Hệ thống tên lửa phòng không Buk
Buk-M3 được phát triển bởi Viện nghiên cứu mang tên Tihomirova là thành viên mới nhất trong gia đình tên lửa đất đối không tầm trung tự hành Buk (Cây sồi) của Liên Xô và Nga .
Thành phần tổ hợp Buk-M3 bao gồm xe chỉ huy, xe radar cảnh giới, xe radar hỏa lực, xe mang phóng tự hành và xe phóng chấp hành kiêm tiếp đạn. So với "người anh" Buk-M2 thì Buk-M3 có một số khác biệt sau đây:
Xe mang phóng tự hành 9A317 (trái) và 9A317M (phải)
Xe mang phóng tự hành 9A317 của Buk-M2 mang theo 4 tên lửa "để trần" trên bệ quay, còn xe 9A317M của Buk-M3 mang được tới 6 tên lửa đặt trong các ống phóng kín kiêm container bảo quản.
Trên xe mang phóng tự hành còn có radar đa năng, thiết bị quang truyền hình, ảnh nhiệt, bên cạnh thiết bị liên lạc vô tuyến để kết nối với các thành phần trong hệ thống.
Xe phóng chấp hành kiêm tiếp đạn 9A316 (trái) và 9A316M (phải)
Xe phóng chấp hành kiêm tiếp đạn 9A316 của Buk-M2 có kết cấu bệ phóng tương tự 9A317 nhưng không có các thiết bị dẫn bắn. Xe mang theo 4 tên lửa sẵn sàng phóng và 4 tên lửa dự bị để tiếp đạn cho xe 9A317.
Trong khi đó, xe 9A316M của Buk-M3 mang được tới 12 tên lửa, trong đó bao gồm 6 tên lửa sẵn sàng bắn và 6 tên lửa dự trữ ở khay giữ ngay dưới bệ phóng.
Tên lửa 9M317 (trái) và 9M317M (phải)
Buk-M2 sử dụng đạn tên lửa 9M317 có trọng lượng 715 kg; dài 5,5 m; đường kính 0,4 m; tầm bắn 50 km; trần bay 25 km; tốc độ Mach 4 và mang theo đầu đạn nổ mảnh nặng 70 kg.
Phiên bản nâng cấp Buk-M3 sử dụng đạn 9M317M tương tự hệ thống Shtil-1, tên lửa có chiều dài 5,08 m; đường kính 0,36 m; sải cánh 0,82 m; tầm bắn 50 km; trần bay 15 km; tốc độ Mach 4,5; mang theo đầu đạn nổ mạnh nặng 62 kg.
9M317M được lắp đầu tự dẫn đa chế độ gồm chế độ quán tính có hiệu chỉnh vô tuyến pha giữa và radar xung doppler chủ động pha cuối. Tên lửa có khả năng tiêu diệt mục tiêu bay với tốc độ tối đa lên tới trên 1.200 m/s.
Xe chỉ huy 9S510
Các thành phần còn lại của tổ hợp Buk-M3 chưa có thông tin rõ ràng, nhưng nhiều khả năng vẫn tương tự Buk-M2, bao gồm: 1 xe chỉ huy 9S510 giữ vai trò trung tâm, điều phối hoạt động và liên kết các thành phần khác, đồng thời đóng vai trò theo dõi, đánh giá và phân tích kết quả sau khi tên lửa được phóng đi.
Xe radar trinh sát 9S18M1 "Snow Drift"
Tiếp theo là xe radar trinh sát nhìn vòng tự hành 9S18M1 "Snow Drift" hoạt động trên băng sóng cm, tầm quét tối đa 160 km ở 2 chế độ quét chùm tia điện tử hoặc quét cơ khí. 9S18M1 có nhiệm vụ phát hiện và chỉ thị mục tiêu cho xe chỉ huy 9S510.
Xe radar hỏa lực 9S36
Xe radar hỏa lực 9S36 với khối ăng ten mảng pha gắn trên cần nâng dài 21 m, có tác dụng tìm kiếm, chiếu xạ mục tiêu bay thấp hoặc cực thấp cho tên lửa tiêu diệt ở giai đoạn cuối và điều khiển tên lửa bằng lệnh hiệu chỉnh vô tuyến ở giai đoạn hành trình.
Radar hoạt động trên băng sóng cm, có thể cùng lúc phát hiện 10 mục tiêu, bám sát và tiêu diệt 4 mục tiêu với cự ly phát hiện tối đa 120 km. Xe radar 9S36 vận hành theo lệnh của xe chỉ huy 9S510 qua tín hiệu vô tuyến, cự ly tối đa giữa 2 xe là 10 km.
Xe cẩu tự hành 9T31M1
Ngoài ra, tổ hợp còn được bổ sung một xe cẩu tự hành 9T31M1 sử dụng khung gầm xe tải Ural-375 để bổ trợ cho các xe phóng và chấp hành phóng.