Khám phá 5 bảo tàng tàu sân bay Mỹ

Phi Yến |

May mắn hơn nhiều hàng không mẫu hạm khác bị đánh chìm hay tháo dỡ làm sắt vụn, 5 tàu sân bay sau đây đã được Hải quân Mỹ bàn giao để hoán cải thành bảo tàng nổi.

Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ có 5 bảo tàng tàu sân bay trong đó 4 chiếc thuộc lớp Essex hoạt động trong thời gian diễn ra Thế chiến II và đã trải qua quá trình hiện đại hóa vào những năm 1950. Chiếc còn lại, USS Midway thuộc lớp tàu sân bay khác lớn hơn được đóng vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, đã trải qua 2 đợt tái trang bị lớn vào năm 1950 và 1970 để mở rộng sàn đáp nhằm tiếp nhận các loại máy bay hiện đại.

1. Bảo tàng tàu sân bay USS Yorktown (CV-10) tại Charleston, South Carolina

Bảo tàng tàu sân bay USS Yorktown (CV-10)

USS Yorktown (CV/CVA/CVS-10) là chiếc thứ 2 trong tổng số 24 tàu sân bay lớp Essxex được đóng cho Hải quân Mỹ trong giai đoạn Chiến tranh thế giới II. Tên của tàu được đặt theo trận chiến Yorktown trong Chiến tranh giành độc lập của Mỹ và là chiến hạm thứ tư của Hải quân Mỹ mang tên này.

USS Yorktown hạ thủy ngày 1/12/1941, chính thức hoạt động ngày 15/4/1943, ngừng hoạt động lần đầu ngày 9/1/1947, tái hoạt động ngày 2/1/1953 và ngừng hoạt động hẳn ngày 27/6/1970 sau khi đã trải qua 2 lần tái cấu trúc thành tàu sân bay tấn công CVA-10 (1/10/1952) và tàu sân bay chống ngầm CVS-10 (1/9/1957).

USS Yorktown tái ngũ quá muộn để có thể tham gia chiến tranh Triều Tiên nhưng sau đó đã được triển khai hoạt động nhiều năm tại Thái Bình Dương, bao gồm cả việc tham chiến trong chiến tranh Việt Nam, nơi con tàu nhận được 5 ngôi sao vì thành tích chiến đấu. USS Yorktown trở thành bảo tàng từ năm 1975 và được công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào năm 1986.

Thông số cơ bản (trước khi chuyển đổi) của các tàu sân bay lớp Essex: Lượng giãn nước đầy tải 36.380 tấn; dài 266 m; rộng 45 m; mớn nước 10,41 m. Tàu có tốc độ tối đa 33 hải lý/h (61 km/h); tầm hoạt động 20.000 hải lý (37.000 km), thủy thủ đoàn 2.600 người và mang theo được 90 - 100 máy bay.

2. Bảo tàng tàu sân bay USS Intrepid (CV-11) tại thành phố New York

Bảo tàng tàu sân bay USS Intrepid (CV-11)

USS Intrepid (CV/CVA/CVS-11), chiếc thứ 3 trong số 24 tàu sân bay lớp Essex được đóng trong Thế chiến II và là chiến hạm thứ tư của Hải quân Mỹ mang cái tên này.

USS Intrepid hạ thủy ngày 1/12/1941; chính thức hoạt động ngày 16/8/1943; ngừng hoạt động lần đầu ngày 22/3/1947; tái hoạt động ngày 9/2/1952; ngừng hoạt động lần 2 ngày 9/4/1952; tái hoạt động lần 2 ngày 18/6/1954 và ngừng hoạt động hẳn ngày 15/3/1974. USS Intrepid đã từng dự tính bị dỡ bỏ nhưng rất may cuối cùng lại được chuyển đổi thành Bảo tàng Hải quân - Không quân - Không gian Intrepid tại thành phố New York vào tháng 8/1982.

USS Intrepid tham gia nhiều trận đánh trong chiến tranh Thái Bình Dương, đặc biệt là trận chiến vịnh Leyte. USS Intrepid ngừng hoạt động ngay sau khi chiến tranh kết thúc, được hiện đại hóa trong những năm 1950 với vai trò như một tàu sân bay tấn công CVA-11 (1/10/1952) và sau đó dần trở thành một tàu sân bay chống tàu ngầm CVS-11 (31/3/1962).

Trong lần triển khai thứ hai, con tàu phục vụ chủ yếu ở Đại Tây Dương nhưng cũng tham gia cả chiến tranh Việt Nam. Thành tựu đáng chú ý nhất của USS Intrepid là phục vụ cho dự án không gian Mercury và Gemini. Với vai trò nổi bật trong chiến đấu, tàu có biệt danh "the Fighting I", tuy nhiên do phải giành rất nhiều thời gian nằm trên ụ nổi để sửa chữa nên tàu còn có biệt danh khác là "the Dry I".

