Lý do thực sự khiến Thái Lan hoãn mua tàu ngầm Trung Quốc

Công Thuận |

Tháng 6/2015 đã xuất hiện một số báo cáo cho rằng Thái Lan đã đồng ý mua 3 tàu ngầm của Trung Quốc trị giá 36 tỷ baht (1,03 tỷ USD) nhưng vào giữa tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon nói rằng thương vụ sẽ hoãn lại và cần phải xem xét thêm.

Trong khi một số nhà bình luận ngay lập tức phỏng đoán rằng vụ mua bán này bị trì hoãn là do áp lực ngoại giao từ Mỹ thì Greg Raymond, một nhà nghiên cứu tại Trường Coral Bell về Các vấn đề châu Á Thái Bình Dương, Đại học Quốc gia Australia cho rằng:

Nguyên nhân chủ yếu ở đây có thể là do hạn chế về ngân sách quốc phòng và xu hướng ưu tiên các lực lượng trên bộ vốn đã tồn tại từ lâu ở Thái Lan.

Thái Lan từng có ý định mua 3 chiếc tàu ngầm Trung Quốc.

Thương vụ mua tàu ngầm trên cũng đang thu hút sự quan tâm của dư luận chủ yếu thông qua lăng kính địa chính trị, căn cứ vào lợi ích ở khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực nước lớn.

Thái Lan là mối quan tâm đặc biệt vì có mối quan hệ văn hóa gần gũi và lâu đời với Trung Quốc, trong khi nước này rõ ràng có cảm giác khó chịu với những lời chỉ trích của Mỹ liên quan đến cuộc đảo chính quân sự diễn ra vào tháng 5/2014 và không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Nhưng trong vấn đề chi tiêu quốc phòng của Thái Lan và mua sắm vũ khí, có các lực lượng khác - không liên quan đến vấn đề địa chính trị - cũng cần phải được xem xét.

Nhiều người có lẽ cho rằng việc mua tàu ngầm như là một lợi thế để chính quyền quân sự của Thái Lan tăng chi tiêu quốc phòng. Trong lịch sử, đây thường là nhận định chính xác bởi sau cuộc đảo chính năm 2006, ngân sách của quân đội Thái Lan đã tăng 47%.

Điều này cũng cho thấy đây là cơ hội tốt nhất của chính quyền quân sự được thành lập năm 2014 nhằm trang bị cho hải quân nước này những chiếc tàu ngầm đã được đề xuất từ những năm 1990.

Phản ứng với quyết định trì hoãn việc mua tàu ngầm của Quốc hội Thái Lan, chính phủ quân sự nước này đã đưa ra một tài liệu dài 9 trang giải thích sự cần thiết của việc sở hữu các tàu ngầm mới.

Tài liệu trích dẫn về sự phụ thuộc của Thái Lan đối với các tuyến thương mại hàng hải, tài nguyên biển quan trọng và việc sở hữu tàu ngầm của các nước ASEAN khác là lý do tại sao việc mua tàu ngầm nên được tiến hành.

Nhưng quân đội Thái Lan cũng có thể có sự chịu đựng đáng ngạc nhiên trong việc bị hạn chế chi tiêu quốc phòng, đặc biệt là trong thời buổi kinh tế khó khăn.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Thái Lan là một trong số những nước đầu tiên cắt giảm chi tiêu quốc phòng, trong đó bao gồm việc hủy mua máy bay F/A-18 Hornet vốn được lên kế hoạch từ trước đó.

Năm 1998, một phân tích kinh tế lưu ý rằng ngân sách quốc phòng của Thái Lan đã giảm "không cân xứng do sự suy giảm trong tăng trưởng kinh tế".

Và hiện nay Thái Lan đang phải đối mặt với viễn cảnh kinh tế khó khăn. Khả năng cạnh tranh trong thế mạnh xuất khẩu truyền thống (như gạo) đã giảm trong thời gian gần đây, và nước này đã bị suy giảm xuất khẩu trong ba năm liên tiếp.

