Thông tin này được tiết lộ bởi cựu sĩ quan Hải quân Xô Viết - Maksim Tokarev trong tác phẩm "Huyền thoại Liên Xô", với những nội dung chưa từng được công bố trước đây, bao gồm một thực tế là Liên Xô đã lên kế hoạch điều một phi đội khoảng 100 chiếc máy bay ném bom trang bị tên lửa chống tàu tấn công một nhóm tàu sân bay của Mỹ, và sẵn sàng chịu tổn thất một nửa trong số đó khi đối đầu.
Một chiếc máy bay ném bom Backfire của Liên Xô được hộ tống bởi chiến đấu cơ F-16 của Na Uy năm 1988.
Tài liệu trên cũng chỉ ra rằng lực lượng không - hải quân có nhiệm vụ lái các máy bay ném bom của Liên Xô chống lại các hạm đội tàu sân bay Mỹ, không tin tưởng vào thông tin mục tiêu mà họ nhận được từ vệ tinh hoặc từ các biện pháp tình báo khác. "Các nguồn đáng tin cậy nhất của những mục tiêu tàu sân bay trên biển là từ 'tàu theo dõi trực tiếp', hay còn gọi là 'd-tracker' - một tàu khu trục hoặc một loại tàu khác theo dõi các hạm đội tàu sân bay Mỹ liên tục trong thời bình - chúng có nhiệm vụ thông báo tọa độ các mục tiêu trên biển chỉ trong trường hợp có chiến tranh xảy ra", tài liệu viết.
Backfire là tên hiệu mà NATO đặt cho một loại máy bay ném bom tấn công trên biển tầm xa, siêu thanh, cánh cụp cánh xòe do Liên Xô phát triển (Liên Xô gọi là Tupolev Tu-22M). Rất nhiều máy bay loại này đang phục vụ trong lực lượng không quân Nga hiện nay.
Tupolev thực sự đã khiến cho các nhà hoạch định quốc phòng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đau đầu trong những năm 1970 và 1980. Nếu Chiến tranh Lạnh “nóng” lên, những chiếc Tu-22M sẽ tấn công các mục tiêu quan trọng của đối phương, bao gồm cả hàng không mẫu hạm Mỹ ở Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Những máy bay ném bom này cũng sẽ không kích các cảng và sân bay chủ yếu của NATO ở châu Âu, với mục đích cắt đứt các tuyến đường cung ứng đối với Mỹ.