B-2 Spirit - Hồn ma không mạnh như tuyên bố
Vậy, máy bay B-2 Spirit có ưu điểm gì vượt trội với Tu-22M3? Để trả lời được câu hỏi này cần xem khả năng thực chiến của chúng.
Các chuyên gia Nga đã tiến hành phân tích về chất lượng của những chiếc B-2 cùng với những kịch bản sử dụng loại máy bay này cho các nhiệm vụ khác nhau.
Đầu tiên, giới chuyên gia Nga đã xem xét tới lịch sử ứng dụng các loại máy bay tầm xa trong xung đột hạt nhân truyền thống để xem chúng được sử dụng như thế nào và hiện đã có những thay đổi ra sao.
Trước khi Liên Xô tan rã, B-2 được người Mỹ chế tạo nhằm mục đích tiêu diệt các mục tiêu cố định với tọa độ xác định từ trước.
Tuy nhiên, sau khi Liên Xô chế tạo và triển khai các tổ hợp tên lửa Topol vào năm 1985, chương trình B-2 đã được Mỹ điều chỉnh để trở thành “thợ đốn gỗ” đối với các tổ hợp Topol.
Về mặt ý tưởng, Mỹ dự kiến sẽ triển khai trên quỹ đạo một cụm vệ tinh kiểu KH-11 và KH-12 với khả năng phát hiện các mục tiêu kích thước nhỏ sát với thời gian thực.
Cụm vệ tinh này được sử dụng để trinh sát phục vụ cho hoạt động của B-2 trên lãnh thổ Nga. Cụm vệ tinh sẽ tìm kiếm và chuyển tọa độ các mục tiêu về theo thời gian thực.
Người Mỹ cho rằng việc tiêu diệt các tổ hợp Topol sẽ bảo đảm an toàn cho họ trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Trong khi đó, Mỹ hiện chỉ có 2 vệ tinh KH-11 trên quỹ đạo. Số lượng vệ tinh như vậy không đủ để Mỹ bao quát dù chỉ là 1/60 lãnh thổ Nga, nơi triển khai các tổ hợp tên lửa Topol theo hiệp ước START 1.
Một khi căng thẳng leo thang, lẽ tự nhiên là người Nga sẽ mở rộng các khu vực bố trí tên lửa.
Trước đây, việc Mỹ sử dụng B-2 trong cuộc chiến Nam Tư cũng đã bộc lộ những vấn đề về xác định mục tiêu.
Thời gian để B-2 xử lý và phản ứng đối với các thông tin về mục tiêu là quá lâu. Khi B-2 bay đến khu vực mục tiêu đã định sau khi xử lý dữ liệu thì các mục tiêu đã kịp di chuyển. Việc xác định mục tiêu của B-2 cũng thường xuyên gặp sai sót.
Trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân, B-2 sẽ được sử dụng chủ yếu để tiêu diệt các mục tiêu cố định.
Loại máy bay này không có khả năng thực hiện các nhiệm vụ khác do khả năng bảo đảm yếu từ các vệ tinh trên quỹ đạo và do bản thân B-2 có số lượng ít.
Không những thế, ý kiến cho rằng B-2 có thể bay “tự do” trong khu vực phòng không của Nga là hoàn toàn vô căn cứ.
Thực tế việc ứng dụng B-2 cho thấy đi cùng loại máy bay “tàng hình” này là rất nhiều các loại máy bay khác như Е-3 , Е-8 , ЕА-6В và F-15. Chính vì vậy, tính năng “tàng hình” là vô tác dụng.
Người Mỹ cũng đã từng coi B-2 là máy bay tấn công (khác với ném bom). Đó là vào những năm 2000, Mỹ có tính tới khả năng sử dụng B-2 để tiêu diệt các cụm xe tăng của đối phương.
Theo tính toán, mỗi lần cất cánh, B-2 có khả năng tiêu diệt tới 350 xe tăng của đối phương bằng bom có điều khiển SDB.
Tuy nhiên, việc sử dụng B-2 cho nhiệm vụ này rất nguy hiểm khi nó có thể trở thành mục tiêu của tiêm kích và các hệ thống tên lửa phòng không.
Cái giá của một chiếc B-2 bị bắn hạ sẽ đắt hơn toàn bộ số xe tăng mà nó tiêu diệt được (mỗi chiếc B-2 có giá trên 2 tỷ USD), kể cả loại tăng hiện đại nhất là T-90.
Các chuyên gia Nga cũng đặt ra các trường hợp khi B-2 được sử dụng kết hợp với các loại máy bay khác mà Mỹ hiện có như B-52, F-22 hay B-1B.