3. Bảo tàng tàu sân bay USS Hornet (CV-12) tại Alameda, CA

Bảo tàng tàu sân bay USS Hornet (CV-12)

USS Hornet (CV/CVA/CVS-12) là tàu sân bay thứ 4 thuộc lớp Essex, ban đầu tàu được đặt tên là USS Kearsarge nhưng sau đó đã được đổi tên để vinh danh USS Hornet (CV-8), tàu sân bay bị mất trong chiến đấu tháng 10/1942 và trở thành con tàu thứ 8 của Hải quân Mỹ mang cái tên này.

USS Hornet hạ thủy ngày 3/8/1942; chính thức hoạt động ngày 29/11/1943; ngừng hoạt động lần đầu ngày 15/1/1947; tái hoạt động ngày 20/3/1951; ngừng hoạt động lần 2 ngày 12/5/1951; tái hoạt động lần 2 ngày 11/9/1953 và ngừng hoạt động hẳn ngày 26/1/1970. Đến năm 1991, tàu được thiết kế để trở thành di tích lịch sử quốc gia và đến 17/10/1998, USS Hornet mở cửa đón khách tham quan với vai trò một bảo tàng nổi.

Trong suốt thời gian phục vụ, tàu sân bay Hornet đã tham gia mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II, tham chiến trong cả 2 cuộc chiến tranh tại Triều Tiên và Việt Nam cũng như là một phần của chương trình không gian  Apollo khi đón các phi hành gia trở về trái đất.

4. Bảo tàng tàu sân bay USS Lexington (CV-16) tại Corpus Christi, Texas

Bảo tàng tàu sân bay USS Lexington (CV-16)

USS Lexington (CV/CVA/CVS/CVT/AVT-16) tàu sân bay thứ 8 thuộc lớp Essex và là chiếc cuối cùng của lớp này được chuyển đổi thành bảo tàng. Con tàu với biệt danh "The Blue Ghost" ban đầu có tên là Cabot, nhưng cũng giống như USS Hornet, tàu được đổi lại tên để vinh danh tàu sân bay USS Lexington (CV-2) bị mất trong trận chiến trên biển Coral và là chiến hạm thứ 5 mang tên trận đánh trong cuộc Cách mạng Mỹ.

USS Lexington hạ thủy ngày 15/7/1941; chính thức hoạt động ngày 17/2/1943; ngừng hoạt động lần đầu ngày 23/4/1947; tái hoạt động ngày 15/8/1955 và ngừng hoạt động hẳn ngày 8/11/1991. Đến 15/6/1992, USS Lexington được Hải quân Mỹ tặng để hoán cải thành bảo tàng nổi và được công nhận di tích lịch sử quốc gia vào năm 2003.

USS Lexington đã phục vụ trong nhiều chiến dịch tại Mặt trận Thái Bình Dương, được tặng thưởng danh hiệu Đơn vị Tuyên dương Tổng thống và 11 Ngôi sao Chiến đấu. Giống như nhiều chiếc tàu chị em, Lexington được cho ngừng hoạt động không lâu sau khi chiến tranh kết thúc nhưng lại được hiện đại hóa và tái hoạt động vào đầu những năm 1950 với vai trò một tàu sân bay tấn công (CVA), rồi thành một tàu sân bay chống ngầm (CVS). Trong đợt triển khai thứ hai này, nó hoạt động trên cả khu vực Đại Tây Dương/Địa Trung Hải lẫn Thái Bình Dương, nhưng trải qua hầu hết thời gian gần 30 năm tại bờ Đông nước Mỹ trong nhiệm vụ tàu sân bay huấn luyện (CVT).

5. Bảo tàng tàu sân bay USS Midway (CV-41) tại San Diego, California

Bảo tàng tàu sân bay USS Midway (CV-41)

USS Midway (CVB/CVA/CV-41) là chiếc tàu sân bay đầu tiên của lớp tàu cùng tên, chính thức đi vào hoạt động 1 tuần sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới II. Midway từng là chiến hạm lớn nhất thế giới cho đến năm 1955 và cũng là chiến hạm đầu tiên của Hải quân Mỹ có kích thước quá lớn để có thể đi qua kênh đào Panama.

Tàu sân bay Midway hạ thủy ngày 27/10/1943, chính thức hoạt động ngày 10/9/1945 và ngừng hoạt động ngày 11/4/1992. Thông số cơ bản: lượng giãn nước 45.000 tấn khi mới hoạt động và 64.000 tấn khi ngừng hoạt động; dài 296 m; rộng 72,5 m; mớn nước 10,5 m; tốc độ tối đa 33 hải lý/h (60 km/h); thủy thủ đoàn 4.104 người.

Trong lịch sử 47 năm hoạt động, USS Midway đã tham dự chiến tranh Việt Nam và chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Sau khi ngừng hoạt động, vào ngày 30/9/2003 con tàu di chuyển tới cơ sở bảo trì tàu chiến của hải quân và đến ngày 10/1/2004, USS Midway neo đậu tại vị trí hiện tại và mở cửa đón khách tham quan với vai trò một bảo tàng nổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại