Khủng khiếp: 1 triệu lính và vũ khí hạt nhân trong CT Triều Tiên!

Quang Huy |

Cuộc chiến kéo dài và có thể chuyển thành chiến tranh vũ khí hạt nhân sẽ kéo theo những thiệt hại to lớn, đặc biệt thiệt hại về người của Hàn Quốc.

Kịch bản cuộc chiến tranh có thể xảy ra giữa Bắc và Nam

Theo đánh giá của đa số chuyên gia Nga và quốc tế, việc Bắc Triều Tiên đạt được một số thành công trong lĩnh vực hạt nhân – tên lửa, có thể trở thành lý do để đưa ra quyết định triển khai một chiến dịch quân sự chống lại Bình Nhưỡng.

Vụ thử bom nhiệt hạch và vụ phóng thành công vệ tinh bằng tên lửa đẩy gần như có ý nghĩa rằng Bình Nhưỡng đã đạt tới được lý do quan trọng này.

Kết luận dựa trên phản ứng rất tức tối của Phương Tây, cũng như sự tăng cường quân sự của Mỹ gần bờ biển Bắc Triều Tiên trong thời gian qua.

Một bằng chứng quan trọng cho thấy Phương Tây đang chuẩn bị hành động quân sự chống lại Bắc Triều Tiên đó là hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD có khả năng chống lại các tên lửa của Bình Nhưỡng đã được triển khai tại Hàn Quốc.

Có nghĩa rằng, thực tế một cuộc chiến tranh tại Triều Tiên đang hiện hữu. Mục tiêu của các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn cũng nói lên điều này.

Đã có những bài huấn luyện chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa từ phía Bắc Triều Tiên, tổ chức tấn công các cứ điểm trên mặt đất, tấn công phủ đầu hệ thống phòng không, chống thuỷ lôi và đổ bộ đường biển.

Mục đích của cuộc xung đột quân sự kiểu này trên bán đảo Triều Tiên là phá vỡ chính quyền Bắc Triều Tiên và đưa quốc gia này vào thành phần của Hàn Quốc, còn mục tiêu của phía Bắc Triều Tiên – bảo vệ chủ quyền của mình.

Tuy nhiên, nhiều khả năng, Trung Quốc cố gắng không để xảy ra việc Bắc Triều Tiên thua trận. Còn với Bình Nhưỡng, cuộc xung đột này là để sinh tồn. Bởi vậy, họ sẽ sử dụng toàn bộ tiềm lực quân sự của mình.

Bên cạnh đó, để đập tan được các lực lượng vũ trang Bắc Triều Tiên, đối phương sẽ phải tung ra các lực lượng tương đương về mặt quân số nhưng vượt trội về hiệu quả tác chiến.

Có thể khẳng định rằng, để triển khai một cuộc chiến tranh với Bắc Triều Tiên, đối phương cần phải thiết lập liên quân các nước với trụ cột là Mỹ và Hàn Quốc.

Trong bối cảnh tình hình chính trị quốc tế thuận lợi đối với hai nước này, thì Nhật Bản có thể tham gia cùng với một số quốc gia khác trong khu vực cũng như một số nước Châu Âu như Anh và Pháp.

Tổng quân số của liên quân có thể lên tới từ 900 nghìn cho đến 1 triệu người hoặc hơn.

Đồng thời sẽ có 3.000 xe tăng, 5-6 nghìn xe thiết giáp các loại, 8-10 nghìn pháo dã chiến, 1.800-2.000 máy bay các loại.

Từ phía biển sẽ có 150 tàu chiến (trong đó có tới 6 tàu sân bay) và 40 tàu ngầm (trong đó có tới 25 tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa hành trình “Tomahawk”) tham chiến cùng lúc.


Tàu sân bay Mỹ.

Tàu sân bay Mỹ.

Liên quân sẽ cố gắng đánh nhanh, thắng nhanh nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về nhân mạng và kinh tế. Nếu kéo dài có thể giúp Mỹ, Hàn Quốc và đồng minh giành được thắng lợi nhưng lại không đạt được toàn bộ những mục tiêu chính trị.

Trong trường hợp Quân đội Bắc Triều Tiên bị đập tan thì Trung Quốc có thể tham chiến nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của Bắc Triều Tiên.

Khi quyết định can thiệp quân sự chống lại Bắc Triều Tiên thì quá trình chuẩn bị cho cuộc chiến tranh đánh nhanh diệt gọn sẽ bắt đầu.

Mục đích của nó sẽ là thiết lập các điều kiện về chính trị - quân sự, luật pháp - ngoại giao, tâm lý - tinh thần và quân sự - chiến lược nhằm đảm bảo cơ hội và thành công cho cuộc chiến.

Một chiến dịch thông tin quy mô nhằm hạ uy tín của ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên trên trường quốc tế, trong nước và trong nội bộ người dân Bắc Triều Tiên sẽ được triển khai.

Họ sẽ tìm kiếm những nhân vật trong ban lãnh đạo quân sự và chính trị của Bắc Triều Tiên ở các cấp sẵn sàng phản bội vì sự an toàn và vì khoản tiền thưởng hậu hĩnh.

Tại LHQ, các nước liên quân sẽ bắt đầu rất tích cực hoạt động nhằm đạt được sự đồng ý của Hội đồng Bảo an để triển khai chiến dịch quân sự chống lại Bắc Triều Tiên.

Những nỗ lực lớn sẽ tập trung vào lĩnh vực ngoại giao để thiết lập liên quân các nước sẵn sàng tham gia vào chiến dịch chống lại Bắc Triều Tiên. Nhiều khả năng vai trò quan trọng sẽ được đặt lên vai NATO.


Một lượng lớn binh lính và vũ khí trang bị của liên quân sẽ được triển khai nếu chiến tranh nổ ra.

Một lượng lớn binh lính và vũ khí trang bị của liên quân sẽ được triển khai nếu chiến tranh nổ ra.

Về thời gian, theo kinh nghiệm hiện nay, giai đoạn chuẩn bị này có thể kéo dài từ nửa năm cho tới một năm rưỡi.

Khi giai đoạn này kết thúc, công tác chuẩn bị một cách công khai cho cuộc chiến chống lại Bắc Triều Tiên sẽ bắt đầu.

Căn cứ về mặt hình thức, để thực hiện điều này, hành động khiêu kích vũ trang gần biên giới hoặc trên biển sẽ được triển khai, khiến các lực lượng vũ trang của Bình Nhưỡng phải đáp trả.

Mục tiêu của giai đoạn này sẽ là thiết lập nhóm các lực lượng vũ trang liên quân để chiến đấu chống lại Bắc Triều Tiên, tổ chức dự trữ về vật chất và kỹ thuật và chuẩn bị về mặt tâm lý - tinh thần cho một cuộc chiến tranh.

Ở giai đoạn này, khi đối mặt với một hành động khiêu khích quân sự đang được chuẩn bị chống lại mình, Bắc Triều Tiên sẽ tiến hành tổng động viên các lực lượng vũ trang và triển khai các đơn vị chiến đấu tới những khu vực có khả năng xảy ra giao chiến.

Còn Mỹ sẽ triển khai đổ bộ chiến lược binh lính và vũ khí khí tài với tổng khối lượng có thể lên tới 5-8 triệu tấn.

Họ sẽ tiến hành các chiến dịch thông tin nhằm hạ uy tín ban lãnh đạo chính trị - quân sự Bắc Triều Tiên, trấn áp tinh thần chiến đấu của người dân và quân đội Bắc Triều Tiên.

Đồng thời họ cũng mua chuộc một số nhân vật lãnh đạo cao cấp của Bình Nhưỡng bên cạnh việc chuẩn bị về tinh thần và tâm lý cho người dân và quân đội của mình cho một cuộc chiến sắp sửa diễn ra.

Trong lĩnh vực này, phía Bắc Triều Tiên sẽ chuẩn bị về mặt tinh thần và tâm lý cho các lực lượng vũ trang và người dân.

Theo kinh nghiệm của các cuộc chiến và xung đột vũ trang thế kỷ 21, quá trình này có thể kéo dài 6-9 tháng.

Chiến tranh trên không

Trong giai đoạn đầu, “tập kích đường trên không” là phương thức tác chiến chủ yếu của liên quân với sự dẫn đầu của Mỹ, khống chế bầu trời, phá hủy hệ thống điều hành quân sự và quốc gia, tiêu diệt các nhà lãnh đạo chóp bu của Bắc Triều Tiên.

Nhiệm vụ số 1 là tiêu diệt tiềm lực hạt nhân của Bắc Triều Tiên, đập tan hoặc trấn áp các lực lượng bộ binh phòng thủ trong khu vực để triển khai các chiến dịch tấn công và đổ bộ, tiêu diệt lực lượng hải quân của đối phương.

Giai đoạn này, liên quân Mỹ - Hàn sẽ dùng tên lửa “không đối đất” để tấn công các cứ điểm và hệ thống phòng không và hạ tầng vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Bắc Triều Tiên có thể bắt đầu các hành động quân sự của mình bằng việc chủ động tấn công bằng pháo binh và tên lửa để giảm đi hiệu quả của đợt tấn công dồn dập phủ đầu của đối phương.

Tuy nhiên, thiệt hại về chính trị từ cuộc tấn công này đối với Bắc Triều Tiên sẽ lớn hơn nhiều – họ sẽ bị cộng đồng quốc tế lên án như một kẻ khiêu kích.

Các chiến dịch tuyên truyền trong giai đoạn này, ngoài việc trực tiếp đảm bảo cho các hành động quân sự, còn nhằm mục đích tạo phản ứng thuận lợi của cộng đồng quốc tế đối với những hành động của liên quân.

Đồng thời ngăn các nước thứ ba, trước tiên là Trung Quốc, đứng về phía Bắc Triều Tiên cũng như không để cho Bắc Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân.

Căn cứ vào hiện trạng của các lực lượng vũ trang và tinh thần của người dân Bắc Triều Tiên, cũng như trên cơ sở kinh nghiệm từ các cuộc xung đột tại Nam Tư và Lybia, có thể phỏng đoán rằng, giai đoạn này có thể kéo dài từ 2-3 cho đến 6-7 tháng hoặc hơn.

Giai đoạn này sẽ kết thúc bằng việc chấm dứt các hành động quân sự hoặc liên quân chuyển sang triển khai các chiến dịch trên bộ.

Lý do chấm dứt các hành động quân sự có thể là:

1. Ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên chấp nhận thua trận, nhưng điều đó khó có thể xảy ra.

2. Áp lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế hoặc sự can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột này của Trung Quốc khi đứng về phe Bắc Triều Tiên.

3. Mối đe dọa trực tiếp từ việc Bắc Triều Tiên sẽ chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân.

Trong giai đoạn này, Bắc Triều Tiên có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, nhiều khả năng, chỉ mang tính thể hiện (không gây thiệt hại cho đối phương) để khiến cho người dân và giới chóp bu liên quân hoảng sợ, ép họ phải tham gia đàm phán hòa bình.

Việc Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả là điều khó có thể xảy ra vì nó không tránh khỏi phản ứng của cộng đồng quốc tế và đẩy Bắc Triều Tiên tới việc sử dụng vũ khí hạt nhân thực sự.

Như vậy, nhiều khả năng, tới giai đoạn này thì các hành động quân sự sẽ chấm dứt.


Không quân Bắc Triều Tiên sẵn sàng nghênh chiến.

Không quân Bắc Triều Tiên sẵn sàng nghênh chiến.

Các chiến dịch trên mặt đất

Giai đoạn tiếp theo – các chiến dịch trên mặt đất. Giai đoạn này được bắt đầu từ việc thiết lập những điều kiện để liên quân thực hiện các chiến dịch tấn công đổ bộ trên cạn và trên biển với thiệt hại tối thiểu nhất.

Điều này có thể được thực hiện khi tiến hành trấn áp hiệu quả hệ thống phòng thủ chống đổ bộ của đối phương và phá hủy một phần hệ thống công sự phòng thủ của Bắc Triều Tiên và xâm chiếm lãnh thổ của quốc gia này.

Từ phía Bắc Triều Tiên – làm gián đoạn các chiến dịch tấn công và đổ bộ của đối phương bằng việc gây thiệt hại không thể chấp nhận được để bắt đối phương phải hòa hoãn.

Nhiệm vụ chủ yếu của giai đoạn này sẽ là các chiến dịch và hành động quân sự của bộ binh các bên trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên. Giai đoạn này có thể kéo dài vài tháng cho tới 1 năm.

Đưa quân bằng đường bộ vào lãnh thổ Bắc Triều Tiên, nhiều khả năng sẽ được bắt đầu từ việc triển khai chiến dịch đổ bộ bằng đường không và đường biển mang tầm quy mô chiến lược.

Để triển khai chiến dịch này cần sự tham gia của tới 150 tàu chiến các loại và tối đa 150-200 nghìn thủy quân lục chiến, các đơn vị lính dù, xe tăng và xe cơ giới mà sẽ đổ bộ lên bờ biển của đối phương 3-4 lớp dưới sự yểm trợ của không quân.

Căn cứ vào đặc điểm địa lý và mạng lưới các công sự phòng thủ quy mô, cũng như tinh thần chiến đấu cao của người dân và quân đội Bắc Triều Tiên, giai đoạn này sẽ kéo theo những thiệt hại về người và thiết bị quân sự của cả 2 bên.

Tổng thiệt hại về người của 2 bên có thể lên tới hàng chục nghìn, trong đó liên quân sẽ thiệt hại 25-30% trên tổng số.

Những thiệt hại này có thể rất nghiêm trọng đối với lực lượng của phe tấn công khiến cho liên quân phải từ bỏ những hành động quân sự và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán hòa bình.


Tên lửa đất đối đất của Bắc Triều Tiên.

Tên lửa đất đối đất của Bắc Triều Tiên.

Đáp trả bằng vũ khí hạt nhân

Hiểm họa sử dụng vũ khí hạt nhân trong giai đoạn này rất lớn. Khi đứng trước mối đe dọa bị tiêu diệt toàn bộ, Bắc Triều Tiên nhiều khả năng sẽ triển khai tấn công hạt nhân bằng tất cả những phương tiện hiện có.

Cuộc tấn công này có thể xảy ra ngay sau khi chiến dịch đổ bộ bắt đầu bằng các vụ nổ bom hạt nhân, phóng tên lửa tầm trung. Nhiều khả năng Bắc Triều Tiên sẽ phóng các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhằm vào lãnh thổ Mỹ.

Tuy nhiên, trong tương lai gần (3-4 năm), điều này khó có thể xảy ra bởi vì hiện nay chưa có thông tin chính xác về việc Bắc Triều Tiên đã thử nghiệm các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Tổng cộng từ 2-3 đến 5-6 vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng phục thuộc vào hiệu quả phòng thủ của đối phương.

Mục tiêu của các cuộc tấn công hạt nhân có thể là các lực lượng của liên quân, hạ tầng quân sự và các trung tâm chính trị-hành chính trên lãnh thổ Hàn Quốc, cũng như một trong số các căn cứ quân sự của Mỹ.

Hậu quả của cuộc tấn công này sẽ là những thiệt hại vô cùng lớn (hàng trăm nghìn người, chủ yếu là thường dân Hàn Quốc) và nhiều khu vực sẽ bị nhiễm phóng xạ.

Cuộc tấn công bằng hạt nhân đáp trả của Mỹ sẽ được thực hiện bởi vũ khí hạt nhân chiến lược và chiến thuật nhằm vào Bắc Triều Tiên.

Quy mô của cuộc tấn công đáp trả sẽ được giới hạn bởi mong muốn tối thiểu hóa khu vực bị nhiễm phóng xạ về phía Nga và Trung Quốc cũng như Hàn Quốc và Nhật Bản, đặc biệt về phía những khu vực đóng quân của liên quân.

Căn cứ vào đó, số lượng các đầu đạn hạt nhân do Mỹ sử dụng để đáp trả có thể ở mức 6-8 đầu đạn tầm ngắn và trung. Sẽ có hàng trăm nghìn người hoặc hàng triệu người dân Bắc Triều Tiên thiệt mạng.

Sau đó, Mỹ có thể tiếp tục triển khai các cuộc tấn công hạt nhân đơn lẻ bằng các loại đầu đạn hạt nhân với sức công phá siêu nhỏ để tiêu diệt các công sự phòng thủ đặc biệt của Bắc Triều Tiên.

Đáp trả nhau bằng các cuộc tấn công hạt nhân sẽ khiến cho Bắc Triều Tiên mất đi khả năng tổ chức kháng cự.

Tuy nhiên, những thiệt hại về người bên phía Hàn Quốc và lực lượng liên quân chống Bắc Triều Tiên, các khu vực nhiễm xạ rộng lớn, cũng như áp lực quốc tế và sự can thiệp của Trung Quốc, sẽ khiến cho các bên phải tìm cách chấm dứt hành động quân sự.

Sau khi giai đoạn này chấm dứt thì cuộc chiến tranh này nhiều khả năng cũng sẽ kết thúc. Tuy nhiên, nếu Bắc Triều Tiên không quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân thì cuộc chiến sẽ vẫn tiếp diễn.

Kể cả sau khi các lực lượng vũ trang chủ lực của Bắc Triều Tiên bị đập tan, thì khả năng ban lãnh đạo nhà nước Bắc Triều Tiên không kháng cự nếu như Trung Quốc không gây áp lực là vô cùng thấp.

Một phần ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên có thể sẽ được sơ tán sang Trung Quốc nếu như Bình Nhưỡng thất thủ để bảo toàn nhà nước chính trị.

Các lực lượng và quân đoàn còn khả năng chiến đấu sẽ tiếp tục kháng cự, một cuộc chiến tranh du kích sẽ được triển khai trên lãnh thổ bị xâm lược.

Chiến tranh du kích

Giai đoạn thứ ba của cuộc chiến sẽ bắt đầu – “kháng cự không có tổ chức”.

Mục tiêu của giai đoạn này đối với phe xâm lược sẽ là thiết lập quyền kiểm soát Bắc Triều Tiên với sự tiêu diệt toàn bộ chủ quyền của quốc gia này.

Đối với phe các lãnh đạo Bắc Triều Tiên còn sống sót và các đơn vị còn khả năng chiến đấu – không để nhà nước chính trị Bắc Triều Tiên bị diệt vong.

Khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong giai đoan này rất thấp vì mất quyền điều khiển các lực lượng và vũ khí hạt nhân thất lạc.

Giai đoạn này có thể kéo dài vài tháng và các lực lượng còn khả năng chiến đấu của quân đội Bắc Triều Tiên sẽ bị tiêu diệt.

Sau khi các lực lượng này bị tiêu diệt thì giai đoạn tiếp theo sẽ bắt đầu – “chiến tranh du kích”.

Mạng lưới các công sự quy mô, địa hình nhiều cây cối và đồi núi, lượng vũ khí và đạn dược dự phòng cho phép triển khai một cuộc chiến tranh du kích quy mô trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên và có thể sẽ lan sang cả lãnh thổ Hàn Quốc.

Các đơn vị du kích nhiều khả năng sẽ được điều phối và hỗ trợ về mặt vật chất từ các nước khác, trong đó có Trung Quốc.

Giai đoạn này có thể kéo dài vài năm và, theo kinh nghiệm tại Iraq và Afganistan, kết quả là Mỹ và các đồng minh sẽ rút khỏi Bắc Triều Tiên và chủ quyền tại quốc gia này sẽ được khôi phục lại.

Phân tích vừa rồi cho thấy thời gian của cuộc chiến tranh chống Bắc Triều Tiên có thể dao động trong một khoảng cách lớn - vài ngày cho tới vài năm.

Những thiệt hại có thể xảy ra cũng dao động trong một khoảng cách lớn – từ vài trăm cho tới vài triệu người.

Cuộc chiến này có thể kết thúc sau vài tuần triển khai chiến dịch không kích, khi đó mối hiểm họa xảy ra các cuộc tấn công hạt nhân sẽ vô cùng lớn.

Kết quả của cuộc chiến tranh này sẽ là sự nhượng bộ: Bắc Triều Tiên sẽ chấm dứt hoàn toàn chương trình hạt nhân-tên lửa của mình.

Còn Mỹ và các đồng minh sẽ phải chấp nhận bãi bỏ các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên và cam kết sẽ không sử dụng vũ lực với quốc gia này. Nhiều khả năng, Mỹ sẽ phải cắt giảm mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại Hàn Quốc.

Cuộc chiến kéo dài và có thể chuyển thành chiến tranh hạt nhân sẽ kéo theo những thiệt hại to lớn, đặc biệt thiệt hại về người của Hàn Quốc.

Trong khi đó cơ hội thiết lập và triển khai thành công khả năng kiểm soát lãnh thổ Bắc Triều Tiên vẫn còn là điều đáng nghi ngờ.

Như vậy, cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên không mang đến thắng lợi đáng kể cho các bên tham gia, trước tiên là Mỹ, mà thay vào đó những thiệt hại về vật chất, chính trị cũng như tinh thần là vô cùng lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại