Lữ đoàn dù 305 - Khúc tráng ca lặng lẽ - Kỳ 4: Tôi luyện trên trời xanh

My Lăng |

Đầu năm 1961, khi gọi lữ đoàn trưởng và chính ủy Lữ đoàn dù 305 đến giao nhiệm vụ, thiếu tướng, Phó tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn đã khẳng định: “Về kỹ thuật chúng ta hoàn toàn dựa vào sự giúp đỡ của bạn, nhưng về chiến thuật và nghệ thuật chiến dịch của binh chủng dù, ta phải dựa vào điều kiện cụ thể của mình, vào thực tiễn cuộc chiến đấu đã, đang và sẽ xảy ra ở chiến trường miền Nam”.

Kỳ 3: Nhiệm vụ đầu tiên

Chỉ với một khinh khí cầu

Lữ đoàn dù chuyển từ Bắc Ninh về Lạng Giang (Bắc Giang) đóng quân, tập kết huấn luyện tại các bãi nhảy lớn: sân bay Kép, Buộm (Lạng Giang), Chũ (Lục Ngạn)...

“Yêu cầu về tư tưởng, tinh thần của bộ đội dù rất cao. Không có lòng dũng cảm thì không nhảy dù được” - đại tá Dương Tuấn Kiệt khẳng định.

Để giải quyết sự băn khoăn lo lắng ban đầu, chính ủy Nguyễn Nam Khánh đã xung phong nhảy dù lần thứ nhất ngay đợt đầu.

Đại tá kỳ cựu Lữ đoàn dù 305 Dương Tuấn Kiệt vẫn không quên được khung cảnh nhộn nhịp mỗi lần đi huấn luyện.

Hàng trăm chiếc dù được chở từ kho ở sân bay Kép ra bãi nhảy. Cái kho có mấy nghìn chiếc dù vì có khi nhảy tiểu đoàn rất đông, hàng ngàn người.

“Toàn bộ dù mình học đều của Liên Xô tặng. Liên Xô cử 5 chuyên gia sang giúp đỡ giảng dạy, theo dõi động tác. Máy bay họ cũng lái vì lúc đó mình chưa có phi công.

Mỗi lần nhảy là một lần thử thách. Không bầm dập, trẹo tay, bong gân, không đau ê ẩm thì không phải là bộ đội dù.

Có bữa đang lơ lửng trên trời, gió lớn kéo lên cây hoặc làm quấn dây dù, không điều khiển tới đích nhảy được, rớt xuống đất bầm dập khiếp lắm” - ông Kiệt mỉm cười khi nhớ lại.

Nếu huấn luyện bằng máy bay ngay như An-2 thì bộ đội chưa quen, chưa bình tĩnh, nên năm 1964 Liên Xô đưa sang Việt Nam một quả khinh khí cầu lớn.

“Có khinh khí cầu, bộ đội mình nhảy để làm quen với độ cao trước rồi mới lên các máy bay vận tải nhảy cho chuẩn xác, an toàn hơn” - ông Kiệt nói. Ngày ấy ông Kiệt là giáo viên chính phụ trách đội nhảy khinh khí cầu.

Địa điểm nhảy dù từ khinh khí cầu là dốc Sàn (Bắc Giang), sau tận dụng cả sân bay Chũ để nhảy. Mỗi lần huấn luyện, quả khinh khí cầu bên dưới treo một thùng sắt vuông, có cửa như máy bay, chở 6 - 8 người.

Quả khinh khí cầu nối với một xe dưới đất bằng cuộn dây thép dài 600 - 800m, tùy theo bài nhảy rộng hay hẹp mà độ dài dây khác nhau.

Khi giáo viên hô, lần lượt từng người nhảy xuống mang theo vũ khí (một khẩu AK đã lắp một băng đạn, phía trước đeo thêm bốn băng đạn và một balô trang bị cá nhân sau lưng).

“Khẩu súng AK của lính dù không có báng gỗ mà dùng báng gấp bằng sắt, được tách làm hai phần” - ông Kiệt cho biết.

“Nhảy xong, xe kéo dây cáp lại, hạ khinh khí cầu xuống để tốp khác lên nhảy. Lữ đoàn có sáu tiểu đoàn, cứ thay nhau tập vì phương tiện tập lúc đó quá ít, chỉ có một quả khinh khí cầu Liên Xô tặng” - ông Trần Quang Minh cho biết.

Lính dù tập luyện

Lính dù hành quân - Ảnh tư liệu (M.L. chụp lại)

“Tiểu đội cò mồi”

Ông Đàm Trọng nhớ lại những ngày đầu mới huấn luyện lính trên máy bay An-2 ở độ cao 1.000 m:

“Nhiều cậu đứng ở cửa máy bay từ trên không 1.000 m nhìn xuống đã... rớt tim. Lần đầu thì nhắm mắt nhảy. Rơi xuống cứ tuồn tuột, tuồn tuột, thế là sợ.

Lần thứ hai hầu hết chiến sĩ không dám nhảy, nằm bẹp ngay trước cửa máy bay! Động viên cỡ nào cũng không chịu nhảy vì sợ... dù không mở!”.

Ngày ấy thượng sĩ Đàm Trọng là trung đội trưởng trung đội công binh dù. Người cựu binh này là một trong những cán bộ dù được đào tạo cấp tốc trong nước năm 1961.

Ông đùa bảo mình đạt “kỷ lục thế giới” vì được huấn luyện chỉ trong...12 ngày (từ 27-2 đến 10-3-1961) để huấn luyện lại cho anh em trong trung đội công binh dù (thuộc Lữ đoàn dù 305).

“Chúng tôi phải huấn luyện sâu, nhiều hơn bộ binh vì mang thêm vũ khí, khí tài. Chỉ riêng bọc bộc phá đã 10 kg, chưa kể súng, đạn...

Tập luyện vất vả là thế nhưng việc quán triệt tư tưởng còn vất vả bội phần. Bộ đội đặc biệt nên phải giáo dục kỹ, làm công tác tư tưởng khổ lắm. Nhưng lạ cái là những anh nào nông dân lại dũng cảm. Anh trí thức lại rất nhát” - ông Trọng cười bảo.

Trong khi đó, ở đội khinh khí cầu, giáo viên chính phụ trách đội nhảy khinh khí cầu Dương Tuấn Kiệt thì nghĩ ra một “diệu kế”: đến ĐH Thể dục thể thao ở Bắc Ninh tuyển 12 cô về, huấn luyện thành đội vận động viên dù.

“Mấy cô khoái lắm - ông Kiệt kể - Cô Hồng, cô Loan, cô Nhung... cô nào cũng xinh. Hồi đó chúng tôi hay gọi vui là tiểu đội “cò mồi” để nhử, để khích mấy anh nhà ta nhảy đấy.

Mỗi lần dạy mấy anh, chúng tôi để mấy cô nhảy trước nhử mấy ảnh. Mấy anh xấu hổ quá, chịu nhảy rồi nhảy ào ào”.

Những người lính dù ngày ấy được nhảy trên các loại máy bay, từ máy bay vận tốc dưới 200 km/giờ như An-2 đến trên 200 km/giờ như Li-2, IL-14 (nhảy trong chiến đấu và nhảy dài).

“Máy bay Li-2 của Liên Xô chở một lần cả trung đội, thả dù trắng cả cánh đồng Buộm. Ở sân bay Chũ còn huấn luyện mỗi lần cả một tiểu đoàn khi nhảy ở đội hình chiến đấu.

Có lần dùng cả ba biên đội chín chiếc máy bay IL-14 để huấn luyện. Có khi đến 12 chiếc IL-14!

Trong lực lượng dù hầu hết là anh em miền Nam, huấn luyện để về lại miền Nam chiến đấu nên ai cũng luyện tập rất chăm chỉ, tập trung” - ông Trần Quang Minh nhớ lại.

Dựa vào lý thuyết của Liên Xô, ban huấn luyện Lữ đoàn dù 305 nghiên cứu vận dụng rồi đưa ra các bài nhảy nâng cao ở mọi địa hình (rừng núi, đồi, sông, hồ rồi ra biển), mọi thời tiết (trời mù, mưa), nhảy cả đêm và những độ cao khác nhau.

Ông Bùi Xuân Dưỡng cho biết: “Giáo viên huấn luyện chúng tôi phải “thí nghiệm” nhảy trước hàng chục lần. Thấy an toàn mới đưa bộ đội đi nhảy. Mang vác cái gì cũng phải thí nghiệm trước”.

“Mỗi lần đưa anh em lên máy bay nhảy là đêm đó tui không ngủ được vì lo. Mỗi lần bay phải đảm bảo an toàn cho cả hàng trăm con người căng thẳng lắm”, đại tá Dương Tuấn Kiệt tâm sự.

Lữ đoàn dù 305 đã tổ chức rất nhiều đợt nhảy dù nâng cao như nhảy phân đội trinh sát xuống khe, thung lũng hẹp vùng Nghĩa Lộ (Yên Bái), nhảy xuống đồi Lục Ngạn (Bắc Giang).

Có khi máy bay chở bộ đội từ Kép ra hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc), hồ Đầm Nậu (Phú Thọ) thả. Có bữa cho bộ đội nhảy xuống rừng Hữu Lũng (Lạng Sơn), lái dù sao cho dù đừng mắc lên cây.

Nặng nề nhất là bài nhảy ban đêm ở rừng núi. Bài nhảy nguy hiểm thứ hai là nhảy độ cao thấp để tránh các tầm quan sát của địch.

Mỗi người phải mang khí tài hàng chục ký nhảy ở độ cao 700 m, còn 200 - 300 m nữa tiếp đất mới bung dù để đảm bảo bí mật.

“Nhảy độ cao thấp thì yêu cầu phải xử lý nhanh. Nếu vội vàng tiếp đất sớm quá sẽ gãy tay gãy chân. Nhưng nếu dù không mở, xử lý không kịp là chết ngay” - ông Kiệt nói.

Từ năm 1962 - 1964, Lữ đoàn dù 305 đã huấn luyện từ tổ ba người đến cấp tiểu đội và trung đội chiến đấu. Bộ đội dù đã diễn tập trên mặt đất ở cấp tiểu đoàn, lữ đoàn chiến đấu bằng các hình thức chiến thuật: phòng ngự, tiến công, phản công.

Đặc biệt năm 1962, bộ đội dù đã diễn tập cấp tiểu đoàn nhảy dù trên chín máy bay Li-2 đánh chiếm đầu cầu bến vượt sông tại Bắc Ninh, Hải Dương; phối hợp đảm bảo cho sư đoàn 308 vượt sông chiến đấu.

“Các chuyên gia Liên Xô khen: bộ đội Việt Nam tập luyện đơn giản nhưng lên máy bay là nhảy được. Liên Xô cũng có người sợ không dám nhảy chứ không phải riêng Việt Nam đâu.

Các chuyên gia Liên Xô đánh giá: hầu hết các nước trên thế giới khi huấn luyện nhảy dù đều có tử vong. Riêng Việt Nam chưa có ai thương vong”, ông Bùi Xuân Dưỡng cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại