Thương vụ tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral giữa Nga – Pháp đã trải qua một chặng đường dài và gập ghềnh.
Ban đầu, 2 tàu đổ bộ Mistral được đóng cho Nga, với nhiều hệ thống tác chiến của Nga được lắp đặt trên tàu. Tuy nhiên, sau đó, Pháp đã từ chối chuyển giao chúng cho Moscow, do Nga sáp nhập Crimea 1 năm rưỡi trước.
Kể từ đó, nhiều quốc gia đã để mắt tới 2 con tàu này, song Ai Cập đã trở thành “ngôi nhà mới” của chúng.
Theo thông tin mới nhất, Ai Cập sẽ trả 950 triệu euro (1,062 tỷ USD) để mua 2 tàu đổ bộ lớp Mistral mà Pháp đóng nhưng không giao cho Nga.
Đích thân Tổng thống Pháp đã xác nhận thương vụ bán 2 tàu này cho Cairo.
Vì sao Ai Cập lựa chọn Mistral?
Bình luận về lý do Ai Cập quyết định mua lại 2 tàu Mistral, tác giả Tyler Rogoway trên trang mạng Foxtrot Alpha cho rằng Mistral là những con tàu khá tuyệt vời.
Không phải vì chúng có khả năng đặt biệt so với các loại tàu đổ bộ khác mà bởi với mức giá chỉ 700 triệu USD/chiếc, khả năng mà chúng mang lại quá nhiều.
Chưa hết, chúng còn có chi phí hoạt động thấp hơn nhiều so với các tàu đổ bộ lớp Wasp của Mỹ.
Với tâm thế này, nhiều lực lượng hải quân trên thế giới đã cân nhắc khả năng mua lại 2 tàu Mistral.
Trước khi Pháp đạt được thỏa thuận với Ai Cập thì Canada, NATO, Brazil, Ấn Độ, Việt Nam, Hàn Quốc, Ả Rập Saudi, Hà Lan, New Zealand, Singapore, Trung Quốc và thậm chí là cả Mỹ đều được cho là khách hàng tiềm năng của các tàu Mistral.
Ai Cập sẽ trả 950 triệu euro để mua lại 2 tàu đổ bộ lớp Mistral.
Có thể nói, Pháp đã trở thành quốc gia ngày càng được ưu ái nhiều hơn trong các thỏa thuận thương mại và vũ khí của Ai Cập những năm gần đây.
Chính phủ Tổng thống Al-Sisi đã không còn mặn mà với Mỹ - đối tác chiến lược then chốt của nước này trong khu vực.
Quan hệ giữa Mỹ và Ai Cập đã trở nên lạnh nhạt sau khi chính quyền Tổng thống kể từ khi Tổng thống Mohamed Mursi bị lật đổ hồi năm 2013.
Việc Mỹ đình chỉ chuyển giao cho Ai Cập các máy bay chiến đấu F-16 và nhiều khí tài quân sự khác đã phá vỡ mối quan hệ bền chặt giữa 2 nước.
Thiếu vắng Washington, Ai Cập tìm tới Pháp và Nga để mua sắm vũ khí, có thể kể đến những đơn hàng lớn trị giá hàng tỷ USD gần đây của Cairo để trang bị các tiêm kích Dassault Rafale (Pháp) và MiG-29 (Nga).
Trong khi đó, Ai Cập đang tham gia vào chiến dịch chống khủng bố quyết liệt nhằm vào các phần tử cực đoan ủng hộ tổ chức hồi giáo ISIS.
Xét về mặt địa lý, các mối đe dọa này chủ yếu đến từ khu vực xung quanh bán đảo Sinai (Ai Cập lo ngại một ngày nào đó sẽ gây nguy hiểm cho kênh đào Suez) và từ biên giới phía tây với Libya – đất nước đang rối ren vì nội chiến.
Trước đó, giới chức phương Tây bày tỏ lo ngại rằng cuộc nội chiến này sẽ khiến phiến quân càng có cơ hội phát triển mạnh ở Libya và lan tràn sang Ai Cập.
Song, ngay cả trong bối cảnh các “bóng ma” hồi giáo cực đoan đang trỗi dậy ở Sahara và nhiều khu vực tại vùng Châu Phi hạ Sahara thì vẫn chưa rõ đích xác Ai Cập có kế hoạch gì với 2 con tàu đổ bộ Mistral.
Những con tàu mạnh mẽ này có thể được sử dụng như căn cứ nổi trên biển (có tác dụng hỗ trợ và tiếp ứng), triển khai ngoài khơi các điểm nóng ở Địa Trung Hải, Biển Đỏ và Biển Ả Rập.
Điều đó sẽ là dấu hiệu cho thấy một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Ai Cập, mặc dù có thể thay đổi này đã diễn ra, khi các quốc gia Ả Rập Sunni chiến đấu chống lại phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen.
Trên thực tế, Ai Cập và Ả Rập Saudi đã thành lập lực lượng quân sự chung để có thể định hình khu vực khi họ thấy hợp lý.
Bên cạnh đó, việc Ai Cập bổ sung cặp tàu đổ bộ Mistral còn tạo ra một đối trọng với sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Iran trong khu vực.
Thương vụ này cũng là dấu hiệu lớn cho thấy Ai Cập muốn trở nên tích cực hơn khi tham gia các chiến dịch quân sự trong khu vực.
Kẻ hưởng lợi "giấu mặt"
Cũng cần nói thêm rằng, đáng lý những con tàu này sẽ được chuyển giao cho Nga – quốc gia đang dần trở thành đồng minh hàng đầu của Ai Cập.
Song người Nga cũng đã từ chối tiếp nhận chúng và tuyên bố rằng có thể tự đóng loại tàu chiến tương tự.
Tuy nhiên, trên thực tế, Moscow không có năng lực cần thiết để chế tạo các tàu như Mistral. Mặc dù họ có thể nắm rõ về lớp tàu này và các hệ thống trên tàu nhưng tự chế tạo chúng lại có thể trở thành một vấn đề lớn.
Thêm vào đó, có những hệ thống phụ của Nga không được tháo dỡ khỏi các tàu Mistral sau khi thỏa thuận giữa 2 phía bị hủy bỏ.
(Trước đó, Nga tuyên bố một số thiết bị Nga lắp đặt trên 2 chiếc Mistral có thể được giữ lại trên tàu nếu khách hàng mua lại chúng là Ai Cập).
Những hệ thống này sẽ cần được bảo trì và nâng cấp, các thủy thủ cần được huấn luyện sử dụng chúng trong suốt thời gian vận hành con tàu.
Nói một cách khác, Ai Cập sẽ cần sự hỗ trợ của Nga khi triển khai hoạt động 2 con tàu này.
Trung Quốc có thể hợp tác với Nga để chế tạo 1 loại tàu tương tự Mistral.
Điều đó có thể dẫn tới một khả năng đặc biệt, đó là Ai Cập cho phép Nga tiếp cận các tàu Mistral và cùng sử dụng chúng để phục vụ các lợi ích chính sách đối ngoại chung, có thể là những chiến dịch như Nga đang tiến hành ở Syria.
Nhờ vậy, Nga có thể nắm rõ thêm về thiết kế và cơ chế hoạt động của các tàu Mistral.
Sau khi đã tiếp cận cả 2 nguyên mẫu trong tay đồng minh thân cận, Nga và Trung Quốc có thể hợp tác chế tạo lớp tàu tương tự.
Trung Quốc có thể lợi dung cơ hội đó vì nước này đang có nhu cầu tìm hiểu cách thức thiết kế tàu sân bay.
Bắc Kinh cũng từng đi “đường vòng” để có được các năng lực hải quân mới.
Chẳng hạn như Trung Quốc từng mua lại tàu sân bay cũ của Nga dưới danh nghĩa một công ty mua về để xây dựng sòng bạc nổi nhưng sau đó nước này đã tân trang lại thành tàu sân bay Liêu Ninh hiện nay.
Nói chung, một thương vụ như Mistral sẽ mang lại lợi ích cho Ai Cập, Nga và thậm chí là Trung Quốc, đồng thời cho phép Nga qua mặt lệnh cấm vận mà phương Tây áp đặt.
Một số nguồn tin cho biết, 2 tàu Mistral sẽ được chuyển đến Ai Cập vào tháng Ba, sau khi 400 thủy thủ Hải quân Ai Cập được huấn luyện vận hành chúng.
Đáng để chờ xem những con tàu được mệnh danh là “lưỡi dao Thụy Sĩ” này sẽ thay đổi cán cân sức mạnh và thậm chí là cách nhìn nhận về năng lực hải quân trong khu vực như thế nào.
Điều đặc biệt thú vị là xem xem với khả năng của mình, Nga có thể dấn sâu vào chuyện này đến mức nào.
***Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Tyler Rogoway