Việt Nam sẽ sản xuất BPM-97 để thay thế BTR-152?

Hải Dương |

Với nhiều ưu điểm nổi trội, xe thiết giáp chở quân BPM-97 đang được xem là ứng viên sáng giá nhất, sẽ đảm nhiệm thay vai trò của những "Ông già" BTR-152 trong Quân đội Việt Nam.

BTR-152 là loại xe thiết giáp chở quân mui trần không có khả năng bơi, được Liên Xô thiết kế trong giai đoạn 1946 - 1949 và hiện vẫn còn đang phục vụ với số lượng lớn trong các đơn vị thiết giáp của Quân đội nhân dân Việt Nam.


Xe thiết giáp BTR-152 của Việt Nam. Ảnh: Quân đội nhân dân

Xe thiết giáp BTR-152 của Việt Nam. Ảnh: Quân đội nhân dân

Mặc dù gần đây đã được nâng cấp một số bộ phận như động cơ hay thiết bị thông tin liên lạc... nhưng nhìn chung, nhu cầu thay thế các "Ông già gân" này đã rất cấp thiết.

Trong số các ứng viên có thể đảm đương vai trò của BTR-152 thì BPM-97 (KAMAZ-43269) đang tỏ ra có nhiều ưu thế nhất.


KAMAZ-43269 Vystrel (BPM-97) tại Triển lãm vũ khí Nga 2009 ở Nizhny Tagil

KAMAZ-43269 "Vystrel" (BPM-97) tại Triển lãm vũ khí Nga 2009 ở Nizhny Tagil

Xe thiết giáp chở quân (APC) BPM-97 (mã sản xuất công nghiệp KAMAZ-43269 "Vystrel") được thiết kế vào năm 1997 và chính thức trang bị cho Lực lượng Biên phòng Liên bang Nga từ năm 1999.

Nhà máy KAMAZ tạo ra BPM-97 bằng cách kết hợp khung gầm của xe vận tải đa dụng với phần thân bọc thép, ban đầu KAMAZ-43269 được dự định sẽ thay thế vai trò của xe tải GAZ-66.

Đây là một chiếc xe thiết giáp hạng nhẹ có chi phí hợp lý, rất thích hợp cho nhiệm vụ tuần tra hoặc hộ tống. Ngoài nước Nga, BPM-97 còn có trong trang bị của Quân đội Azerbaijan cũng như Kazakhstan.


BPMP-97 với cấu hình mang pháo tự động 2A42 cỡ 30 mm

BPMP-97 với cấu hình mang pháo tự động 2A42 cỡ 30 mm

BPM-97 được điều khiển bởi kíp lái 2 người, khoang chở quân có sức chứa lên tới 10 binh sĩ. Lính ra vào xe thông qua cửa hông hoặc cửa đuôi, trên nóc và hai bên thành có cửa sập và lỗ châu mai để thuận lợi cho việc tác xạ súng bộ binh.

Giáp xe cung cấp sự bảo vệ an toàn trước đạn 7,62 mm; vòng cung phía trước chống được đạn xuyên 12,7 mm. Thân xe hình chữ V nhằm tăng độ an toàn trong trường hợp cán phải mìn. Lốp xe có hệ thống điều hòa áp suất trung tâm.

Chiếc thiết giáp này có thể tùy chọn súng máy 7,62 mm hoặc 12,7 mm để gắn trên nóc. Ngoài ra nó còn biến thể mang được cả tháp pháo một người điểu khiển, trang bị pháo tự động cỡ 30 mm tương tự như BTR-80A.

Bên cạnh đó, BPM-97 hoàn toàn đủ khả năng làm phương tiện mang vác các loại vũ khí đặc biệt như giàn phóng tên lửa phòng không Strela-10 hay tên lửa chống tăng Kornet.


Khoang chở quân của BPM-97

Khoang chở quân của BPM-97

Thông số kỹ thuật cơ bản của BPM-97 (KAMAZ-43269): Trọng lượng 10,1 tấn; chiều dài 5,3 m; chiều rộng 1,9 m; chiều cao 1,83 - 2,3 m (tùy phiên bản).

Động cơ diesel KAMAZ-740.11-240 công suất 240 mã lực cho phép chạy với tốc độ tối đa 90 km/h; tầm hoạt động 1.000 km.

Xe leo được dốc 60%; đi trên mái taluy có độ nghiêng 30%; vượt vật cản cao 0,6 m; vượt hào rộng 1,2 m; lội nước sâu 0,8 m khi không chuẩn bị hoặc 1,75 m khi có chuẩn bị.


Dàn xe thiết giáp BPM-97 trong một cuộc diễu binh

Dàn xe thiết giáp BPM-97 trong một cuộc diễu binh

Do có những nét tương đồng trong khi lại mang trong mình nhiều ưu điểm nổi trội, BPM-97 (KAMAZ-43269) được đánh giá là ứng viên số 1 để thay thế cho BTR-152 đã rất cũ của Việt Nam.

Hiện tại KAMAZ đã có nhà máy đặt tại Việt Nam, năng lực đáp ứng tốt yêu cầu lắp ráp thành phẩm ngay trong nước, điều này càng khiến cho cơ hội chiến thắng của BPM-97 trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Rất có thể trong tương lai không xa, Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ có dàn xe bọc thép bánh lốp thế hệ mới với xuất xứ "nội địa", tương tự như mô hình mà quân đội một vài nước ASEAN đang áp dụng rất thành công.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại