợp với độ phân giải cao (ISAR), radar sẽ cho phép phát hiện, phân loại và theo dõi tàu ngầm nổi trên mặt nước, tàu thuyền di chuyển tốc độ cao ở vùng ven biển.

Phiên bản P-8I Neptune xuất khẩu cho Ấn Độ được trang bị radar AN/APY-10 hiện đại hơn. Có tất cả 5 trung tâm xử lý bên trong máy bay để tiếp nhận các dữ liệu thu được từ cảm biến quan sát.

Ngoài ra P-8I còn có thể mang theo radar AN/APS-149, đây là loại radar mảng pha chủ động (AESA) rất nhạy được thiết kế cho nhiệm vụ giám sát bờ biển.

Với phi hành đoàn 9 người, P-8A được sử dụng trong các nhiệm vụ tác chiến mặt nước và tác chiến chống ngầm tầm xa; trinh sát và giám sát (ISR), tạo lập bản đồ, thu thập tin tức tình báo ven bờ.


P-8A với radar AN/APY-10 ở chóp mũi

P-8A với radar AN/APY-10 ở chóp mũi

Boeing P-8A mang theo 120 phao định vị thủy âm, trở thành loại máy bay có khả năng vận chuyển phao thủy âm lớn nhất (P-3C chỉ mang được 84 phao, Nimord MR2 là 62 trong khi P-1 là 107).

Vũ khí của máy bay P-8A bao gồm ngư lôi Mk 54, tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon và phiên bản tấn công mặt đất AGM-84E SLAM-ER, thủy lôi, vũ khí dẫn đường bằng laser.

Trong khi đó Kawasaki P-1 được trang bị 4 hệ thống radar mạng pha chủ động HPS-106 (1 ở chóp mũi, 2 ở phía dưới buồng lái và 1 ở phía đuôi) hoạt động ở nhiều chế độ: không đối không, không đối hải và hệ thống cảnh báo tên lửa AN/AAR-60.

Các loại radar này có thể sử dụng cho chức năng giám sát mặt đất và trên không, do đó cho phép P-1 hoạt động như một máy bay chỉ huy cảnh báo sớm.

Kíp lái của Kawasaki P-1 gồm 13 người (2 phi công, 11 nhân viên thao tác kỹ thuật). Máy bay được trang bị một hệ thống cảm biến địa từ trường (MAD) để phát hiện từ trường thân vỏ tàu ngầm.

Tuy nhiên, hệ thống này có nhược điểm là phạm vi hoạt động nhỏ, do vậy máy bay phải bay chậm và thấp để tìm kiếm, đúng với mục đích thiết kế ban đầu của nó. Tất cả những thông tin thu thập đều được xử lý qua 4 trung tâm tiếp nhận bên trong máy bay.


Kawasaki P-1 với hệ thống cảnh báo tên lửa AN/AAR-60 (khoanh tròn đỏ)

Kawasaki P-1 với hệ thống cảnh báo tên lửa AN/AAR-60 (khoanh tròn đỏ)

Máy bay P-1 mang được 107 phao định vị thủy âm, khả năng mang vũ khí là 10 tấn trên 16 điểm treo (8 trong khoang chứa, 8 ở đầu cánh).

Các loại vũ khí trang bị rất đa dạng bao gồm tên lửa không đối đất AGM-65 Maverich, AGM-84 Harpoon, tên lửa chống tàu nội địa AShM-1 hay ngư lôi Mk 46, do Nhật Bản sản xuất.


Kawasaki P-1 được trang bị vũ khí

Kawasaki P-1 được trang bị vũ khí

Kết luận

Qua những thông tin trên có thể thấy so với P-8A Poseidon của Mỹ, khả năng mang vũ khí và hành trình bay của Kawasaki P-1 là tương đương, tuy nhiên chi phí cao cũng là một rào cản.

Vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra kết luận về hệ thống điện tử của hai loại máy bay do P-1 mới được đưa vào trang bị cho Hải quân Nhật Bản, tiến tới xuất khẩu ra thế giới, trong khi P-8A đã được sử dụng trong quân đội Mỹ và Ấn Độ.

Mặc dù Kawasaki P-1 có chút ưu thế về tốc độ nhưng đây hoàn toàn không phải là chỉ tiêu chính của máy bay tuần tra săn ngầm.

Cả hai máy bay đều được thiết kế cho mục đích sử dụng khác nhau và các nhà sản xuất đều hài lòng với tính năng sản phẩm của mình. Do vậy, chưa đủ cơ sở để khẳng định máy bay nào tỏ ra ưu việt hơn.

Tuy nhiên, có thể khẳng định việc xuất hiện các dòng máy bay này trong bất kỳ lực lượng hải quân nào cũng khiến năng lực tác chiến chống ngầm của họ trở nên đáng gờm hơn bao giờ hết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại