Điều hài hước, chiếc máy bay giáng bão lửa lên đầu quân Mỹ lại là thiết kế được người Mỹ đánh giá là loại máy bay cổ lỗ sĩ, vận tải cơ hạng nhẹ Antonov An-2.
An-2 là máy bay vận tải do cục thiết kế Antonov (Liên Xô) nghiên cứu phát triển và sản xuất từ giữa những năm 1940. Tháng 8/1947, mẫu thử An-2 thực hiện chuyến bay đầu tiên thành công.
Máy bay An-2 được sản xuất dành cho vai trò vận tải hạng nhẹ (chở hàng, chở khách, chở quân dù), hoạt động nông nghiệp (rải thuốc trừ sâu), chữa cháy, bay cứu thương.
An-2 thiết kế với “hai tầng cánh” (còn được gọi là máy bay bà già) và trang bị một động cơ cánh quạt Ash-62IR cho phép đạt tốc độ tối đa 258km/h, tầm bay hơn 800km, trần bay 4.500km.
Tuy có tốc độ bay chậm, nhưng bù lại An-2 chỉ cần đường băng ngắn để cất hạ cánh (khoảng 200m), có thể hoạt động ở đường băng dã chiến. Điều đó làm nó phù hợp hoạt động ở vùng xa xôi, điều kiện cơ sở hạ tầng thấp kém. Ngoài ra thời gian chuẩn bị cho chuyến bay rất ngắn (30-40 phút), tuy mức tiêu thụ nhiên liệu tương đối lớn.
Máy bay vận tải "hai tầng cánh" An-2 trong trang bị Không quân Nhân dân Việt Nam.
An-2 được đánh giá là một trong những loại máy bay đáng tin cậy nhất thế giới. Điều đó minh chứng qua những con số sau, trong giai đoạn 1947-2002, hãng Antonov đã sản xuất tới 18.000 chiếc An-2. Sách kỷ lục Guinness đã ghi kỷ lục An-2 là máy bay được chế tạo với thời gian lâu nhất trên thế giới.
Trong tổng số 18.000 chiếc, vài nghìn chiếc được xuất khẩu tới gần 70 quốc gia trên thế giới phục vụ rộng rãi trong mục đích dân sự và quân sự.
Cho tới tận ngày nay, trải qua 65 năm, An-2 vẫn tích cực phục vụ ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vẫn chưa có dấu hiệu, “bà già hai tầng cánh” này được cho nghỉ hưu. Thậm chí, gần đây, một số nước còn khôi phục lại An-2 tiếp tục hoạt động.
Những con số này đủ để chứng minh rằng, An-2 xứng đáng được xem là huyền thoại máy bay vận tải trên thế giới.
Máy bay cổ lỗ trút lửa lên quân Mỹ
Ở Việt Nam, An-2 là một trong những máy bay đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam. An-2 xuất hiện từ năm 1959 cùng với máy bay Li-2 và Il-14 trong thành phần Trung đoàn Không quân vận tải 919. Những năm đầu hoạt động, An-2 chủ yếu tham gia công tác chở khách, vận tải hàng hóa, huấn luyện quân dù.
Từ giữa những năm 1960, do yêu cầu chiến đấu, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho không quân sử dụng An-2 tấn công tàu biệt kích Mỹ - Ngụy thường xuyên xâm nhập miền Bắc thực hiện hành động phá hoại. Vậy là chiếc máy bay vốn được dùng cho hoạt động chở quân, phục vụ nông nghiệp, nay được vũ trang để tấn công trên biển.
Theo đó, máy bay An-2 được cán bộ của ta cải tiến lắp thêm 2 cụm ống phóng rocket cỡ 57mm (mỗi cụm 16 quả rocket), có máy ngắm cơ học để đánh tàu địch. Sau thời gian chuẩn bị kỹ lương, nghiên cứu tìm cách đánh địch ban đêm, đầu 1966 An-2 bắt đầu xuất kích đánh địch.
Đêm 8/3/1966, 2 máy bay An-2 trang bị rocket 57mm cất cánh bay theo đường bay qui định, có radar mặt đất chỉ dẫn kết hợp với quan sát bằng mắt của phi công để tìm mục tiêu. Phát hiện tàu địch cách bờ biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) 20-30km, biên đội triển khai đội hình tấn công đánh chìm 1 tàu địch. Sau trận đầu giành thắng lợi, đoàn 919 tiếp tục dùng An-2 đánh nhiều trận khác.
Ngày 13/6/1966, đội hình 3 An-2 phối hợp với Hải quân Nhân dân Việt Nam tấn công đánh chìm 1 tàu địch, đánh bị thương 2 tàu khác.
An-2 phục vụ huấn luyện nhảy dù cho chiến sĩ Lữ đoàn dù 305. Nguồn: Tư liệu ảnh Bảo tàng Phòng không - Không quân
Một trong những chiến công vang dội của An-2 là đánh trạm radar dẫn đường của Mỹ trên đất Lào, giữa “ban ngày ban mặt”. Trong chiến dịch ném bom miền Bắc Việt Nam, Mỹ chọn đỉnh Pa Thí (ngọn núi ở tỉnh Houaphang, Tây Bắc Lào) làm nơi đặt hệ thống định vị dẫn đường đưa máy bay chiến đấu từ các sân bay Thái Lan vào ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam.
Đỉnh Pa Thí như là “con mắt” chỉ đường dẫn lối máy bay địch vượt đoạn đường dài từ Thái Lan sang Việt Nam rồi bay về. Kể từ khi đưa vào hoạt động tới cuối năm 1967, Pa Thí đã chiếm tới 55% phi vụ dẫn đường không kích miền Bắc Việt Nam. Thấy rõ sự nguy hiểm của trạm Pa Thí, quân ta quyết tâm tìm mọi cách tiêu diệt căn cứ này.
Việc dùng bộ binh tấn công căn cứ là bất khả thi, vì trạm đài dẫn đường nằm ở độ cao khoảng 1.700m, có nhiều vách đá gần như thẳng đứng. Không những thế, trạm Pa Thí còn đươc bảo vệ bởi 1.000 lính Hmong tinh nhuệ. Kế hoạch dùng không quân oanh tạc Pa Thí có lẽ tốt hơn cả.
Cuối năm 1967, Trung đoàn 919 được giao nhiệm vụ lập kế hoạch tấn công tiêu diệt trạm Pa Thí bằng máy bay An-2. Ngày 12/1/1968, phi đội 4 An-2 (lắp rocket 57mm) xuất kích từ sân bay Gia Lâm. Tới khu vực mục tiêu, 4 An-2 lần lượt phóng toàn bộ rocket 57mm đánh trúng mục tiêu. Đài radar dẫn dường ở Pa Thí bị phá hủy cùng một số tên địch bị tiêu diệt.
Có thể nói, trận đánh Pa Thí là đòn đau giáng lên đầu quân xâm lược, không những thế, đòn đánh này được thực hiện bởi loại máy bay mà người Mỹ coi là “cổ lỗ sĩ”.