Lý do Nga, Mỹ lo ngại việc TQ có được công nghệ tên lửa RS-28

Hòa Trần |

Lực lượng Pháo binh số 2 của Trung Quốc sẽ như "Hổ mọc thêm cánh" nếu sở hữu được công nghệ tên lửa đạn đạo tối tân RS-28 Sarmat của Nga.

Tạp chí Jane's của Anh gần đây đưa ra báo cáo tại Trung tâm phân tích quân sự Mỹ cho rằng, Nga đã thử nghiệm thành công một loại thiết bị bay siêu thanh mới có tên gọi là Yu-71 (phiên bản cải tiến nâng cấp từ vũ khí siêu âm X-90 những năm 1990).

Các chuyên gia cho rằng, đề án tên lửa hành trình siêu thanh do Nga chế tạo với tên gọi “Dự án 4202” nhằm tạo ra bộ phận chiến đấu cho tên lửa RS-28 Sarmat.

Tuy RS-28 vẫn đang trong quá trình nghiên cứu nhưng việc thử nghiệm của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạng nặng này đã khiến người Mỹ rất bất an. Vậy tên lửa RS-28 Sarmat quan trọng như thế nào đối với Nga.

Đồ họa thiết bị bay siêu thanh Yu-71 của Nga

Uy lực đáng sợ của tên lửa RS-28

Cuối năm 2009, Tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược Nga tuyên bố, Nga sẽ nghiên cứu tên lửa xuyên lục địa nhiên liệu lỏng hạng nặng kiểu mới, để thay thế các tên lửa SS-18 và SS-19.

Bộ Quốc phòng Nga cũng đã đưa dự án này vào “Kế hoạch vũ khí trang bị quốc gia 2011 - 2020” của Liên bang, dự kiến năm 2016 sẽ hoàn thành công tác nghiên cứu thiết kế tên lửa và đến năm 2018 trang bị cho quân đội.

RS-28 Sarmat sẽ được nâng cấp sâu dựa trên cơ sở tên lửa SS-18 Satan, dự kiến trọng lượng phóng của RS-28 nhỏ hơn SS-18 nhưng có khả năng thâm nhập mạnh hơn, có thể phá vỡ hiệu quả hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ.

Theo thông tin mà Trung tâm Makeyev tiết lộ, tên lửa Sarmat có thể mang được 10 đầu đạn hạt nhân hạng nặng hoặc 15 đầu đạn hạt nhân phân hướng, tầm bắn lên tới 10.000 km.

Tên lửa này có thể sử dụng tư tưởng thiết kế “có một trong hai”, khác biệt hoàn toàn với đề xuất của Tây Âu và Mỹ.

Từ những phân tích trên cho thấy, Nga đang thiết kế một loại tên lửa xuyên lục địa siêu cấp, nó là sự tích hợp tên lửa đạn đạo RS-28 và đầu đạn siêu thanh Yu-71.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa SS-18 Satan

Nga, Mỹ lo ngại Trung Quốc có được công nghệ tối tân từ Ukraine

Đáng lo ngại là việc Nga cho rằng Trung Quốc đã có được 2 công nghệ này. Mặc dù thực tế cho thấy nền tảng nghiên cứu của Wu-14 của Trung Quốc vẫn là X-90 của Liên Xô.

Tuy nhiên điều khiến Mỹ và Nga lo lắng không phải vấn đề này, mà là việc Trung Quốc có được toàn bộ công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạng nặng RS-28 trên cơ sở tên lửa đạn đạo xuyên lục địa SS-18 (R-36M2) Satan từ Ukraine.

Truyền thông Mỹ và Nga cho rằng sự hỗn loạn của Ukraine có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng sâu của nền kinh tế nước này, rất dễ xuất hiện việc sử dụng công nghệ hiện đại để đối lấy tài chính hoặc trở thành con bài mặc cả lôi kéo quốc tế.

Theo báo chí Nga, quốc gia có hứng thú nhất đối với công nghệ tên lửa Ukraine là Trung Quốc và Israel. Nhìn từ mối quan hệ quốc gia và lịch sử hợp tác, bất luận từ phương diện nào thì Trung Quốc đều có ưu thế lớn nhất.

Vậy tại sao Mỹ và Nga lại đánh giá cao sự lan rộng của công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa R-36M2 Voevoda như vậy?

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa R-36M2 (Tổng cục tên lửa pháo binh Nga gọi là 15A18M, trong hiệp định cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược Mỹ - Nga gọi là RS-20V, NATO gọi là SS-18 Satan) dài 34,3 m, đường kính 3 m, trọng lượng 211 tấn, tầm bắn tối đa 15.000 km.

Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga hiện còn 54 quả tên lửa loại này, đây là bùa răn đe hạt nhân của Nga đối với Mỹ, và Nga đang muốn kéo dài tuổi thọ của SS-18 để sử dụng đến năm 2026.

Ưu thế của tên lửa R-36M2 ở chỗ nó sử dụng công nghệ phân hướng, mang được 10 đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ từ 750 kT, nó có thể phá vỡ mạng lưới chống tên lửa của nước lớn giống như hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Nếu trang bị 1 một đầu đạn duy nhất, tên lửa Satan sẽ mang được đầu đạn có đương lượng 20 MT.

Thủ đoạn tác chiến của nó là thông qua vụ nổ từ trên cao để phá hủy cơ sở hạ tầng viễn thông và thiết bị điện tử trên toàn lãnh thổ kẻ thù, gây ra một đòn chí tử với đối phương.

Mỹ và Nga cho rằng Trung Quốc coi trọng tên lửa Satan vì những lý do sau:

- Một là sức răn đe của tên lửa này rất đáng sợ, chỉ cần một quả tên lửa xuất hiện cũng khiến cho đối phương phải lao đao.

- Hai là tầm bắn của SS-18 đã vượt qua giới hạn của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đang phục vụ trong quân đội Trung Quốc. Nếu có được công nghệ này, Trung Quốc sẽ dùng để thay thế cho tên lửa DF-5 cũ và có được khả năng răn đe hạt nhân lớn hơn.

- Ba là công nghệ phân hướng mạnh của tên lửa SS-18 có thể dẫn đường cho nhiều đầu đạn tấn công, giúp nâng cao khả năng thâm nhập của Trung Quốc đối với hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ.

Với 10 đầu đạn trang bị trên tên lửa SS-18 Satan, đây là ưu thế lớn hơn rất nhiều so với 4 - 5 đầu đạn phân hướng của Trung Quốc.

- Bốn là nâng cao công nghệ tên lửa hàng không Trung Quốc, vì công nghệ tên lửa chiến lược và tên lửa đẩy là giống nhau, giúp Trung Quốc thực hiện được kế hoạch nghiên cứu tên lửa đẩy kiểu lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại