Iskander-E không có cửa thắng LORA tại Việt Nam?

Hải Dương |

Nếu Việt Nam quyết định mua sắm một loại tên lửa đạn đạo chiến thuật thế hệ mới thì LORA của Israel tỏ ra có nhiều ưu thế hơn hẳn Iskander-E do Nga sản xuất.

Hãng tin RIA Novosti ngày 27/10/2015 dẫn lời Giám đốc điều hành Tập đoàn Rosoboronexport, ông Anatoly Isaikin cho biết, Nga đã sẵn sàng xuất khẩu tên lửa Iskander và trong danh sách các quốc gia được Nga chào bán Iskander-E có Belarus, Ấn Độ, Việt Nam…

Tuy vậy, có vẻ như Việt Nam chưa mặn mà lắm với lời đề nghị này của phía Nga, lý do có thể là bởi chúng ta còn một lựa chọn khác rất đáng quan tâm từ Israel, đó chính là LORA.


Tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn LORA

Tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn LORA

LORA (LOng Range Attack) là một loại tên lửa đạn đạo chiến thuật tiên tiến do Tập đoàn Công nghiệp hàng không Israel (IAI) nghiên cứu chế tạo, chính thức đi vào phục vụ từ năm 2007.

Điểm đặc sắc của LORA là nó có quỹ đạo được lập trình với khả năng tự điều chỉnh đường bay nhằm vô hiệu hóa hệ thống phòng không của đối phương.

Tên lửa có chiều dài 4,7 - 5,2 m (tùy phiên bản); đường kính thân 0,62 m; trọng lượng 1.600 - 1.800 kg; mang theo đầu đạn nặng 440 - 600 kg.

LORA sử dụng ống phóng kiêm ống bảo quản dạng container kín, lắp trên khung gầm xe tải việt dã KamAZ-6350 với 4 tên lửa/xe. Thời gian chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu của LORA chỉ mất 10 phút, thao tác tái nạp đơn giản nhờ một xe hỗ trợ chuyên dụng.


Tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-E

Tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-E

Khi so sánh các tính năng kỹ chiến thuật cơ bản thì có thể thấy LORA vượt trội hơn phiên bản xuất khẩu của Iskander khá nhiều.

Mặc dù tầm bắn tương đương (250 - 300 km tùy thuộc trọng lượng đầu đạn, so với 280 km của Iskander-E) nhưng nhờ sử dụng phương thức dẫn đường quán tính có tham chiếu GPS kết hợp với dầu dò TV giai đoạn cuối mà độ sai lệch (CEP) của LORA chỉ khoảng 10 m.

Trong khi đó, do Iskander-E không được Nga trang bị đầu dò quang điện nên dẫn tới CEP của nó lên tới 30 - 70 m, khiến cho ưu thế về trọng lượng đầu đạn 710 - 800 kg trở nên vô nghĩa.

Công nghệ đáng chú ý nhất trên Iskander theo giới thiệu của Nga chính là tàng hình plasma thì vẫn chưa được kiểm chứng, thậm chí nhiều chuyên gia phương Tây còn cho rằng đây là quảng cáo thái quá, tính năng này khả năng cao cũng không có trên bản thương mại.

Ngoài ra trọng lượng chiến đấu của Iskander-E lên tới 40 tấn và chỉ mang được 2 tên lửa/xe, so với 25 tấn của LORA trong khi sở hữu cơ số đạn gấp đôi, khung gầm xe tải KamAZ-6350 cũng là loại thân thuộc với Việt Nam hơn MZKT-7930 của Iskander-E.


Xe tải KamAZ-6350

Xe tải KamAZ-6350

Hiện nay quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Israel đang ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Chúng ta đã đặt mua từ Israel hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn SPYDER-SR cũng như tổ hợp phòng thủ bờ biển sử dụng đạn rocket dẫn đường EXTRA và Accular. Có thể thấy rằng Israel đã bán cho Việt Nam tất cả các loại vũ khí mà chúng ta có nhu cầu.

Do vậy, nếu trong tương lai Việt Nam có ý định trang bị một loại tên lửa đạn đạo chiến thuật thế hệ mới thì LORA đang tỏ ra có nhiều ưu thế hơn hẳn Iskander-E. Đây sẽ là sự lựa chọn hợp lý nhằm nâng cao sức mạnh răn đe của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại