Lần đầu tại Việt Nam, Tổng công ty Ba Son đã làm chủ công nghệ hàn ti-tan, bởi ngay cả ở nhà máy chuyển giao công nghệ của nước bạn cũng không có nhiều thợ hàn được vật liệu này.
Sau nhiều lần thử nghiệm (có cả thất bại), rồi loại trừ dần các lỗi kỹ thuật, tổng công ty đã làm chủ công nghệ này; đặc biệt đã chế tạo được máy hàn ti-tan tự động, đưa vào sản xuất, tạo ra hàng loạt sản phẩm ổn định về chất lượng, thẩm mỹ, bảo đảm tiến độ".
Tổng công ty Ba Son còn lựa chọn, đào tạo và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo trong chuẩn bị các trang thiết bị, đồ gá để đóng tàu; đã xây dựng chương trình đào tạo cụ thể, phù hợp với tiến độ đóng tàu ở nước bạn để cán bộ, công nhân kỹ thuật đi đào tạo có thể học hỏi đúng nội dung và thực hành trên sản phẩm đang đóng.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Lân đã đề xuất, lựa chọn sử dụng chuyên gia một cách hiệu quả và điều hành thực hiện công việc theo yêu cầu tiến độ.
Tổng công ty cũng sử dụng thiết bị dùng công nghệ la-de cùng với việc tự thiết kế chế tạo các đồ gá để lắp ráp hệ động lực và lắp các mặt phẳng chuẩn, bảo đảm độ chính xác cao trong kiểm tra và hiệu chuẩn hệ thống vũ khí khí tài.
Thiết bị này còn thay thế cho thiết bị chuyên dùng lẽ ra phải mua với giá nhiều tỷ đồng.
Tổng công ty Ba Son luôn quản lý tốt vật tư thiết bị mua sắm và chủ động tìm các nguồn thay thế, qua đó đã tự chế tạo lưới lọc không khí trong hệ thống hút gió máy chính, có tác dụng ngăn bụi bẩn, nước biển và các mảnh kim loại bay vào tua-bin (nếu mua của đối tác nước ngoài cần một lượng kinh phí lớn).
Đại tá Nguyễn Mạnh Lân cho biết: "Từ vật liệu sẵn có trên thị trường gần giống loại cước đan lưới đánh cá, chúng tôi đã nghiên cứu chế tạo thành lưới lọc khí.
Toàn bộ các thử nghiệm xác nhận chi tiết làm ra hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, được phép lắp lên tàu, giá thành rẻ, đặc biệt là có thể dùng thay thế cho các tàu cùng loại.
Một sáng tạo nữa của Ba Son là cho thử và nghiệm thu cùng một lúc 2 tàu chiến đóng mới, đã hỗ trợ tốt cho nhau để kiểm tra và thử hết các tính năng kỹ chiến thuật, nhờ đó giảm được nhiều chi phí" .
Sau 6 năm thi công miệt mài, sáng tạo của những người lính thợ Ba Son, những con tàu tên lửa hiện đại đầu tiên đã được bàn giao và biên chế vào đội hình thực hiện nhiệm vụ của Quân chủng Hải quân. Cặp tàu đang đóng mới dự kiến cũng sẽ hoàn thành, bàn giao vượt trước thời hạn nhiều tháng.
Thực hiện dự án đóng tàu tên lửa M, Tổng công ty Ba Son đã tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng, đặc biệt là tiết kiệm ngân sách không nhỏ thuê chuyên gia. Thành công đó có sự đóng góp lớn, rất hiệu quả của Trưởng ban dự án-Đại tá Nguyễn Mạnh Lân.