Trong trường hợp B-2 được sử dụng kết hợp với B-1B, B-2 sẽ “khoan thủng” hệ thống phòng không bằng tên lửa AMG-88. Sau đó, B-1B sẽ tiêu diệt các mục tiêu chính bằng các loại bom đạn phi hạt nhân (không phải bom hạt nhân).
Nếu kết hợp B-2 với B-52 thì người Mỹ sẽ gặp nhiều rắc rối với B-52 bởi “cựu binh” này không có nhiều chế độ hoạt động.
Còn nếu sử dụng B-2 kết hợp với F-22, người Mỹ lại gặp rắc rối do tầm bay hạn chế của F-22.
Để khắc phục vấn đề này, Mỹ có thể sử dụng các máy bay tiếp liệu cho F-22, song khi đó chúng có thể trở thành bia tập bắn cho hệ thống phòng không.
Dù với phương án nào thì việc sử dụng một số lượng lớn các máy bay hộ tống và bảo đảm khi tác chiến sẽ khiến cho B-2 chỉ tương đương với một chiếc máy bay ném bom “cổ điển”.
Không quân Mỹ từ chối mua thêm B-2 dù được giảm giá là minh chứng cho thấy cuối cùng họ đã nhận ra kết quả không như tính toán.
Với các hệ thống phòng không của Nga thì ngay cả với S-300 hiện nay, các máy bay “tàng hình” của Mỹ cũng không thể vượt qua, chứ chưa nói tới S-400 và các hệ thống khác.
Tu-22M3 có thể hoàn thành nhiệm vụ gì?
Tu-22M3 là một trong bộ 3 máy bay ném bom chiến lược của Nga.
Trong khi Tu-95 và Tu-160 nổi tiếng với kích thước khổng lồ và khả năng tấn công hạt nhân khủng khiếp thì Tu-22 lại được coi là một “sát thủ diệt tàu sân bay” hàng đầu trên thế giới hiện nay với vận tốc siêu âm và tên lửa hành trình chống hạm tầm xa.
Máy bay ném bom chiến lược siêu âm 2 động cơ Tu-22M3 (tên định danh NATO: Backfire) là một trong những phiên bản máy bay ném bom tầm xa siêu âm trang bị tên lửa và có cánh cụp cánh xòe.
Tổng khối lượng bom (bao gồm cả bom hạt nhân và bom thông thường) máy bay có thể mang theo là 24 tấn.
Tu-22M3 có thể tác chiến cả trên đất liền và trên biển, trong mọi điều kiện thời tiết bất kể ngày, đêm với các loại tên lửa chống hạm Kh-22, tên lửa tấn công mặt đất Kh-15 và các loại bom khác nhau.
Với khả năng tác chiến đa dạng, tốc độ siêu âm và hỏa lực cực mạnh, Tu-22M3 là nỗi kinh hoàng đối với Mỹ và phương Tây.
Với tải trọng vũ khí khủng, Tu-22M3 “Backfire-C”có thể mang 2 quả tên lửa hành trình chống hạm Kh-22 Raduga (NATO gọi là AS-4 “Kitchen”), có tầm bắn 600 km và tốc độ đến 4000 km/h, ở 2 bên cánh.
Loại tên lửa chống hạm này còn có thể lắp đầu đạn hạt nhân để sử dụng tấn công mặt đất.
Nó cũng có thể được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kh-15 với tầm bắn 300 km, cơ số 6 tên lửa dạng ổ quay bên trong thân.
Loại tên lửa này có vận tốc khủng khiếp lên tới 6000km/h và cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Tên lửa hành trình chống hạm tầm xa siêu âm Kh-22 được sản xuất theo công nghệ của những năm 70, hệ thống dẫn đường theo công nghệ cũ khiến khả năng tấn công của tên lửa không chính xác lắm nhưng khiếm khuyết này được bù đắp bằng đầu đạn hạt nhân, sức công phá lớn của đầu đạn hạt nhân sẽ xóa nhòa ranh giới về độ chính xác.
Hiện nay, tên lửa Kh-32 đang được phát triển cho Tu-22M3, có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 1.000 km với độ chính xác cao. Đến năm 2020, 30 chiếc Tu-22M3 sẽ được nâng cấp thành Tu-22M3М và sẽ được trang bị Kh-32.
Với những thông tin ấn tượng của Tu-22M3 cho thấy, dù máy bay này không có khả năng "tàng hình" như B-2 nhưng Tu-22M3 cũng không thể bị xếp "chiếu dưới" như National Interest tuyên bố.