Doanh thu du lịch cũng đã giảm mạnh kể từ cuộc đảo chính năm 2014. Nền kinh tế khó có thể tăng trưởng hơn 3% trong năm 2015. Điều này buộc chính phủ Thái Lan phải xem xét việc tăng thuế,...

Thật không may cho hải quân Thái Lan, hạn chế về tài chính có thể sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các đề xuất mua sắm của họ.

Hải quân Thái Lan cũng có vai trò, vị trí không phải là quan trọng nhất trong hệ thống cấp bậc quân đội Thái Lan, khi Lục quân trong lịch sử là lực lượng luôn chiếm ưu thế.

Lục quân Thái Lan là binh chủng kiểm soát các cuộc bổ nhiệm quan chức và giới chức chính trị quan trọng. Ví dụ, nhiều thủ tướng Thái Lan đã xuất thân từ Lục quân.

Kết quả là, hải quân Thái Lan đang bị hạn chế nhiều về các nguồn lực và tầm ảnh hưởng. Điều này một phần là do sự ưu tiên chiến lược của Lục quân, đồng thời cũng là do những ảnh hưởng lâu dài từ việc cạnh tranh giữa các quân binh chủng và giới chính trị.

Giới lãnh đạo quân sự Thái Lan tại một cuộc họp báo ở Bangkok ngày 20/5/2014. Ảnh: Reuters

Năm 1947, hải quân Thái Lan nhận thấy họ đã chọn sai bên trong một trò chơi quyền lực chính trị trong nước.

Hải quân đã hỗ trợ ông Pridi Phanomyong nhưng đã bị thất bại trước ông Phibun Songkram được Lục quân hậu thuẫn, người sau này trở thành Thủ tướng của Thái Lan.

Kể từ đó lực lượng hải quân Thái Lan chỉ được ưu tiên trong một số giai đoạn ngắn ngủi, chẳng hạn như trong những năm 1990. Trong bối cảnh nổ ra một cuộc thảm sát người biểu tình Đen May năm 1992, Lục quân Thái Lan đã mất vị thế đáng kể.

Kết quả là, Hải quân đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn trong việc phát triển lực lượng hàng hải, chiến lược và các ưu tiên. Hải quân Thái Lan đã được phép mua một tàu sân bay, Chakri Naruebet, và một vài máy bay tấn công cánh cố định.

Kế hoạch mua tàu ngầm và xây dựng một căn cứ hải quân đã được công bố. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 gần như đã kết thúc thời kỳ hoàng kim của việc phát triển Hải quân Thái Lan.

Nếu Thái Lan thực sự tiến hành mua tàu ngầm của Trung Quốc, sẽ là hợp lý khi cho rằng nước này đã mua một khối lượng đáng kể các vũ khí từ Trung Quốc - bao gồm tàu khu trục và tàu tuần tra - trong những năm qua.

Yếu tố chính ở đây là giá cả. Điều này nhấn mạnh một đặc tính vốn có từ lâu trong chính sách quốc phòng của Thái Lan: Mục tiêu quốc phòng Thái Lan nói chung là để có một lực lượng vũ trang có khả năng răn đe, chứ không phải để phát triển một lực lượng có khả năng nổi trội.

Tàu ngầm Trung Quốc không nhất thiết phải là một mối quan tâm địa chính trị. Một số người Thái đã bắt đầu cho rằng những căng thẳng ở Biển Đông là một vấn đề an ninh lâu dài, nhưng nhiều người khác không nghĩ vậy.

Thái Lan không có liên hệ trực tiếp trong các tranh chấp này. Nhưng tính hợp pháp của chính quyền quân sự là rất hạn chế. Có thể chính phủ Thái Lan chỉ xem xét việc mua tàu ngầm vốn không được ưa chuộng là nhằm thu hút sự ủng hộ vì một số lý do.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại