Lực lượng tàu ngầm Mỹ lép vế trước Nga, Trung Quốc, Iran

Thiên Minh |

(Soha.vn) - Trong khi Hải quân Mỹ cắt giảm 30% lực lượng tàu ngầm thì Trung Quốc, Nga và Iran đã hình thành mối đe dọa trong khu vực từ các tàu ngầm chiến lược.

Trong khi Hải quân Mỹ cắt giảm 30% lực lượng tàu ngầm thì Trung Quốc, Nga và Iran đã hình thành mối đe dọa trong khu vực từ các tàu ngầm chiến lược và xây dựng khả năng tác chiến ngầm dưới biển.

Chuẩn Đô đốc Richard Breckenridge, phụ trách chương trình tàu ngầm của Lầu Năm Góc cho rằng sự suy giảm của lực lượng tàu ngầm Mỹ đang khiến lợi thế quân sự trọng yếu của nước này bị đe dọa.

Để chứng minh cho luận điểm của mình, ông đã vạch ra những bước tiến trong chương trình tác chiến tàu ngầm của Trung Quốc, Nga và Iran.

Theo Breckenridge, Trung Quốc chủ yếu sử dụng lực lượng ngầm để đe dọa sự hiện diện từ các tàu mặt nước của Mỹ, hòng làm giảm sức ảnh hưởng tích cực, bền vững của lực lượng Hải quân Mỹ.

Ông cảnh báo rằng chương trình tàu ngầm của Trung Quốc đang “phát triển hướng tới một lực lượng ngầm chiến lược toàn cầu”.

Các tàu ngầm tên lửa lớp Jin được trang bị tên lửa đạn đạo JL-2, khiến chúng không chỉ đơn thuần là làm nhiệm vụ kiểm soát hàng hải trong khu vực.

Bên cạnh đó, Hải quân Trung Quốc cũng đang xây dựng lực lượng tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường thông thường.

Tháng Bảy vừa qua, các quan chức quốc phòng Mỹ hé lộ với tờ Free Bacon rằng năm sau, tàu ngầm tên lửa chiến lược mới của Trung Quốc sẽ thực hiện các chuyến tuần tra đầu tiên trên biển. Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai tàu ngầm tên lửa chiến lược đi xa bờ.

Hiện tại, Trung Quốc có 3 tàu ngầm lớp Jin được trang bị 12 tên lửa JL-2. Trung Quốc gọi đây là tàu ngầm Type 094, lớp Jin.

Tàu ngầm Type 094 Trung Quốc
Tàu ngầm Type 094 Trung Quốc

Trung tâm tình báo không gian và hàng không quốc gia nhận định, JL-2 sẽ lần đầu tiên mang lại cho Trung Quốc khả năng tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ từ bờ biển Trung Quốc.

Sau khi triển khai ít nhất 5 tàu ngầm lớp Jin, Trung Quốc hiện đang hoàn thiện một phiên bản tàu ngầm tên lửa hiện đại hơn có tên là Type 096.

Báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc trình lên Quốc hội Mỹ cho thấy Trung Quốc hiện đang ưu tiên xây dựng lực lượng tàu ngầm và hiện tại có hơn 55 tàu ngầm, bao gồm 2 tàu ngầm tấn công lớp Shang và 4 biến thể cải tiến khác nhau của loại tàu ngầm này. Trong thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ đóng tàu ngầm tấn công tên lửa Type 095.

Ngoài ra, Trung Quốc còn có 12 tàu ngầm lớp Kilo do Nga sản xuất, một số trong những chiếc tàu ngầm này được trang bị tên lửa hành trình chống tàu SS-N-27, 13 tàu ngầm lớp Song và 8 tàu ngầm lớp Yuan. Sẽ có khoảng 20 tàu ngầm lớp Yuan được triển khai trong tương lai.

Về phía Nga, Breckenridge cho biết Nga đang xây dựng 2 lớp tàu ngầm tiên tiến, có tên gọi là tàu ngầm tên lửa hạt nhân Borei và một lớp tàu ngầm thông thường, mang tên lửa dẫn đường là Severodvinsk. Breckenridge cho rằng chương trình tàu ngầm của Nga đang ở “cấp chiến lược toàn cầu”.

Tàu ngầm lớp Borei hiện đang được triển khai và ít nhất 5 chiếc tàu ngầm nữa thuộc lớp này sẽ được xây dựng.

Tàu ngầm lớp Borei Yuri Dolgoruky của Nga
Tàu ngầm lớp Borei Yuri Dolgoruky của Nga

Tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường lớp Severodvinsk sẽ được trang bị 8 ống tên lửa thẳng đứng, gấp đôi so với số ống phóng trang bị trên tàu ngầm tấn công lớp Virginia của Mỹ.

Về phía Iran, lực lượng tàu ngầm của Tehran gồm 3 tàu ngầm lớp Kilo do Nga sản xuất, 1 tàu ngầm nội địa lớp Nahang và khoảng 12 tàu ngầm mini lớp Ghadir, tạo thành mối đe dọa trong khu vực.

Rick Fisher, một nhà phân tích các vấn đề về quân đội Trung Quốc cũng thừa nhận rằng thách thức tiềm năng mà Breckenridge đã đề cập là có thật.

Hải quân Trung Quốc có thể có tới 53 tàu ngầm tấn công thông thường, từ cũ cho tới khá hiện đại, thêm vào đó là 5 tàu ngầm tấn công hạt nhân, tổng cộng là 58 tàu ngầm” – Fisher nhận định lực lượng tàu ngầm này còn có thể được mở rộng hơn.

Nếu Trung Quốc có tới 92 tàu ngầm thì có nghĩa là Hải quân Mỹ đang phải đối mặt với một thách thức vô cùng ghê gớm, đòi hỏi lực lượng tàu ngầm Mỹ phải duy trì số lượng trên 50 tàu ngầm để ngăn chặn sự tiêu hao sinh lực nhanh chóng”- Fisher nói.

Trong khi đó, lực lượng tàu ngầm Mỹ sẽ bị cắt giảm 25% trong vòng 15 năm tới, tổng số tàu ngầm sẽ giảm từ 75 xuống 52.

Bên cạnh số tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường và tàu ngầm tấn công phải “nghỉ hưu”, số lượng tàu ngầm sắp được triển khai trên toàn thế giới sẽ giảm 40%, mặc dù Mỹ đang xây dựng 2 tàu ngầm tấn công lớp Virginia mỗi năm.

Hải quân Mỹ tiếp nhận siêu tàu ngầm hạt nhân Virginia thứ 10
Tàu ngầm hạt nhân USS Minnesota, lớp Virginia của Mỹ

Để giải quyết nhu cầu ngày càng tăng về sức mạnh ngầm, Breckenridge đưa ra một số ưu tiên cho chiến lược tàu ngầm của Mỹ như sau:

Duy trì khả năng răn đe hạt nhân với một tàu ngầm tên lửa để thay thế cho các tàu ngầm lớp Ohio. Dự kiến, lớp tàu thay thế bắt đầu chế tạo vào năm tài chính 2021, chuyển giao cho hải quân năm 2027. Từ năm 2031, nó sẽ tiến hành cuộc tuần tra răn đe mang tính chiến lược đầu tiên.

Để ngăn chặn sự sụt giảm số lượng tàu ngầm tấn công, Breckenridge cho rằng Hải quân Mỹ phải duy trì tốc độ đóng 2 tàu ngầm lớp Virginia mỗi năm, tăng cường lắp đặt module VPM (Virginia Payload Module) với 4 ống phóng cho các tàu ngầm Virginia và tái sản xuất ngư lôi.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: quansu@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại