Không cầu phà, xe tăng, thiết giáp nhẹ VN vượt sông thế nào?

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Bơi nước là một tính năng kỹ thuật quan trọng của các loại xe tăng, xe thiết giáp hạng nhẹ, đảm bảo chúng có thể tự mình vượt qua các vật cản nước.

Nhờ đó mà xe tăng, thiết giáp hạng nhẹ của Việt Nam không cần đến sự hỗ trợ của các phương tiện bảo đảm khác như tàu, phà... khi hành tiến.

 
ĐẠI TÁ NGUYỄN KHẮC NGUYỆT
Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975. Tác phẩm: Bão thép (4 tập), Bút ký lính tăng: Hành trình đến Dinh Độc Lập,...

Tùy theo công dụng, điều kiện công tác... mà người ta thiết kế cách thức bơi cho xe tăng, xe thiết giáp theo những phương thức khác nhau. Cho đến nay, có 3 phương thức bơi nước đã được sử dụng như sau:

Bơi bằng chân vịt

Đây là phương thức bơi thông dụng của các loại tàu, thuyền từ khi có động cơ. Đó là một bộ phận mà hình dáng của nó như cái cánh quạt được lắp vào phía sau phương tiện.

Cái chân vịt này quay nhờ động lực của động cơ, khi nó quay sẽ tạo thành sức đẩy đẩy phương tiện về phía trước. Trong quân sự nó cũng được sử dụng cho một số loại xe thiết giáp như xe các dòng bánh lốp BTR-60PB, ĐM2 hoặc một số loại xe bơi của công binh.

Ưu điểm của phương thức này là cấu tạo đơn giản, dễ chế tạo và sức đẩy cũng khá mạnh nên vận tốc bơi khá cao. Tuy nhiên nó có nhược điểm là chân vịt để lộ ra ngoài sẽ rất dễ bị hư hại khi va chạm vào vật cản hoặc bị mìn, mảnh pháo, mảnh bom phá hủy.

Để khắc phục nhược điểm này, các loại xe thiết giáp gần đây thường có lồng bảo vệ chân vịt hoặc lắp chân vịt vào một hốc dưới đuôi xe song cũng chỉ giảm thiểu được một phần mà thôi.


Một số loại xe tăng, thiết giáp phổ biến của Việt Nam. Ảnh: Khắc Nguyệt.

Một số loại xe tăng, thiết giáp phổ biến của Việt Nam. Ảnh: Khắc Nguyệt.

Bơi bằng động cơ (ống) phản lực

Để khắc phục triệt để nhược điểm trên của chân vịt người ta chế tạo ra hai động cơ phụt nước  lắp lên xe. Đây là phương thức mà các xe tăng bơi phổ biến trong biên chế các đơn vị xe tăng, thiết giáp Việt Nam đã dùng như PT-76, K-63-85...

Hai động cơ phản lực thực ra là 2 ống kim loại nhỏ dần về phía sau, một đầu nằm ở đáy xe, một đầu nằm ở đuôi xe và có nắp đậy. Trong 2 ống đó có lắp hai cánh quạt bằng hợp kim.

Khi nó quay sẽ hút nước vào cửa ở dưới bụng xe và đẩy về đằng sau như hai vòi rồng. Và chính phản lực của hai dòng nước phụt về sau với tốc độ cao này đã đẩy xe tiến về phía trước.

Khi muốn lùi người ta chỉ cần đóng hai cửa ống phụt nước lại, lượng nước lẽ ra phải phụt ra phía sau bây giờ sẽ theo những khe hở (gọi nôm na là “mang cá”) ở hai bên sườn xe phụt về phía trước.

Và vì nước phụt về phía trước nên tất nhiên là phản lực của nó sẽ đẩy xe đi lùi.

Còn nếu muốn chuyển hướng thì chỉ cần đóng một bên cửa phụt nước lại. Thế là một ống phụt nước ra phía sau, còn ống bên kia lại phụt nước ra phía trước tạo thành một ngẫu lực và xe sẽ chuyển hướng về phía bên ống phụt bị bịt.

Nằm ở trong xe, được vỏ giáp bảo vệ rõ ràng là hai động cơ phụt nước an toàn hơn nhiều so với những chiếc chân vịt. Tuy nhiên, nó cũng có nhược điểm là kết cấu phức tạp và đặc biệt là chiếm không gian lớn.


Đội hình xe thiết giáp BMP-1 (Sư đoàn 308) huấn luyện vượt sông.

Đội hình xe thiết giáp BMP-1 (Sư đoàn 308) huấn luyện vượt sông.

Bơi bằng xích

Là phương thức sử dụng luôn băng xích của xe thành cơ cấu bơi nhờ thêm một số bộ phận phụ trợ. Bộ phận phụ trợ này bao gồm các phần của hộp xích.

Các phần này tạo thành một hộp kín bao lấy nửa trên của băng xích, đặc biệt phía trước của mặt trong hộp xích tạo thành một mặt vát hướng về phía sau.

Khi xích chạy sẽ guồng nước theo, khi gặp mặt vát phía trước hộp xích sẽ tạo thành một dòng chảy về phía sau và sẽ tạo ra một phản lực đẩy xe tới trước.

Đây là phương thức bơi có kết cấu đơn giản nhất cho nên được sử dụng khá rộng rãi cho các loại TTG gần đây như M-113, BMP-1, 2, 3...


Xe thiết giáp hiện đại BMP-3 thực hành vượt chướng ngại nước.

Xe thiết giáp hiện đại BMP-3 thực hành vượt chướng ngại nước.

Tuy nhiên, phương thức này cũng có nhược điểm là lực đẩy yếu nên vận tốc bơi chậm, khi gặp sóng to gió lớn hoặc ngược dòng chảy mạnh sẽ có thể không bơi được. Ngoài ra, nếu do va chạm làm rách, hỏng hộp xích cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng bơi của xe.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại