Nhà sáng chế thiên tài
Hôm qua (23/12), Mikhail Kalashnikov, "cha đẻ" của loại súng tiểu liên huyền thoại AK-47, đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 94. Là một trong những nhà sáng chế tài năng nhất của Liên Xô, Kalashnikov từng được xem là một anh hùng quốc gia và là biểu tượng cho nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh của Nga.
Sáng chế làm nên tên tuổi của ông là khẩu AK-47 huyền thoại. Sau gần 67 năm, AK vẫn được đánh giá là vũ khí cá nhân thông dụng và uy lực nhất. Nhiều quốc gia vẫn chọn AK là vũ khí cá nhân tiêu chuẩn. Theo dự tính, hơn 100 triệu khẩu súng AK đã được bán ra trên toàn cầu và hiện diện khắp thế giới, hơn 50 quốc gia đã trang bị nó cho quân đội .
Ông Mikhail Timofeyevich Kalashnikov sinh ngày 10/11/1919 ở miền tây Siberia. Năm 1938, ông được gọi vào lực lượng Hồng Quân. Từ năm 1942, Kalashnikov làm việc tại Trung tâm nghiên cứu khoa học súng trường Trung ương thuộc Bộ tư lệnh Pháo binh. Năm 1944, ông tạo ra mẫu súng cacbin nạp được nhiều đạn. Mẫu súng này phần nào đã giúp ích cho việc chế tạo súng tự động. Từ năm 1945, Kalashnikov bắt đầu nghiên cứu sáng tạo mẫu súng tự động đạn 7,62 × 39. Mẫu này chịu nhiều ảnh hưởng của súng Stg-44 của Đức.
Trong một cuộc thi năm 1947, sau khi thành công trong thử nghiệm, mẫu súng của Kalashnikov đã được chấp nhận sử dụng trong lực lượng vũ trang Liên Xô với tên gọi AK-47. AK-47 là tên viết tắt của “Avtomat Kalashnikova mẫu năm 1947” và năm nó ra đời. Đến năm 1949, loại súng này được trang bị cho quân đội Liên Xô.
Nhờ thành tích này, trong năm đó, Kalashnikov được trao huân chương Stalin hạng nhất cho sáng chế của mình. Trong sự nghiệp của mình, ông còn được trao tặng ba huân chương Lenin và danh hiệu Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa.
Nhà sáng chế tài năng Mikhail Kalashnikov cùng khẩu AK huyền thoại
AK nâng tầm nghệ thuật chiến tranh du kích Việt Nam
Đối với cuộc chiến tranh Việt Nam, có thể nói rằng AK-47 và các biển thể của nó đã góp phần quan trọng để đưa nghệ thuật chiến tranh nhân dân lên một tầm cao mới. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đối đầu với những đế quốc hùng mạnh vượt trội về vũ khí trang bị, Việt Nam đã chọn cho mình một lối đánh phù hợp nhất, đó là chiến thuật du kích với những phương châm nổi tiếng “đánh gần, đánh đêm” “bám thắt lưng địch mà đánh”, “đánh nở hoa trong lòng địch”. Với cách đánh này, ưu thế về vũ khí trang bị đế quốc Mỹ đều đã bị hạn chế rất nhiều.
Tuy nhiên, để làm được điều đó thì cần phải có một loại vũ khí cá nhân phù hợp với lối đánh gần và AK-47 cũng như các biến thể của nó chính là một miếng ghép vô cùng hoàn hảo.
Với đế quốc Mỹ, phương châm tận dụng tối đa ưu thế về vũ khí trang bị nên bộ binh chỉ giao chiến ở tầm xa và đóng vai trò kết thúc chiến trận sau những màn hỏa lực phủ đầu. Do đó, tiêu chí của quân đội Mỹ là các vũ khí cá nhân có tầm bắn xa, tốc độ bắn cao nhằm tạo ra uy lực nhờ màn đạn dày đặc.
Điển hình cho loại vũ khí này đó là AR-15 (phiên bản cải tiến là M-16) có tốc độ bắn liên thanh là 750 phát/phút. Tốc độ bắn thực tế liên thanh: 150-200 phát/ phút, tốc độ bắn thực tế phát một: 45-65 phát/ phút. Tầm bắn hiệu quả: 200-300 m, tầm bắn xa nhất: 2653 m, tốc độ ban đầu của đầu đạn: 990 m/s. Loại súng này còn có quai xách tháo rời có thể dùng để gắn kính ngắm, dụng cụ chấm mục tiêu bằng tia laser, kính nhìn ban đêm, đèn và súng phóng lựu.
Ngược lại, với chiến thuật du kích đánh gần, đánh đêm của Việt Nam, phù hợp nhất là một loại vũ khí có độ tin cậy cao trong mọi điều kiện thời tiết, kết cấu đơn giản, uy lực lớn và đạt hiệu quả cao trong các cự ly gần.
Súng AK-47 có tốc độ bắn liên thanh lý thuyết là 600 phát/phút, tốc độ bắn liên thanh thực tế là 100 phát phút, tốc độ bắn phát một: 40 phát/phút. Tầm bắn xa nhất 1.000 m, sơ tốc đầu đạn 710 m/s.
Tốc độ bắn và cự ly hoàn toàn thua kém so với AR-15, nhưng bù lại uy lực của AK lại hoàn toàn vượt trội do sử dụng đầu đạn kích thước lớn hơn.
AK có piston trích khí lớn, độ rơ giữa các bộ phận chuyển động lớn, điều này làm cho độ chính xác trở nên kém hơn, độ tản mát của đạn cũng lớn hơn nhưng đối với tầm gần và thực hiện bắn loạt, các nhược điểm này không phải là điều quan trọng bởi xác suất và hiệu quả ở tầm gần của AK đạt mức độ rất cao, gần như tuyệt đối. Các trận đánh theo lối du kích của Việt Nam thường được lệnh bắt đầu nổ súng ở khoảng cách cực gần trên dưới 100 m.
Do cấu tạo không quá phức tạp, dễ tháo lắp, chỉ cần một số dụng cụ cơ khí đơn giản (búa, kìm, đột, tống chốt, giũa, chổi con sâu), xạ thủ có thể bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ dễ dàng. Các bộ phận phụ: ốp che tay, báng, tay nắm bóp cò đều làm bằng gỗ nên rất dễ tự chế tạo theo mẫu.
Súng có thể chịu được bùn, nước, cát bụi; rất phù hợp với những chiến trường có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như Việt Nam. Thậm chí, khi vớt khỏi bùn (thời gian ngâm bùn không quá lâu), chỉ cần tháo ra, dùng nước rửa sạch các bộ phận, lắp ráp lại là có thể bắn được. Với chiến thuật du kích không có điều kiện bảo vệ kỹ càng trước tác động của môi trường cũng như thực hiện các quy trình bảo dưỡng, sữa chữa bài bản thì AK thực sự là loại vũ khí phù hợp nhất.
Rõ ràng với hai đặc điểm: 1. Uy lực lớn và hiệu quả cao trong tầm gần. 2. Độ tin cậy cao, dễ sử dụng, sữa chữa trong mọi điều kiện môi trường khắc nghiệt và giá thành rẻ đã khiến AK trở thành miếng ghép hoàn hảo của lối đánh du kích Việt Nam. AK đã góp phần quan trọng trong sự thắng lợi của nghệ thuật quân sự độc đáo này và Quân đội nhân dân Việt Nam cũng chính là người khiến tên tuổi AK cũng như nhà sáng chế Mikhail Kalashnikov trở thành những huyền thoại.