Các nước tăng cường khả năng hủy diệt vệ tinh
Theo quan điểm của chuyên gia quân sự Sarah Nepton trong bài báo đăng trên tờ Daily Telegraph, những cuộc chiến tranh trong tương lai sẽ được bắt đầu bằng một cuộc đấu trong không gian vũ trụ, với việc các cường quốc hủy diệt vệ tinh của đối phương.
“Ý tưởng về sử dụng không gian để mở ra những trận chiến trước đây thường được xem là chỉ có trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng, nhưng bây giờ đã thành hiện thực" - tác bài báo dẫn lời chuyên gia Brian Uiden của Quỹ "Thế giới an toàn".
Ngược lại quá khứ, cuộc chạy đua vũ trang không gian của hai siêu cường, đại diện cho 2 cực của thế giới là Hoa Kỳ và Liên Xô bắt đầu hồi những năm 1980.
Khi đó, tổng thống Ronald Reagan công bố khởi động chương trình “Sáng kiến phòng thủ chiến lược”, được mệnh danh là "Chiến tranh giữa các vì sao” (SDI), dự trù đưa các phương tiện phòng thủ tên lửa lên không gian.
Đáp lại, Nga và Trung Quốc cũng bắt đầu thử nghiệm các mẫu vũ khí chống vệ tinh, đồng thời cũng đang phát triển các hệ thống dẫn đường-định vị riêng của mình là GLONASS và Bắc Đẩu.
Lý do vì bây giờ hiện buộc phải sử dụng hệ thống GPS của Mỹ, chắc chắn sẽ khóa truy cập nếu xảy ra chiến tranh.
Vị chuyên viên này nhận định rằng, các cường quốc đã ký Hiệp ước quốc tế cấm sử dụng vũ khí hạt nhân trong không gian vào năm 1967.
Tuy nhiên với công nghệ hiện đại ngày nay, chẳng có gì ngăn cản họ triển khai các tên lửa thông thường hoặc phát triển các phương tiện phá hủy vệ tinh phi vũ khí.
Chiến tranh hiện đại bắt đầu bằng cuộc chiến trên vũ trụ
Các chuyên viên quân sự và vũ trụ cảnh báo rằng tín hiệu khởi đầu cuộc xung đột quân sự lớn tiếp theo sẽ chính là động tác tiêu hủy vệ tinh của đối phương.
Các nước sẽ cố gắng hủy diệt công nghệ của kẻ thù và các vệ tinh trên quỹ đạo địa tĩnh mà trước ngỡ là an toàn thì nay đã trở nên dễ bị tổn thương.
Theo quan điểm của chuyên viên Jeremy Greaves từ Airbus Group (công ty chuyên sản xuất vệ tinh quân sự), vũ trụ đã biến thành “mặt trận thứ tư” để tiến hành hoạt động chiến sự, sau đường không, mặt đất và ngầm dưới nước.
Tuy “sinh sau” nhưng nó có vai trò quyết định so với các mặt trận trên.
Cách đây chưa lâu, Hoa Kỳ buộc phải thừa nhận rằng, quỹ đạo gần Trái đất là khu vực lãnh thổ tranh chấp và dễ bị tấn công từ mặt đất.
Do vậy họ đã đầu tư 10 tỷ USD cho việc đảm bảo an ninh không gian, trước các đối thủ tiềm tàng như Nga hay Trung Quốc, thậm chí có thể là Iran, Triều Tiên sau này.
Tướng Mỹ John Huyton cho biết, các quốc gia không thân thiện với Hoa Kỳ đang thử nghiệm để xác minh rằng, trong trường hợp có xung đột với Mỹ thì họ có thể phá hủy vệ tinh, nhằm gây hại cả cho Hoa Kỳ, nhưng đồng thời cũng gây hại cho toàn hành tinh.
Do đó, vị tướng này nhận định rằng, Hoa Kỳ cần nhanh chóng tìm ra những phương pháp hữu hiệu để bảo tồn vệ tinh trước các đòn đánh hủy diệt của đối thủ, đồng thời cũng phải tìm cách tiêu diệt lại các vệ tinh của đối phương - Daily Telegraph dẫn lời tướng John Huyton.
“Chiến tranh giữa các vì sao” biến chiến tranh quay về “thời Trung Cổ”
Hiện nay, khoảng hơn 1.300 vệ tinh đang hoạt động trên các quỹ đạo gần và xa trái đất (gần một nửa là của Mỹ, khoảng 25 trong số đó được sử dụng cho mục đích quân sự).
Chúng tạo thành một mạng lưới cung cấp cho toàn thế giới những khả năng giao tiếp, định vị toàn cầu, dự báo thời tiết và do thám hành tinh.
Hiện nay, Trung Quốc và Nga đang thách thức vị trí hàng đầu của Mỹ trên không gian. Quỹ đạo trái đất hiện là nơi mà Nga, Mỹ và Trung Quốc đang âm thầm chạy đua vũ trang, mặc dù cả 3 “người khổng lồ” này luôn phủ nhận sự thật.
Có nhiều cách để vô hiệu hóa hay thậm chí phá hủy các vệ tinh trên quỹ đạo trái đất.
Với các phương tiện phá vệ tinh thuộc loại vũ khí, trước đây, Mỹ và Liên Xô cũng đã từng phát triển bom hạt nhân trên quỹ đạo hay “mìn không gian” - tức là tàu vũ trụ tự phát nổ, tìm kiếm và phóng hàng triệu mảnh vỡ vào vệ tinh đối phương.
Vũ khí laser có thể được dùng để tạm thời vô hiệu hóa hay gây tổn hại thường xuyên đến các thành phần của vệ tinh, đặc biệt là mạng lưới cảm biến mỏng manh và sóng vô tuyến hay vi sóng có thể gây nhiễu hoặc tấn công đường truyền đến hoặc từ các trạm kiểm soát trên mặt đất.
Với công nghệ hiện nay, các tên lửa chống vệ tinh cũng là một sát thủ ghê gớm đối với các vệ tinh trên quỹ đạo. Không cần dùng đầu đạn nhưng các tên lửa chống vệ tinh hiện đại theo phương pháp động năng cũng đủ sức phá hủy hàng trăm vệ tinh một lúc.
Tên lửa Trường Chinh-3B của Trung Quốc mang tàu vũ trụ Hằng Nga-3 rời bệ phóng
Với các công nghệ thuộc loại phi vũ khí, cách đơn giản nhất là một con tàu vũ trụ có thể tiến gần đến vệ tinh và phun sơn lên hệ thống quang học, gây tác động làm gãy các ăngten thông tin liên lạc hay cố tình chen vào quỹ đạo, gây mất ổn định quỹ đạo bay của vệ tinh địch.
Tuy nhiên, các phương pháp này đều không hiệu quả như phương pháp mới nhất mà các cường quốc đang nghiên cứu là cướp quyền điều khiển vệ tinh để phản đòn hoặc điều khiển chúng tự hủy, nếu không chiếm được vệ tinh đối phương thì mới dùng vũ khí hủy diệt.
Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có vài nước trên thế giới như Nga, Mỹ và có thể là Trung Quốc có thể làm được. Hơn nữa, chúng chỉ đạt hiệu quả cao nếu đối đầu với các đối thủ có trình động công nghệ thấp kém hơn.
Các chuyên gia nhận định rằng, các đối thủ hiện nay sẽ cố sức dìm nhau vào tình trạng "công nghệ thời Trung cổ".
Tức là triển khai đầu tiên một cuộc “Chiến tranh giữa các vì sao” nhằm tìm mọi cách phá hủy tất cả các loại vệ tinh của đối phương, kể cả quân sự và dân sự.
Cuộc sống của con người hiện đại phần nhiều phụ thuộc vào công nghệ vệ tinh, mà hiện nay các cường quốc đều có khả năng hủy diệt những vệ tinh đó.
Ví dụ như Trung Quốc từng phô trương trong năm 2013, khi phá hủy vệ tinh trên quĩ đạo địa tĩnh - Sarah Nepton viết trong bài báo trên Daily Telegraph.
Với thiệt hại của các bên về vệ tinh do thám, định vị và thông tin liên lạc, cuộc chiến trên Trái đất sẽ quay trở lại thời kỳ tiền kỹ thuật số, “các nước sẽ giao tranh y như trong Thế chiến I hoặc Thế chiến II” - chuyên viên Peter Singer từ Quỹ “New America” dự báo.