Theo đó, tồn tại 2 dòng ý kiến là có và không nên mua. Do đây là một câu hỏi mở nên sau khi cân nhắc các đáp án, chúng tôi quyết định trao giải thưởng trị giá 100.000 VNĐ cho bài viết công phu và có sự đầu tư nhất:
Phần trả lời của bạn Trịnh Huy Cần:
F-16 là một loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 của Mỹ. Tuy F-16 là chiếc tiêm kích nhẹ phù hợp nhất về tính năng cũng như chi phí khai thác sử dụng để thay thế MiG-21 vừa nghỉ hưu của Việt Nam nhưng chúng ta không nên mua máy bay F-16 đã qua sử dụng và nên tìm 1 loại máy bay mới do những nguyên nhân sau:
- Chất lượng của F-16 đã qua sử dụng: máy bay F-16 đã qua sử dụng được rao bán thường là các phiên bản cũ F-16A/B; F-16C/D; đây là những dòng máy bay được nâng cấp từ những năm 90 trở về trước, thời gian sử dụng đã lâu và không còn đáp ứng được tác chiến hiện đại trong tương lai.
- Khả năng bảo trì: Do dây chuyền sản xuất F-16 đã chuẩn bị đóng cửa nên khi F-16 hỏng hóc trong tuơng lai chúng ta khó tìm được linh kiện thay thế của Mỹ, gây khó khăn trong việc sửa chữa.
Máy bay đã qua sử dụng khả năng gặp hỏng hóc lớn hơn nhiều so với máy bay mới, chi phí bảo dưỡng lớn.
- Xu hướng không quân trong tương lai: Các lực lượng không quân hiện nay ưu tiên phát triển các loại máy bay đa năng, hoạt động trong nhiều điều kiện tác chiến.
F-16 những phiên bản cũ như F-16A/B , F-16C/D chủ yếu chỉ là tiêm kích tầm ngắn, ngăn cản máy bay địch bảo vệ không phận.
MiG-21 hay F-16 đều là máy bay chiến đấu theo xu hướng đơn chức năng của những năm 80 trở về trước, không bắt kịp xu thế chiến đấu đa dạng hiện nay.
- Phù hợp với điều kiện tác chiến Việt Nam: Việt Nam có một lãnh thổ kéo dài hơn 2.000 km, có các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cách đất liền 400 - 600 km. Máy bay F-16 phiên bản cũ chỉ có tầm hoạt động khoảng 550 km khi không có thùng nhiên liệu phụ.
Hơn nữa F-16 thiên về không chiến, không phù hợp khi chiến đấu với mục tiêu trên biển, do đó sẽ khó tác chiến khi có xung đột trên biển xảy ra.
Xung đột trên biển là nguy cơ lớn nhất với Việt Nam trong tương lai, máy bay mua mới phải có khả năng chiến đấu tốt với các mục tiêu trên biển.
- Sự chuẩn bị về phi công, cơ sở vật chất - hậu cần: Để chiến đấu hiệu quả, ngoài tính năng của máy bay, kỹ năng phi công, sự hỗ trợ kỹ thuật, thông tin liên lạc đóng vai trò rất quan trọng.
Các loại máy bay chiến đấu của chúng ta hiện nay đều là máy bay Nga. Quá trình đào tạo phi công, đào tạo thợ kỹ thuật, hệ thống thông tin liên lạc, cơ sở sửa chữa đều áp dụng tiêu chuẩn của Nga.
Máy bay Nga và Mỹ có tiêu chuẩn kỹ thuật, vận hành khác xa nhau. Mua F-16 chúng ta không thể sử dụng cơ sở, con người sẵn có mà phải đào tạo lại phi công, thợ kỹ thuật, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn Mỹ.
Máy bay Mỹ tác chiến cần một hệ thống chỉ huy, liên lạc rất hiện đại, Việt Nam chưa thể đáp ứng trong tương lai gần.
- Chi phí: Trong chi phí cho không quân, ngoài chi phí mua máy bay, chi phí đào tạo phi công, xây dựng cơ sở thông tin liên lạc, vận hành cũng chiếm một phần rất lớn.
Kinh phí bỏ ra để đào tạo lại phi công, xây dựng cơ sở vật chất chắc chắn sẽ không nhỏ và phải mất thời gian dài.
- Hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Mỹ: Hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Mỹ mới ở giai đoạn khởi đầu, không có được sự hợp tác toàn diện và lâu dài như Nga.
Việt Nam trước khi mua các dòng máy bay Nga đều được sự hỗ trợ rất lớn của Nga về đào tạo phi công, thợ kỹ thuật, cố vấn quân sự, xây dựng cơ sở kỹ thuật, thông tin liên lạc.
Việt Nam chưa có sự hợp tác quân sự toàn diện với Mỹ, chúng ta lại mua máy bay đã qua sử dụng, rất khó nhận được sự hỗ trợ về con người và kỹ thuật của Mỹ.
Do vậy, trước mắt chúng ta không nên mua F-16 của Mỹ mà nên mua mới các chiến đấu cơ đa năng của Nga như Su-30SM, Su-34 để tận dụng được các yếu tố con người, kỹ thuật, quan hệ quân sự truyền thống sẵn có.
Mặt khác để đa dạng nguồn vũ khí, chúng ta cũng nên xúc tiến nâng tầm quan hệ quân sự với Mỹ, đào tạo phi công, thợ kỹ thuật, xây dựng cơ sở quân sự, tranh thủ sự trợ giúp của Mỹ để từ đó trang bị cho Quân đội nhân dân Việt Nam các loại vũ khí hiện đại của Mỹ, nhằm hiện đại hóa quân đội.