Arleigh Burke được đặt tên theo tên của Đô đốc Arleigh Burke (1901-1996) lừng danh của Mỹ, ông từng là sĩ quan chỉ huy của các Hải đoàn 43, 44, Squadron 12 và Squadron 23 (*squadron: một đội tàu gồm 2, 3 hải đoàn, có chức năng tương tự như một hạm đội cỡ nhỏ).
Arleigh Burke nổi tiếng với những trận đánh tiêu diệt Hải quân đế chế Nhật trong thế chiến thứ 2 với các trận như Leyte, Luzon và đặc biệt là trận chiến với chiếc thiết giáp hạm lớn nhất thế giới Yamato của Nhật Bản. Ông từng đảm nhiệm vị trí Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Hải quân Mỹ trong suốt thời gian đương nhiệm của Tổng thống Eisenhower và cả Tổng thống Kennedy.
Ông cũng là người đầu tiên được lấy tên đặt cho một lớp tàu khi còn sống. Chiếc đầu tiên của lớp tàu này mang tên USS Arleigh Burke (DDG-51) do chính ông cắt băng và phát biểu tại buổi lễ.
Arleigh Burke được thiết kế để trở thành một chiếc khu trục đa nhiệm, nó có thể đảm nhiệm mọi nhiệm vụ bao gồm:
+Hệ thống tác chiến chống máy bay: được hỗ trợ từ các radar của hệ thống tác chiến tối tân Aegis, với sự mạnh mẽ của những bệ phóng chống máy bay RAM.
+Hệ thống tác chiến chống hạm: nhờ có hệ thống Aegis, nó có thể định vị các tàu địch ở khoảng cách khá xa, cùng đó là các tên lửa hạm đối hạm Harpoon mạnh mẽ.
+Hệ thống tác chiến chống ngầm: hệ thống định vị thủy âm và hệ thống sonar tối tân, hiện đại nhất của phía NATO là AN/SQS-53S với khả năng quét sonar pha chủ động, AN/SQR-19 với khả năng truy quét các mục tiêu trong phạm vi của nó và hệ thống AN/SQQ của hệ thống chống ngầm từ các trực thăng SH-60 SeaHawk. Bên cạnh đó là các máy phóng ngư lôi MK-46, MK-50 và MK-54 trên tàu đủ sức quét sạch cả một hạm đội tàu ngầm.
+Hệ thống tác chiến tấn công mặt đất: Với các tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk, nó có khả năng tấn công ngay từ trên mặt biển nhằm vào các mục tiêu trên đất liền.
Arleigh Burke có một vẻ ngoài khác đặc biêt, phải nói là chẳng giống bất kỳ chiếc khu trục nào cả. Nhưng nhờ với vẻ ngoài khác biệt đó, nó có thể qua mặt được bất kỳ hệ thống radar nào trên thế giới. Arleigh Burke là lớp tàu khu trục kế nhiệm các đàn anh của nó như Kidd và Ticonderoga.
Từ sau khi các tàu khu trục Spruance của Hải quân Mỹ được ký quyết định nghỉ hưu thì Arleigh Burke là lớp khu trục duy nhất phục vụ trong các hạm đội. Dự kiến Arleigh Burke sẽ còn hoạt động thêm khoảng 15 đến 20 năm nữa và sẽ được thay thế dần từ sau năm 2015.
Những 'sát thủ' Arleigh Burke
Là một trong những lớp tàu khu trục tối tân và hiện đại nhất của phía NATO, Arleigh Burke được coi như là một bản nâng cấp tổng thể từ 2 chiếc Spruance và Ticonderoga. Arleigh Burke cũng là một trong những chiếc tàu khu trục có chiều dài khổng lồ 153.9m, chỉ kém đàn anh Kidd của nó 16.7m.
Ngay từ khi được biên chế cho cho hạm đội 3 kiểm soát khu vực tây Đại Tây Dương của Mỹ, nó đã được giới chuyên môn nhận định: “Arleigh Burke là chiếc tàu khu trục mạnh nhất, hiện đại nhất với những khả năng ưu việt nhất từng được chế tạo”.
Đây là lớp tàu khu trục đa nhiệm với nhiều khả năng tác chiến trong mọi hoàn cảnh. Với thiết kế thừa hưởng từ Spruance, Arleigh Burke có một sức mạnh tuyệt vời nhờ hệ thống máy turbine General Electric LM2500-30 hiện đại và thiết kế rẽ sóng để đạt được vận tốc 54 hải lý/giờ. Mạnh mẽ và bất khả chiến bại đó là khi nói đến vũ khí của Ticonderoga mà Arleigh Burke thừa hưởng. Cộng thêm vào đó là hệ thống tác chiến Aegis đã làm cho nó trở thành một kẻ hủy diệt của Hải quân Mỹ.
Để có được những tính năng ưu việt như vậy, đội ngũ kỹ sư đã phải nghiên cứu khá nhiều từ một số lớp tàu khu trục của NATO để có thể kết hợp lại với nhau tạo nên 1 chiếc tàu bất khả chiến bại. Thiết kế lớp vỏ hợp kim không bị ăn mòn của Arleigh Burke là nhờ sự kết hợp của sắt, crom và cả nhôm. Nhôm làm nhẹ thân tàu để có thể tăng tốc độ cho chiếc Arleigh Burke. Cải tiến này là nhờ bài học từ chiếc USS Belknap (CG-26) với quá nhiều nhôm trong kết cấu vỏ tàu khiến khả năng chịu nhiệt kém. Bên cạnh đó, Arleigh Burke đã tận dụng được điểm mạnh của chiếc HMS Sheffield thuộc Hải quân Hoàng gia Anh là lớp vỏ kiên cố với 2 lớp hợp kim, gồm 1 lớp rỗng giữa 2 lớp này để có thể tăng khả năng sống sót của con tàu khi bị các tên lửa tấn công.
Đầu năm 1978, Bộ tư lệnh Hải quân Mỹ đau đầu với bài toán tàu khu trục. Trong khi đó ở bên kia đại dương, Liên bang Xô Viết liên tục cho các lớp tàu khu trục mới của họ vào biên chế, đó là các lớp Udaloy, Sovremenny… với các công nghệ tối tân nhất mà các quốc gia đều thèm muốn. Người Mỹ cũng không muốn bị lép vế nên đã có khá nhiều kế hoạch được vạch ra nhưng chỉ 2 kế hoạch được phê duyệt: Một là nâng cấp tiếp lớp Ticonderoga, Hai là chế tạo 1 lớp tàu khu trục mới với những công nghệ mới hơn. Tuy nhiên phương án 2 đã được lựa chọn bởi:
+Lớp tàu mới sẽ đỡ tốn kém hơn nâng cấp chiếc Ticonderoga.
+Lớp Ticonderoga quá tốn kém tiền bạc bởi cần thay thế nhiều hệ thống máy và radar mới.
+Lớp Ticonderoga đã quá cũ, nếu nâng cấp thì họ cũng sẽ phải lên kế hoạch để nâng cấp cho nó tiếp trong những năm tiếp theo mà như vậy thì quá lãng phí.
Hệ thống Aegis hiện đại
Arleigh Burke là lớ p tàu khu trục đầu tiên của Mỹ có khả năng tham chiến trong mọi cuộc xung đột, kể cả là chiến tranh hạt nhân, sinh học thậm chí là hóa học. Bởi Arleigh Burke có hệ thống lọc không khí mới nhất từ các nhà khoa học Mỹ, cùng với đó là lớp vỏ có khả năng ngăn chặn các loại tia Alpha và Beta từ các vụ nổ hạt nhân. Nó còn có cả thiết bị lọc nước biển và hệ thống xử lý nước cho các thủy thủ trên tàu.
Aegis có thể nói là linh hồn của chiếc Arleigh Burke. Aegis là một hệ thống tác chiến hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là một trí tuệ nhân tạo có khả năng kiểm soát mọi tình hình trong các cuộc chiến trên biển, có thể đưa ra các giải pháp tấn công và phòng thủ cho Arleigh Burke.
Tính cho đến thời điểm hiện tại, ngoài Mỹ thì chỉ có 2 nước sở hữu công nghệ Aegis là Hàn Quốc (được trang bị trên các tàu khu trục lớp King Sejong), Nhật (được trang bị trên các tàu khu trục lớp Kongo). Aegis còn hỗ trợ thêm cả hệ thống tên lửa đạn chặn, nhằm hạ gục bất kỳ tên lửa tấn công xuyên lục địa (ICBM) nào trong phạm vi của nó.
Aegis hỗ trợ hệ thống radar mạnh mẽ là AN/SPY-1D với khả năng phủ sóng toàn bộ khu vực cả trên không lẫn trên biển và AN/SPS-67 với khả năng định vị và xác định các mục tiêu trên biển. Nhờ hệ thống radar có khả năng xoay 360 độ, nó có thể tóm được bất kỳ kẻ nào đang trong vùng biển lân cận sau đó đưa ra các giải pháp tấn công.
Ngoài ra, Aegis còn phân tích được cả mối nguy hiểm nào nên tấn công trước và mục tiêu nào sẽ tấn công sau. Ngay sau khi hệ thống tính toán xong, các tên lửa Harpoon sẽ được phóng đi và tiêu diệt nhanh chóng kẻ thù. Harpoon là một loại tên lửa hạm đối hạm, được coi như là loại tên lửa chống hạm chuẩn của NATO, tầm bắn là 45km và có tốc độ siêu âm Mach 1.8 nó có khả năng đánh chìm một chiếc khu trục hạm trong chớp mắt.
Arleigh Burke được trang bị 1 pháo hạm tầm xa 127mm của hãng BAE, có khả năng bắn 20 phát/phút, tầm bắn tối đa là 10km. Loại pháo này được coi như là anh em của khẩu Octobera 127 mm của Italy. Bên cạnh đó, để bổ sung khả năng chống ngầm, nó còn được trang bị các máy bay chống ngầm SH-60 SeaHawk và hệ thống LAMPII để săn đuổi bất kỳ kẻ giấu mặt nào bên dưới đáy biển.
Tính năng đáng giá nhất của Aegis có lẽ là hệ thống tên lửa đánh chặn (BMD) với khả năng tóm gọn bất kỳ ICBM nào nhằm vào Mỹ và các nước đồng minh. Hiện nay, chưa có lớp tàu khu trục nào trên thế giới kể cả từ phía Nga có được hệ thống này. Dự kiến, lớp khu trục kế nhiệm Arleigh Burke là Zumwalt sẽ được trang bị bản nâng cấp của hệ thống này với những tính năng tối tân nhất.