Đe dọa mới
Khả năng quân sự hiện tại và tương lai của Triều Tiên vẫn là một trong những vấn đề an ninh quốc gia đau đầu nhất mà Mỹ phải đối diện.
Sự việc lại càng trở nên cấp bách hơn khi trong tuần này Bình Nhưỡng lại vừa đưa ra những đe dọa mới. Hôm qua (24/1), Triều Tiên tuyên bố Mỹ là kẻ thù “truyền kiếp” và thông báo các kế hoạch thử hạt nhân lần ba và nhiều vụ thử tên lửa tầm xa mới trong những tháng tới.
“Chúng tôi không giấu giếm rằng các loại vệ tinh và tên lửa tầm xa mà chúng tôi sẽ phóng cũng như kế hoạch thử hạt nhân cấp độ cao hơn mà chúng tôi sẽ tiến hành là nhắm tới nước Mỹ - kẻ thù không đội trời chung”, tuyên bố của Quân ủy Triều Tiên cho biết.
“Đối đầu với Mỹ cần phải bằng vũ lực chứ không phải ngôn từ”, Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA nhấn mạnh.
Nước Mỹ quan ngại
Khi nói đến các khả năng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, những bình luận chính thống của tình báo Mỹ thường khá điềm tĩnh.
“Triều Tiên tiếp tục theo đuổi việc phát triển, sản xuất và triển khai các tên lửa đạn đạo với tầm bắn và độ phức tạp ngày càng tăng”, báo cáo công khai năm 2012 của Văn phòng Giám đốc tình báo Quốc gia Mỹ gửi Hội nước này đã nói như vậy.
Tuy nhiên, đôi khi các quan chức hàng đầu Mỹ lại bày tỏ quan ngại nhiều hơn trong các tuyên bố công khai của họ. Tháng 1/2013, vài tuần sau khi Triều Tiên phóng thành công tên lửa Unha-3 đưa vệ tinh lên quỹ đạo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã phát biểu với binh lính Mỹ: “Triều Tiên vừa mới bắn tên lửa. Lạy Chúa, đó là một tên lửa đạn đạo liên lục địa. Điều này có nghĩa là họ có khả năng tấn công nước Mỹ”.
Người tiền nhiệm của ông Panetta, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, trước khi rời nhiệm sở đã cảnh báo rằng Triều Tiên có thể sẽ sở hữu các tên lửa đủ khả năng vươn tới nước Mỹ lục địa vào năm 2015 hoặc 2016.
Khả năng gây tranh cãi
Liệu Triều Tiên có thể tấn công Mỹ bằng tên lửa đạn đạo? Liệu tên lửa đó có mang theo đầu đạn hạt nhân?
Câu trả lời ngắn gọn cho những câu hỏi này là: “Về lý thuyết, có thể, nhưng trong thực tế có thể không” hay "không, chưa thể”. Còn câu trả lời dài hơn xoay quanh một thực tế từ nhiều thập kỷ nay, các chuyên gia bên trong và bên ngoài cộng đồng tình báo Mỹ luôn cố gắng để hiểu được các chương trình vũ khí và ý đồ địa chính trị của Triều Tiên.
Theo một phân tích của Trung tâm Nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân (CNS) thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Monterey ở California, về lý thuyết, tên lửa đạn đạo dựa trên công nghệ của tên lửa đẩy Unha có thể mang một tải trọng cỡ đầu đạn hạt nhân bay xa tới những vùng như Alaska, Hawaii, hoặc một phần nước Mỹ lục địa.
Tuy nhiên, CNS cũng chỉ ra, các vụ phóng tên lửa Unha trước đây trong năm 2006 và 2009 đã không thành công, làm gia tăng nghi vấn về độ tin cậy của công nghệ. Ngoài ra, vì đó là một tên lửa nhiên liệu lỏng nên phải mất nhiều giờ thậm chí nhiều ngày để tiếp nhiên liệu khi đã ở trên bệ phóng. Trong khoảng thời gian này, tên lửa sẽ rất dễ bị tấn công.
“Mặc dù Unha là một bước tiến tới khả năng tên lửa đạn đạo nhưng bản thân nó chưa phải là hệ thống đáng tin cậy có thể mang vũ khí hạt nhân vươn tới nước Mỹ lục địa”, CNS nhận định.
Theo chuyên gia phân tích Markus Schiller của RAND, các vụ thử nghiệm tên lửa trong quá khứ của Triều Tiên dường như mang tính phô trương là chính chứ nước này chưa bao giờ thử một thiết kế đầu đạn hạt nhân thực sự. “Vì vậy, quan ngại về những vụ thử tên lửa của Bình Những đã bị thổi phồng”, Schiller viết trong một báo cáo về chương trình tên lửa của Triều Tiên năm 2012.
“Mỗi vụ phóng lại càng bộc lộ thêm sự hạn chế trong các kho vũ khí của Triều Tiên, và Bình Nhưỡng chưa đạt được kinh nghiệm thực tế nào từ những sự kiện này. Vì mục đích của các vụ phóng đó có vẻ mang tính chính trị nên Mỹ và các nước khác nên đánh giá thấp hoặc thậm chí nên phớt lờ”.
Thế nhưng, không phải tất cả các chuyên gia đều tỏ ra lạc quan như vậy. Chẳng hạn như việc mới đây Hải quân Hàn Quốc đã thu được các mảnh vỡ từ tầng thứ nhất của tên lửa Unha-3 cho thấy có một số bộ phận nước này sử dụng công nghệ thu nhận được từ nước ngoài. Động cơ dường như đã được bổ sung công nghệ mới và khả năng đẩy là những động cơ nhỏ phụ trợ thay vì cánh quạt phản lực.
“Triều Tiên không phải là Iraq, các tên lửa đạn đạo của họ dường như nguy hiểm hơn tình báo Mỹ dự đoán", Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á của CNS nhận xét.
“Hiện đang có xu hướng đánh giá thấp những gì Bắc Triều Tiên có thể làm trong lĩnh vực không gian và tên lửa, và có thể với công nghệ nói chung”, Lewis viết.